Tổng thống Hàn triệu tập cuộc họp an ninh cấp cao
AFP đưa tin Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 26/9 đã triệu tập cuộc họp an ninh cấp cao để thảo luận về tình hình căng thẳng gia tăng trên hải giới với Triều Tiên trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc.
Người phát ngôn Nhà Xanh, bà Lee Mi-Yon cho biết "những vấn đề liên quan tới Bắc Triều Tiên cũng như các vấn đề an ninh và ngoại giao nổi bật khác sẽ được thảo luận tại cuộc họp này."
Tham gia cuộc họp có các bộ trưởng thống nhất, quốc phòng; thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao; giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia và cố vấn an ninh cấp cao của tổng thống.
Trước đó ngày 24/9, Tổng thống Lee Myung bak đã cảnh báo "những đe dọa ngày càng gia tăng" đối với an ninh hàng hải của nước này xuất phát từ Triều Tiên cũng như các tranh chấp lãnh thổ khu vực liên quan tới chuỗi đảo cô lập.
Phát biểu trong chuyến thị sát một căn cứ tuần duyên ở thành phố cảng Busan, miền Nam Hàn Quốc, ông Lee nói: "Chúng ta không bao giờ được mất cảnh giác dù chỉ trong giây lát"./.
(Vietnam+)
---------------
Nổ bom gây nhiều thương vong tại Thổ Nhĩ Kỳ
Các nguồn tin an ninh địa phương cho biết ít nhất 6 binh sĩ và 1 dân thường đã thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng bom nhằm vào một đoàn xe quân sự ở trung tâm thành phố Tunceli, miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ tối 25/9. Vụ đánh bom trên cũng đã phá hủy một xe quân sự và một xe dân sự khác.
Kênh truyền hình tư nhân NTV cho biết vụ nổ này là do một quả bom gài ven đường được kích hoạt từ xa gây ra. Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này.
Vụ đánh bom nói trên xảy ra tiếp sau một loạt vụ tấn công thời gian gần đây nhằm vào lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang tiến hành các chiến dịch quân sự tại khu vực Đông Nam đất nước.
Trước đó, 10 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng và 70 người khác bị thương trong một vụ tấn công bằng rốckét của các tay súng PKK nhằm vào một đoàn xe quân sự ở tỉnh Bingol, miền Đông nước này hôm 18/9.
PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Năm 1984, PKK phát động cuộc đấu tranh vũ trang nhằm thành lập một nhà nước của người Cuốc ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ đó đến nay, hơn 40.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột liên quan tới tổ chức này.
TTXVN/Tin tức
---------------
Iran sẵn sàng phòng vệ khi nổ ra chiến tranh mạng
Phó Tư lệnh Lực lượng bộ binh thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Abdollah Araqi tuyên bố Tehran đã sẵn sàng tự vệ trong trường hợp nổ ra "một cuộc chiến tranh mạng" - vốn có thể gây thiệt hại nhiều hơn một cuộc đối đầu thông thường.
Hãng tin ISNA dẫn lời ông Araqi nói: "Chúng tôi đã tự trang bị các công cụ mới vì một cuộc chiến tranh mạng nguy hiểm hơn một cuộc chiến thông thường". Nước Cộng hòa Hồi giáo này đã siết chặt an ninh mạng kể từ khi các máy ly tâm làm giàu urani bị virút máy tính Stuxnet, được cho là có nguồn gốc từ Israel và Mỹ, tấn công vào năm 2010.
Nhiều nhà phân tích hoài nghi các cuộc không kích có thể phá hủy hoàn toàn các dự án hạt nhân của Iran trong khi các cuộc tấn công mạng kiểu như Stuxnet lại có thể đem lại hiệu quả hơn.
Hiện Iran đang hướng tới phát triển mạng Internet toàn quốc, đồng thời cho rằng việc này sẽ cải thiện an ninh mạng. Tuy nhiên, nhiều người Iran tin rằng kế hoạch này là cách mới nhất để kiểm soát việc họ truy cập vào các trang web, vốn đã bị kiểm duyệt chặt chẽ.
Trong khi đó cùng ngày, Tehran đã bác bỏ cáo cuộc của Bộ Tài chính Mỹ rằng Công ty dầu mỏ quốc gia Iran (NIOC) có liên quan đến IRGC.
TTXVN/Tin tức
----------------
Nga triển khai chiến đấu cơ đánh chặn nhanh nhất thế giới
Bộ Quốc phòng Nga sẽ triển khai máy bay đánh chặn tầm xa MiG-31 cho căn cứ Bắc Cực Rogachyovo trên đảo Novaya Zemlya vào cuối năm nay để đối phó với các cuộc tấn công từ phương bắc. Thông tin trên vừa được hãng tin Izvestia dẫn lời một nguồn tin quân sự hôm qua (25/9) cho hay.
