Mặc dù là một đất nước rộng lớn và kéo dài từ Bắc xuống Nam, nhưng về mặt quân sự, Thái Lan chỉ được phân làm 4 quân khu phụ trách các khu vực miền Trung, Đông Bắc, miền Bắc, miền Nam.
Từ đầu tháng 1-2012, Quân đội Hoàng gia Thái Lan (RTA) đã chuẩn bị những kế hoạch mới để bảo vệ Thái Lan trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ phía Campuchia. Theo báo mạng Atimes, động thái này có thể một lần nữa thổi bùng những căng thẳng dọc biên giới tranh chấp giữa hai nước.
Kế hoạch phòng thủ của Thái Lan được Thiếu Tướng Chalit Meekkukda - Tư lệnh sư đoàn 6 bộ binh (một sư đoàn chủ lực đặt đại bản doanh tại tỉnh Surin đảm nhiệm toàn bộ vùng Đông Bắc Thái Lan sát tuyến biên giới Campuchia) - soạn thảo và đã nhận được sự chấp thuận của các tướng lĩnh hàng đầu của RTA. Kế hoạch này là động thái khá bất thường của RTA và có thể bị coi là mang tính khiêu khích bởi phía Campuchia không có bất kỳ mối đe dọa quân sự tức thời nào.
Mặc dù là một đất nước rộng lớn và kéo dài từ Bắc xuống Nam, nhưng về mặt quân sự, Thái Lan chỉ được phân làm 4 quân khu phụ trách các khu vực miền Trung, Đông Bắc, miền Bắc, miền Nam. Với sự phân bố lực lượng quân đội theo địa hình như vậy và theo truyền thống của quân đội Thái Lan thì quyền hành của các viên tướng tư lệnh quân khu, cũng như các viên tướng tư lệnh sư đoàn rất được nể trọng và họ còn được trao quyền tự chủ với mức độ lớn tại địa phương họ cai trị.
Điều này giải thích tại sao trong lúc Thủ tướng Yingluck chủ trương hòa bình với Campuchia, giới lãnh đạo quân đội Thái Lan lại chủ định xây dựng thật tốt kế hoạch phòng thủ tại vùng biên giới Thái Lan-Campuchia. Kế hoạch phòng thủ mới thực chất là kế hoạch đơn phương tái bố trí lực lượng quân sự Thái Lan tại biên giới với quy mô chưa từng có. Vậy tại sao Thái Lan phải tái bố trí lực lượng theo chiều hướng tăng cường quân thiện chiến và củng cố tuyến phòng thủ?
Atimes cho rằng, khác với tình hình xung đột vũ trang vào thập niên 1970, hiện nay dọc biên giới Thái Lan không còn Lực lượng Liên hiệp Kháng chiến Campuchia do cựu Thủ tướng Son Sann và cựu Hoàng Sihanouk lãnh đạo, trong đó có tàn quân Khmer Đỏ. Vì thế ở thời điểm này, các đơn vị chiến đấu của quân đội Thái Lan như lính dù, biệt kích và bộ binh chủ lực đóng tại Quân khu II phụ trách vùng Đông Bắc gồm biên giới với Campuchia, được sử dụng như tuyến phòng thủ chính yếu.
Thực chất đây là những mũi tiến công một khi có xảy ra biến động quân sự. Biệt kích Thái Lan được đánh giá là đơn vị vũ trang được huấn luyện không tinh nhuệ, các quân nhân được tuyển chọn từ thành phần dân nghèo, do vậy khả năng sẵn sàng chiến đấu không cao. Trong kế hoạch mới chuẩn bị cho cuộc chiến tại biên giới Thái Lan-Campuchia, Sư đoàn 6 Bộ binh thuộc Quân khu II được coi là thành phần nòng cốt trong đội hình hình thành chiến tuyến phòng ngự mới, được gọi là Lực lượng đặc nhiệm Surin.
Vũ khí tác chiến khi lâm trận của lực lượng đặc nhiệm này bao gồm trọng pháo và các vũ khí hạng nặng. Bên cạnh đó còn có các đơn vị tăng cường trực thuộc Lực lượng đặc nhiệm Surin được điều động chiếm giữ những vị trí then chốt. Các đơn vị này có ưu thế quân sự dựa theo tin tình báo và hình ảnh được chụp từ vệ tinh để quân đội Thái Lan quan sát rõ địa hình ở cả hai bên biên giới Campuchia và Thái Lan, mục đích là giúp quân Thái Lan chủ động trên trận địa một khi xảy ra đối đầu.
Với kế hoạch chu đáo, khoa học và quy mô hơn nhiều so với trước đây, rõ ràng giới lãnh đạo quân đội Thái Lan bộc lộ chủ ý của họ trong cuộc tranh chấp biên giới với Campuchia là phòng ngự tốt. Điều này nghĩa là sẵn sàng tấn công thắng lợi vào quân Campuchia. Theo các tướng lĩnh Thái Lan, Campuchia có khả năng thực hiện một cuộc tấn công vào lãnh thổ Thái Lan bất cứ lúc nào.
Thái Lan và Campuchia đã có nhiều cuộc đối đầu quân sự. Vài năm gần đây, khi nổ ra tranh chấp ngôi đền Preah Vihear, vấn đề tranh chấp biên giới nóng trở lại và vì thế giới quân nhân chuyên nghiệp của Thái Lan nhanh chóng chụp lấy cơ hội để thao túng chính trường Thái Lan. Có thể thấy giới lãnh đạo quân sự Thái Lan không đồng ý với đường lối hòa bình với Campuchia mà Thủ tướng Yingluck đang thực hiện.