Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vừa cảnh cáo Trung Quốc rằng lập trường của họ trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật có thể làm suy yếu kinh tế Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vừa cảnh cáo Trung Quốc rằng lập trường của họ trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật có thể làm suy yếu kinh tế Trung Quốc.
Tranh cãi hiện nay tập trung vào quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát ở biển Hoa Đông, cũng được Bắc Kinh xác nhận chủ quyền. Hôm 23-9-2012, Trung Quốc đã hoãn lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật vì tranh chấp lãnh thổ này.
Tuần duyên Nhật hôm qua báo cáo hai tàu của Trung Quốc đã vào vùng lãnh hải quanh quần đảo Nhật đang quản lý.
Trong cuộc phỏng vấn của báo Wall Street Journal đêm chủ nhật vừa qua, Thủ tướng Noda nói rằng các công ty Nhật hiện đối mặt với hình thức quấy rối kinh tế ở Trung Quốc. Ông nói: “Những chậm trễ ở hải quan và phát hành visa gần đây là đáng lo ngại. Phá hủy quan hệ qua những thứ như vậy sẽ rất tệ không chỉ cho cả kinh tế hai nước, mà cả kinh tế toàn cầu”.
Trước đó, Nhân dân Nhật Báo Trung Quốc có bài viết cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ không lùi bước. Bài báo có đoạn: “Giữa một cuộc đấu tranh chạm đến chủ quyền lãnh thổ, nếu Nhật tiếp tục khiêu khích, Trung Quốc chắc chắn sẽ chiến đấu... Kinh tế Nhật sẽ không được miễn dịch khỏi những trừng phạt kinh tế của Trung Quốc.
Hồi tháng năm năm nay, khi Manila và Bắc Kinh tranh chấp đảo ở biển Đông, các nhà xuất khẩu trái cây Philippines phàn nàn là các chuyến hàng của họ bị để cho thối rữa ở các cảng của Trung Quốc vì các thủ tục cồng kềnh.
Năm 2010, Trung Quốc đã vượt mặt Nhật và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; Nhật chỉ là đối tác thương mại lớn thứ tư của họ sau Mỹ, EU và ASEAN.
Các nhà kinh tế cho rằng, Bắc Kinh sẽ chịu thiệt hại về kinh tế nhiều hơn nếu có một cú va chạm chính thức với Tokyo.
Hàng hóa gắn nhãn made in China nhan nhản trên thế giới, những thành phần tạo sản phẩm cuối cùng lại không phải sản xuất từ China. Điện thoại di động, tivi và máy quay phim chất đầy các côngtennơ rời cảng Trung Quốc thường được lắp ráp từ nhiều linh kiện chính xác được làm bởi các ngành công nghiệp công nghệ cao của Nhật. Theo giáo sư Ivan Tselichtchev của Đại học quản lý Niigata, trừng phạt các công ty Nhật, cũng dễ dàng có ảnh hưởng ngược trở lại các công ty Trung Quốc đang phụ thuộc vào bí quyết sản xuất ở phía bên kia biển Hoa Đông.
Hãng tin AFP dẫn lời giáo sư Ivan nói: “Làm yếu Nhật về phương diện kinh tế, cuối cùng cũng đi ngược lại với các lợi ích kinh tế của chính Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa thực tế và thông minh để hiểu điều này”.
Vị giáo sư này cho rằng những đe dọa từ Trung Quốc “hầu như chỉ là lối nói hùng biện và đòn tâm lý”.
HỒNG PHƯƠNG// Theo Công An