Nguồn tin trên cho biết: “Đội bay MiG-31 sẽ trở thành nhân tố chính của hệ thống phòng thủ chống tên lửa mà Nga đang phát triển. MiG-31 không chỉ có khả năng đánh chặn các oanh tạc cơ mà còn có thể đánh chặn các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân từ Biển Barents tới các khu vực bờ Biển Laptev”.
Chuyên gia phân tích quân sự - Anatoly Tsyganok cho biết, chiến đấu cơ MiG-31BM có tầm hoạt động lên tới 1450km khi sử dụng nhiên liệu bên trong động cơ, còn nếu được tiếp nhiên liệu trên không, nó có tầm hoạt động lên tới 5400km.
Mặc dù Nga không có hệ thống ra-đa mặt đất có khả năng phủ sóng khắp khu vực miền bắc nhưng loại máy bay đánh chặn hai chỗ ngồi MiG-31 được trang bị các tên lửa tầm xa và ra-đa tối tân, khiến nó có khả năng bắn trúng mục tiêu cách nó 200km.
Máy bay đánh chặn MiG-31 là loại chiến đấu cơ đánh chặn nhanh nhất thế giới. Gần đây, Nga đang nâng cấp MiG-31 lên một phiên bản toàn diện hơn - MiG-31BM.
Phiên bản hiện đại hóa trên sẽ được nâng cấp về kỹ thuật điện tử hàng không, hệ thống kết nối dữ liệu kỹ thuật số, một hệ thống ra-đa đa thức, màn hình hiển thị màu đa chức năng trong buồng lái phi công, và một hệ thống điều khiển hỏa lực mạnh hơn. Loại oanh tạc cơ này có thể cùng một lúc phát hiện và phá hủy tới 10 mục tiêu.
Trước đó, hồi đầu năm nay, Không lực Nga cũng từng cho biết, lực lượng này đang tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa không đối không tối tân mới mà các chuyên gia không quân cho rằng có thể là tên lửa K-37M (NATO gọi là AA-X-13). Tên lửa mới có thể sẽ được triển khai trên chiến đấu cơ MiG-31BM nhằm tăng cường khả năng đánh chặn các tên lửa hành trình.
Đan Khanh - (Theo RIA, VNmedia)
-----------------
Iran thử tên lửa diệt hạm
Một chỉ huy quân sự của Iran vừa mới đây tiết lộ, nước này đã bắn thử 4 tên lửa được thiết kế để tiêu diệt các tàu chiến trong một cuộc tập trận diễn ra gần đây ở khu vực gần với Eo biển chiến lược Hormuz.
Các tên lửa đã được phóng đi cùng một lúc và đã phá hủy một “mục tiêu lớn” có kích cỡ ngang bằng một tàu chiến. Mục tiêu này đã bị chìm trong vòng 50 giây sau khi bị các tên lửa bắn trúng, Tướng Ali Fadavi thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của Iran cho hãng tin bán chính thức Fars biết.
Thông tin được hãng tin Fars phát đi tối hôm 24/9 này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Iran đang tiến hành một cuộc tập trận quân sự đồng thời với cuộc tập trận hải quân rầm rộ của nhiều nước do Mỹ dẫn dầu. Hai cuộc tập trận này đều diễn ra ở vùng Vịnh Persian và rất gần nhau.
Tướng Fadavi không cho biết thêm thông tin gì về cuộc tập trận mà họ đang tiến hành cũng như loại tên lửa mà các lực lượng Iran vừa bắn thử. Tuy nhiên, ông này cho biết, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đang lên kế hoạch “tiến hành một cuộc tập trận hải quân rầm rộ quy mô lớn trong tương lai gần” ở Eo biển chiến lược Hormuz.
Iran thường xuyên tổ chức tập trận để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như thử nghiệm các vũ khí.
Việc Mỹ và Iran cùng tiến hành tập trận ở vùng Vịnh Persian đã cho thấy độ nóng của vùng biển này. Hải quân Mỹ khẳng định, các cuộc tập trận hiện nay của họ trong khu vực không nhằm vào Iran. Tuy nhiên, phương Tây và các đồng minh trong khu vực khẳng định rõ, họ sẽ phản ứng nhanh chóng trước bất kỳ nỗ lực nào của Tehran nhằm gây ra mối đe dọa đối với các tuyến đường biển quan trọng ở vùng Vịnh.
Những cuộc tập trận đầy hàm ý của Mỹ và Iran diễn ra trong bối cảnh căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đang leo thang. Mỹ, phương Tây và Israel nghi ngờ Iran đang theo đuổi chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, Tehran bác bỏ cáo buộc này. Gần đây, Israel liên tục đe dọa sẽ tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Đáp lại, Tehran tuyên bố sẽ “xóa sổ” Nhà nước Do Thái và tấn công vào các căn cứ của Mỹ nếu Israel tấn công họ.
Kiệt Linh - (theo AP, VNmedia)
-------------
Iran thử thành công tên lửa Sấm sét
Truyền thông Iran ngày 25.9 cho biết, Tehran đã thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa phòng không mới do các chuyên gia trong nước thiết kế.
Hệ thống tên lửa tầm trung có tên “Raad” (Sấm sét) có thể đánh chặn các mục tiêu trên không ở khoảng cách 50km và ở độ cao hơn 22km.
Một trong những chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran - Tướng Amir Ali Hajizadeh cho biết, hệ thống tên lửa phòng không mới được dùng để chống lại các máy bay của lực lượng không quân Mỹ. ( DV)
-----------
Nga thử nghiệm thành công chiếc Su-30SM thứ 2
Tập đoàn Irkut cho biết chiếc máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi Su-30SM thứ 2 của họ đã có chuyến bay thử thành công đầu tiên vào ngày 24/9 vừa qua.
Chiếc Su-30SM thứ nhất đã có chuyến bay thử đầu tiên thành công vào ngày 21/9 vừa qua. Đây là một phần trong kế hoạch nâng cấp toàn diện các máy bay chiến đấu của Không quân Nga trong tương lai.
RIA dẫn lời phát ngôn của Tập đoàn hàng không Irkut cho biết: "Chiếc máy bay Su-30SM thứ 2 đã có chuyến bay đầu tiên vào 24/9, sau 1 giờ 40 phút, mọi chuyện đều tốt đẹp và máy bay hạ cánh an toàn".
Su-30SM là phiên bản 2 phi công, biến thể từ Su-27UB của Nga và MKI bán cho Ấn Độ trước đây. Nó có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu không đối không và không đối đất rất tốt nhờ vào những vũ khí được trang bị hệ thống dẫn đường hiện đại.
Ngoài ra, để đáp ứng những nhu cầu cụ thể của Không quân Nga, Su-30SM còn đường trang bị hệ thống động cơ đẩy vecto, giúp nó linh hoạt hơn các phiên bản trước rất nhiều.
Bộ Quốc phòng Nga đã kí một hợp đồng với Tập đoàn Irkut vào tháng 3 năm nay, trong đó phía Irkut sẽ cung cấp cho quân đội Nga 30 máy bay Su-30SM vào năm 2015.
( Tùng Đinh// VTC)
-------------------------
Nga đưa chiến đấu cơ đánh chặn lên Bắc cực
Bộ Quốc phòng Nga sắp đưa các máy bay chiến đấu đánh chặn tầm xa MiG-31 tới căn cứ Rogachevo từ nay cho tới cuối năm, nhằm ngăn chặn nguy cơ tấn công từ phía bắc.
"Phi đội MiG-31 sẽ là thành tố chính trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đang được phát triển của Nga. MiG-31 có khả năng đánh chặn không chỉ các đợt không kích, mà còn cả những tên lửa hành trình với đầu đạn hạt nhân trong phạm vi từ biển Barents tới bờ biển Laptev", báo Izvestia của Nga trích các nguồn tin quân sự.
Nhà phân tích quân sự Anatoly Tsyganok cho rằng phiên bản MiG-31BM có tầm hoạt động lên tới 1.450 km với nhiên liệu có sẵn, và có thể mở rộng lên thành 5.400 km nếu được tiếp liệu trên không. Dù Nga vẫn chưa hoàn thành việc phủ sóng radar mặt đất khắp lãnh thổ phía bắc nước này, nhưng chiếc phi cơ hai chỗ ngồi có thể đánh chặn những mục tiêu ở cách xa 200 km nhờ vào radar tiên tiến và những tên lửa tầm xa.
MiG-31 là máy bay đánh chặn nhanh nhất đang hoạt động trên toàn thế giới. Nó vừa được nâng cấp toàn diện với mẫu mới nhất là MiG-31BM. Phiên bản được hiện đại hóa này có hệ thống điện tử hàng không được nâng cấp, các liên kết dữ liệu số, một radar đa chức năng mới, màn hình khoang lái đa chức năng, cùng một hệ thống kiểm soát hỏa lực mạnh mẽ hơn. MiG-31BM có thể cùng lúc đeo bám 10 mục tiêu.
Đầu năm nay, không quân Nga cho biết đang thử nghiệm một loại tên lửa không đối không tiên tiến mới. Nó được các chuyên gia hàng không cho là giống với mẫu K-37M. Tên lửa này có thể được triển khai trên những chiếc MiG-31BM để tăng cường đáng kể khả năng đánh chặn tầm xa đối với những tên lửa hành trình.
Một đại diện của không quân Nga cho rằng không có trở ngại gì trong việc triển khai các máy bay siêu thanh tiên tiến MiG-31BM tại vùng đất lạnh giá như Bắc cực. Sân bay ở căn cứ Rogachevo có đường băng tốt và đầy đủ các thiết bị cho những người sẽ đóng quân cũng như sống tại đây, bao gồm cả gia đình của các quân nhân.
Trước khi triển khai các máy bay MiG31-BM lên Bắc cực, Nga đã đưa phi đội gồm nhiều máy bay chiến đấu Su-27 tới Rogachevo từ năm 1993.
Hà Giang// VNexpress
----------------
Ba Lan muốn Pháp, Đức thay thế S-125 và S-200 lạc hậu
Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski đã đệ trình lên Quốc hội dự luật quốc phòng đề xuất việc hiện đại hóa toàn diện hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia.
Dự luật này là chìa khóa nhằm tìm kiếm sự bảo đảm nguồn ngân sách cho các chương trình hiện đại hóa, được mô tả là “ưu tiên cao nhất cho các lực lượng vũ trang Ba Lan trong thập kỷ tới”.
Hiện tại, hệ thống phòng không của Ba Lan gồm 6 tiểu đoàn tên lửa trang bị vũ khí khí tài của Liên Xô, chiếm phần lớn là các tổ hợp S-125 Neva và một ít tổ hợp tên lửa tầm xa S-200 Vega.
Các chuyên gia cho rằng, trong tình trạng hiện thời, hệ thống phòng không Ba Lan không thể cung cấp khả năng phòng thủ hiệu quả chống lại các cuộc tấn công từ đối phương.
Dự luật đề nghị Quốc hội chấp nhận chi ngân sách hiện đại hóa tới 2,5-3,7 tỷ USD từ 2014-2020. Dự luật đề cập tới các quốc gia có liên quan như Pháp, Đức như là một phần trong kế hoạch hiện địa hóa hệ thống phòng không Ba Lan.
Hệ thống mới đứng bên cạnh cơ sở phòng thủ tên lửa của Mỹ, trở thành bộ phận hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại Châu Âu.
Phượng Hồng (theo Ria Novosti, ĐVO)
--------------------
Hàn Quốc 'cấm cửa' chiến hạm Nhật Bản
Một chiến hạm của Nhật Bản bị từ chối cập cảng của Hàn Quốc trong cuộc diễn tập hải quân chung, trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn căng thẳng liên quan tới việc tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima.
Theo kịch bản ban đầu của cuộc tập trận, chiếc tàu của Nhật được cập vào thành phố cảng Busan ở phía đông nam của Hàn Quốc. Tuy nhiên, giới chức sở tại đã từ chối cho phép chiến hạm Nhật thả neo, đài truyền hình NHK của Nhật Bản đưa tin.
Báo Sankei cũng của Nhật đăng tải thông tin tương tự, đồng thời dẫn lời một nhà ngoại giao Nhật Bản tại Seoul cho hay: "Đó là một hành động không đẹp của một nước đăng cai cuộc tập trận đa quốc gia".
Theo AFP, Tokyo đã gửi tới Seoul lời phản đối vụ việc xảy ra trong một hoạt động diễn tập chung của hai nước và có cả sự tham gia của Mỹ, Australia. Cuộc tập trận có tên Sáng kiến An ninh Chống phổ biến vũ khí hạt nhân (PSI) do Mỹ dẫn đầu được diễn ra từ năm 2003.
Đáp lại phản ứng của phía Nhật, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố bác bỏ thông tin kể trên, đồng thời cho hay chính chiến hạm của Nhật đã quyết định không cập vào cảng Busan theo thỏa thuận giữa hai nước.
"Chúng tôi không từ chối nó (chiếc tàu). Hai bên đã thống nhất rằng con tàu sẽ đi thẳng từ Nhật ra biển nơi nó sẽ tham gia cuộc tập trận, thay vì có một điểm dừng ở Busan", một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản cho hay các tàu của nước này từng được cho phép cập cảng trong cuộc tập trận nói trên ở Hàn Quốc hồi năm 2010.
Tokyo đã cân nhắc việc rút khỏi cuộc tập trận chung sau khi diễn biến này, nhưng Washington đã can thiệp và viết lại kịch bản diễn tập, để việc cập cảng của chiến hạm Nhật không phải là một điều kiện phải có. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật chịu trách nhiệm về cuộc tập trận từ chối bình luận về vụ việc ngày hôm nay.
Quan hệ Nhật - Hàn bắt đầu xấu đi hồi tháng trước sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak có chuyến thăm bất ngờ tới hòn đảo mà cả hai nước cùng tuyên bố chủ quyền. Hòn đảo nằm giữa Nhật Bản và Hàn Quốc được Tokyo gọi là Takeshima, trong khi Seoul gọi là Dokdo.
Nhật Nam// VNexpress
-----------------
Nga giúp Mông Cổ "thay máu" trang bị quân đội
Tính từ đầu năm 2012, Nga đã chuyển cho quân đội Mông Cổ một số lượng lượng lớn vũ khí và xe thiết giáp đã qua sử dụng từ biên chế quân đội Nga.
Theo đó, quân đội Mông Cổ đã được chuyển giao 50 xe tăng T-72A, 40 xe bọc thép chở quân phiên bản nâng cấp BTR-70M và xe tải quân sự Ural.
Trước khi được chuyển giao cho Mông Cổ, các đơn vị xe thiết giáp trên được khôi phục tại xưởng sửa chữa quân giới số 103.
Trong giai đoạn 2009-2010, Nga và Mông Cổ đã đạt được thỏa thuận cung cấp một loạt trang thiết bị quân sự hiện đại.
Theo đó, các đơn vị xe tăng T-72A và BTR-70M đầu tiên đã được chuyển cho phía Mông Cổ từ ngày 5-7-2012. Lô xe thiết giáp này được biên chế cho Lữ đoàn bộ binh số 16 (quân đội Mông Cổ).
Căn cứ vào các số liệu thống kê đầu năm 2012, quân đội Mông Cổ hiện có 370 xe tăng T-54/55, 310 xe chiến đấu bộ binh BMP-1, 120 xe trinh sát BRDM-2, 150 BTR-60, 130 tổ hợp pháo phản lực Grad và 150 tổ hợp lựu pháo D-30, ML-20. Toàn bộ các khí tài quân sự trên đều được sản xuất từ thời Liên bang Xô viết.
Trung tuần tháng 7-2011, Mông Cổ đã đề nghị Nga cung cấp cho nước này 4-5 chiến đấu cơ Mig-29 mới và thiết bị huấn luyện phi công tương ứng. Ngoài ra, trong tương lai gần, Bộ Quốc phòng Mông Cổ dự kiến sẽ mua một số máy bay vận tải quân sự mới.
(Theo QĐND)
----------------
Iran thử thành công hệ thống tên lửa tầm trung Ra'd
Ngày 24/9, Iran đã thử nghiệm thành công tên lửa Taer-2 của hệ thống phòng thủ tầm trung mang tên "Sấm sét" (Ra'd).
Tên lửa Taer-2 có khả năng tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi 50km và ở độ cao 22.860m.
Thiếu tướng Ali Fadavi, Tư lệnh lực lượng hải quân Iran cho biết hệ thống tên lửa này "có thể bao phủ vùng ven biển Vịnh Persian và các căn cứ của Mỹ trong khu vực."
Trong một cuộc diễn tập hải quân hôm 23/9, 4 tên lửa đã đánh chìm một mục tiêu giả định có kích cỡ bằng tàu chiến chỉ trong vòng 50 giây.
Ông cho biết trong 6 tháng tới, Iran sẽ tiến hành cuộc tập trận hải quân lớn ở Eo biển Hormuz./.
(TTXVN)
'Kh-101 có thể bắn trúng cửa thông gió'
Izvestia cho biết, năm 2013, Không quân Nga sẽ nhận tên lửa hành trình Kh-101 có độ chính xác cực cao đến mức bắn trúng "cửa sổ thông gió" sở chỉ huy quân địch.
Theo vị quan chức quốc phòng Nga, Kh-101 đang được trong giai đoạn thử nghiệm.
Kết quả các cuộc bắn thử cho thấy, bán kính lệch khỏi mục tiêu (CEP) của tên lửa không quá 10m ở cự li 10.000km. Trong khi đó, CEP của Kh-555 là 25-30 m.
Như vậy, thực tế Kh-101 sẽ trở thành tên lửa hành trình có độ chính xác cao nhất trong kho vũ khí tầm xa của Không quân Nga.
“Không quân Mỹ đã đưa vào trang bị các tên lửa hành trình chính xác cao đầu tiên bắn từ trên không ngay từ những năm 1980. Còn chúng ta đến nay vẫn dựa vào sức phá huỷ to lớn của đầu đạn hạt nhân, khi mà sai số hơn kém 50-100 m không có ý nghĩa gì lớn. Đến nay nhiệm vụ đã thay đổi, phải có được vũ khí có độ chính xác cao có khả năng tiêu diệt mục tiêu một cách tinh xảo”, Izvestia dẫn nguồn tin Bộ tư lệnh Không quân Nga.
Cũng theo vị này, việc có một tên lửa như vậy sẽ cho phép không quân tầm xa đánh đòn chính xác cao cả vào các căn cứ của bọn khủng bố, vào các mục tiêu chiến lược trong hậu phương đối phương mà không phải mạo hiểm với sinh mạng của phi công.
"Kh-101 là tên lửa hành trình tầm xa, tốc độ cận âm. Tên lửa được đưa vào mục tiêu nhờ tổ hợp định vị trên cơ sở hệ thống GLONASS. Khác với Kh-555, tên lửa mới có thể tiêu diệt cả các mục tiêu nhỏ (kích thước bao hình từ 2-3 m trở lên), cả những mục tiêu di động. Đối với trường hợp bị nhiễu vô tuyến điện tử và hệ thống dẫn đường theo vệ tinh bị vô hiệu hoá, tên lửa được trang bị các hệ thống duy trì vị trí theo quán tính độc lập", đại diện tổ hợp công nghiệp quốc phòng nói.
Do có cơ sở linh kiện điện tử mới, hệ thống dẫn hướng đã nhỏ hơn so với loại trang bị cho các tên lửa có từ thời Xô Viết. Không gian dôi ra được bố trí cho nhiên liệu và đầu đạn.
Nếu Kh-555 có thể bay 2.000km mang theo đầu đạn khối lượng 200Kg, thì Kh-101 đạt tầm bắn 10.000km mang theo đầu đạn khối lượng 400 Kg. Nga cũng phát triển biến thể mang đầu đạn hạt nhân gọi là biến thể Kh-102.
“Thật ra Kh-101 dẫu sao cũng nặng hơn Kh-555 khoảng 3-4 lần. Vì vậy, chỉ những máy bay mang tên lửa chiến lược Tu-160 và Tu-95 mới mang nổi nó. Máy bay ném bom Tu-22 không mang nổi tên lửa này, vậy nên nó buộc phải dùng loại Kh-555,” đại diện Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng Nga cho biết.
Theo Chủ tịch Viện đánh giá chiến lược Alexander Konovalov, các tên lửa hành trình tầm xa đang là vũ khí cần thiết mang tính sống còn đối với Không quân Nga. “Do Nga không có căn cứ quân sự ở nước ngoài, các máy bay tiêm kích Nga không thể bảo vệ các máy bay ném bom trong các chuyến bay liên lục địa. Vì vậy, rất cần Tu-95 và Tu-160 có thể phóng tên lửa mà không phải bay vào vùng hoạt động của phòng không đối phương”, ông Konovalov nói.
Sản phẩm tương tự Kh-101 của Mỹ là tên lửa hành trình AGM-129. Nó cũng được trang bị cả hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS kết hợp hệ thống dẫn đường quán tính INS. Tầm bắn hiệu quả của tên lửa Mỹ hơn 3.000km, chỉ những máy bay ném bom chiến lược cỡ B-52 mới mang được thứ vũ khí này.
Nguyễn Vũ (theo Izvestia, ĐVO)
-----------------
Triều Tiên ngừng xây dựng bệ phóng tên lửa tầm xa?
Những hình ảnh mới nhất được chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã ngừng xây dựng bệ phóng tên lửa liên lục địa. Sự trì hoãn này có thể khiến nước này mất thêm 2 năm nữa mới hoàn thành khu thử nghiệm.
Thông tin trên vừa được hãng tin AP công bố dựa trên những bức ảnh vệ tinh do Viện Mỹ - Triều Tiên tại trường ngoại giao cấp cao Johns Hopkins cung cấp. Theo đó việc thi công bệ phóng được cho là để phục vụ việc thử tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng đã phải dừng lại vì mưa lớn.
Tuy nhiên, bất chấp sự trì hoãn này, Triều Tiên cũng đang sửa sang, gia cố lại một bệ phóng khác ở trong cùng khu liên hợp trên để chuẩn bị cho các đợt thử tên lửa trong tương lai. Nhận định trên được đưa ra sau khi các chuyên gia phân tích các bức ảnh vệ tinh chụp ngày 29/8.
“Việc sửa sang này không có nghĩa là một đợt phóng thử tên lửa sắp diễn ra mà nó cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị để sẵn sàng thử tên lửa trong tương lai”, bản báo cáo của trang web 38 North, trực thuộc Viện Mỹ - Triều Tiên cho biết.
Năm 2006 và 2009 Triều Tiên từng tiến hành thử hạt nhân nhưng các chuyên gia cho rằng nước này vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được công nghệ để thu nhỏ vũ khí hạt nhân đến mức có thể gắn lên các đầu tên lửa tầm xa. Dù vậy vẫn có những lo ngại về chương trình tên lửa của Triều Tiên.
Mỹ, Hàn Quốc và các quốc gia khác cho rằng Triều Tiên đã sử dụng các vụ phóng vệ tinh, trong đó có một đợt thử nghiệm thất bại hồi tháng 4, làm bình phong để che đậy các hệ thống tên lửa có thể vươn tới một phần lãnh thổ Mỹ. Khi ấy Bình Nhưỡng một mực khẳng định họ chỉ muốn đưa vệ tinh vào quỹ đạo phục vụ mục đích hòa bình.
Cả bệ phóng mới, nơi việc thi công đã bị tạm dừng, lẫn bệ phóng đang được sửa sang đều nằm trong khu liên hợp Tonghae với 9 khu nhà xưởng, bao quanh các làng Musudan, No-dong và Taepo-dong ở bờ biển Đông Bắc của Triều Tiên.
“Bất chấp sự gián đoạn tạm thời trong việc thi công bệ phóng mới tại Tonghae cùng vụ thử thất bại hồi tháng 4, Triều Tiên dường như rất quyết tâm trong việc sản xuất các tên lửa có kích thước lớn hơn và tốt hơn”, Joel Wit, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và là biên tập viên của trang 38 North phát biểu với AP.
Các bức ảnh vệ tinh mới chụp từ Tonghae cho thấy việc xây dựng các khu nạp nhiên liệu và cấp oxy gần bệ phóng mới cũng đã dừng lại. Đây được xem như những công trình thiết yếu trong bất kỳ đợt thử tên lửa nào. Nguyên nhân chính xác dẫn đến sự trì hoãn này hiện chưa rõ nhưng các nhà phân tích cho rằng những đợt mưa lớn mùa Hè qua, vốn đã khiến hàng chục người dân Triều Tiên thiệt mạng và nhấn chìm nhiều khu canh tác, có thể là một cách lí giải.
“Cho dù nguyên nhân có là gì thì sự trì hoãn này có thể khiến tiến độ dự án chậm từ 1 – 2 năm so với dự tính, trừ khi Triều Tiên nỗ lực tăng tốc để bù đắp thời gian đã mất”, bản báo cáo viết. Dù vậy Bình Nhưỡng vẫn có thể phóng thử tên lửa tầm xa từ bãi phóng Sohae.
Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng có “một công trường quan trọng mới” có vẻ như sẽ là trung tâm điều khiển mới cho toàn khu bãi phóng thử vẫn đang được thi công. Đây cũng là nơi tiến độ công việc khẩn trương nhất.
Thanh Tùng
Theo AP// Dân trí
----------------------
Ba Lan muốn thay mới hệ thống phòng thủ tên lửa
Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski đã đệ trình lên quốc hội một bản dự luật quốc phòng, đề xuất việc hiện đại hóa toàn diện hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này, RIA Novosti dẫn lời cố vấn tổng thống cho biết hôm 24.9.
Dự luật này được đưa ra nhằm giúp tìm kiếm sự bảo đảm nguồn ngân sách cho chương trình hiện đại hóa trên, được cho là ưu tiên cao nhất của các lực lượng vũ trang Ba Lan trong thập niên tới.
Hiện hệ thống phòng thủ tên lửa của Ba Lan gồm có sáu tiểu đoàn tên lửa trang bị khí tài cũ kỹ với các tên lửa do Liên Xô sản xuất là S-125 Neva (SA-3 Apollo). Trong khi chỉ có một hệ thống tên lửa tầm xa S-200 Vega (SA-5 Gammon) là đáng tự hào.
RIA Novosti dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết, với tình trạng hiện tại, hệ thống phòng không của Ba Lan không thể bảo vệ hiệu quả các mục tiêu của nước này trước các cuộc tấn công của đối phương.
Bản dự luật được Tổng thống Bronislaw Komorowski đệ trình quốc hội phê duyệt, đề nghị cấp một khoản ngân sách 2,5 đến 3,7 tỉ USD từ năm 2014-2023, nhằm giúp nước này hiện đại hóa hệ thống tên lửa của mình.
Trong dự luật cũng đề cập đến các quốc gia khác có liên quan, đặc biệt là Pháp và Đức, như là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa hệ thống phòng không của Ba Lan. Theo đó, hệ thống phòng không mới của Warsaw sẽ là một bộ phận liên kết với lá chắn tên lửa do NATO đang xây dựng tại châu Âu.
Tiến Dũng// Thanh Niên
-----------------------
Iran công bố bản sao của máy bay tàng hình Mỹ
Một quan chức quân sự cấp cao của Iran hôm qua thông báo loại phi cơ không người lái mới nhất của nước này được trang bị tên lửa và có thể tác chiến trên toàn khu vực Trung Đông.
Hãng thông tấn FARS dẫn lời tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, cho hay, loại phi cơ mới giống máy bay không người lái tàng hình RQ-170 Sentinel của Mỹ. Năm ngoái một chiếc RQ-170 Sentinel rơi xuống lãnh thổ Iran. Tehran hồi tháng 4 thông báo họ đang chế tạo một bản sao của nó.
Ông Hajizadeh nói rằng tầm bay của phi cơ lên tới 2.000 km, nghĩa là nó có thể tới mọi vị trí trong khu vực Trung Đông trước khi hết nhiên liệu. Máy bay có thể phục vụ các hoạt động dân sự lẫn quân sự.
Iran liên tục công bố những thành tựu đột phá về công nghệ quốc phòng trong thời gian gần đây, song giới truyền thông không thể kiểm chứng thông tin của họ, AP nhận định. Thông báo của tướng Hajizadeh được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel đang leo thang và giới chức hai nước đều chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh. Hôm 23/9, tướng Hajizadeh khẳng định Iran sẽ tấn công phủ đầu Israel nếu bị Tel Aviv đe dọa. Ông cảnh báo một cuộc chiến giữa Iran và Israel có thể châm ngòi cho đại chiến thế giới lần thứ ba.
Việt Linh
VNexpress
-------------
Quân đội Nga tập trận đổ bộ một số vùng ở Bắc Cực
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, hãng Interfax ngày 24/9 đưa tin Thủy quân lục chiến của Hạm đội Biển Bắc và lữ đoàn tổng hợp các binh chủng Quân khu miền Tây của Nga đã bắt đầu cuộc tập trận tại một số khu vực xa xôi ở Bắc Cực.
Interfax dẫn lời đại diện quân khu, Đại tá Andrei Bobrun, cho biết các hoạt động diễn tập chủ yếu là tiến hành nhiệm vụ phản công từ phía biển, bảo vệ tàu chống hải tặc trên các tuyến hàng hải phía Bắc.
Ngoài ra, còn có diễn tập vô hiệu hóa các cuộc không kích nhằm vào chủ thể công nghiệp và khoa học ở Bắc Cực cũng như hỗ trợ tàu bị nạn.
Trước đó, từ ngày 17 đến 23/9, quân đội Nga cũng đã tiến hành cuộc tập trận tham mưu - chỉ huy chiến lược quy mô lớn Kavkaz-2012 tại Quân khu phương Nam của Nga dưới sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Nicolai Marakov.
Tham gia cuộc tập trận này có 8.000 binh sỹ, hơn 200 chiến xa, gần 100 khẩu pháo các loại, khoảng 10 tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen và đội tàu chiến Caspi, trong đó có tuần dương hạm mang tên lửa Moskva, một số tàu đổ bộ cỡ lớn, hai tàu chống tàu ngầm, bốn tàu quét thủy lôi, các tàu đổ bộ và tàu mang tên lửa cỡ nhỏ cùng các đơn vị thủy quân lục chiến./.
(Vietnam+)
-------------------------
Iran ra mắt máy bay không người lái
Lực Lượng Vệ binh Cách mạng Iran ngày hôm qua (24/9) cho biết, Tehran vừa thử nghiệm thành công các tên lửa chống hạm và phòng không do nước này tự chế tạo và giới thiệu một máy bay không người lái mới.
Theo đó, Taer-2, dòng tên lửa tầm trung thuộc hệ thống phòng không Ra'ad (Sấm sét - Thunder) được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay ở tầm xa 50km đã được Lực Lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắn thử thành công ngày hôm thứ Hai.
Hãng thông tấn Fars cho biết, các tên lửa Taer-2 do Iran tự chế tạo “tiên tiến hơn” dòng tên lửa Buk của Nga.
Trước đó, Chuẩn Đô đốc Ali Fadavi - Tư lệnh Hải quân Iran cũng nói rằng 4 tên lửa phóng từ biển trong một cuộc tập trận được Tehran tổ chức hôm Chủ nhật đã tiêu diệt một tàu mục tiêu chỉ trong vòng 50 giây.
“Chúng tôi có các hệ thống tên lửa đủ sức bao quát tất cả các bờ biển ở Vịnh Pec-xích và toàn bộ căn cứ Mỹ trong khu vực”, ông Fadavi nói trên Hãng thông tấn Fars.
Trong một diễn biến khác, Chuẩn Đô đốc Amir Ali Hajizadeh, Tư lệnh Không quân thuộc Lực Lượng Vệ binh Cách mạng Iran cũng vừa tiết lộ một chiếc máy bay không người lái có tên gọi Shahed 129 với tầm hoạt động 2.000 km.
“Đây là một máy bay do thám không người lái có thể mang theo bom và tên lửa, đủ khả năng bay liên tục trong vòng 24 giờ”.
Hôm Chủ nhật (23/9), Đại tướng Mohammad Ali Jafari, chỉ huy Lực Lượng Vệ binh Cách mạng Iran lần đầu tiên thừa nhận cuộc chiến tranh giữa Iran và Israel “cuối cùng sẽ xảy ra nhưng chưa biết khi nào và ở đâu”.
Vài tuần gần đây, Israel liên tục đưa ra những lời đe dọa về khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran dù có hay không có sự trợ giúp của Mỹ. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng cần có thêm thời gian để các hoạt động cấm vận và ngoại giao áp đặt lên chương trình hạt nhân của Iran phát huy hiệu quả.
Mỹ và quốc gia đồng minh Trung Đông Israel luôn cáo buộc các hoạt động hạt nhân của Iran là nhằm phát triển bom nguyên tử nhưng Iran kiên quyết phủ nhận và nhấn mạnh rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ thuần túy phục vụ các mục đích hòa bình.
(Theo Khám phá)