TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Khó xảy ra một cuộc tấn công Iran!

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới khả năng phát động cuộc tấn công Iran.
 

Liên tiếp trong thời gian gần đây, truyền thông Mỹ và phương Tây đăng tải nhiều thông tin cũng như phân tích, nhận định của giới chuyên gia quân sự về một kế hoạch hợp tác giữa Mỹ với Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Những động thái ấy khiến dư luận lo ngại về khả năng một cuộc chiến tranh nhằm vào quốc gia Hồi giáo này có thể trở thành hiện thực.

Mỹ, Israel cùng hợp sức tấn công Iran?

Cuộc tuần hành của gần 1.000 người dân ở Toronto (Canada) để phản đối một cuộc tấn công vào Iran hôm 6/10 (Ảnh: rabble.ca)

Tạp chí Chính trị Thế giới (Mỹ) trích dẫn tài liệu của một tổ chức chuyên đánh giá các xu hướng toàn cầu mang tên Garten Rothkopf thậm chí còn khẳng định “Mỹ sẽ đóng vai trò chủ yếu trong cuộc tấn công Iran, khi quân đội Israel không có đủ nguồn lực để "đơn thương độc mã" tấn công các nhà máy làm giàu hạt nhân của Iran”. Tài liệu này cũng úp mở về khả năng Mỹ có thể sẽ hành động một mình hoặc phối hợp với Israel và các nước khác phát động cuộc tấn công chống Iran.

Một báo cáo khác của nhóm các nhà ngoại giao và quân sự Mỹ mang tên "Kế hoạch Iran" được phát hành mới đây cũng khẳng định về một cuộc tấn công Iran, và nhận định đây có thể lại là một cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm và tiêu tốn của Mỹ hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Bản thân Tổng thống Iran Ahmadinejad phát biểu trước báo giới cũng thừa nhận không thể loại trừ khả năng sẽ xảy ra một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran trong khi không lâu trước đó, ông Ahmadinejad từng khẳng định chắc chắn rằng “mọi lời đe dọa tấn công quân sự chống lại Tehran đều không có cơ sở và không bao giờ có chuyện xảy ra chiến tranh”.

Iran đã nhượng bộ trước sức ép quốc tế?

Nhận định một cuộc tấn công quân sự vào Iran không phải là lựa chọn số một nên việc lựa chọn đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây nhằm vào quốc gia Hồi giáo Iran có vẻ như đã mang lại hiệu quả nhất định.

Sau hàng loạt các biện pháp cấm vận cũng như các đòn kinh tế mạnh giáng vào ngành hóa dầu, khí đốt cũng như hệ thống tài chính của Iran thời gian qua đã buộc Tổng thống Iran Ahmadinejad bên lề cuộc họp 67 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra đầu tháng 10 phải lên tiếng chỉ trích các cuộc tấn công kinh tế của phương Tây đã gây ảnh hưởng mạnh tới đời sống của người dân nước này. Đồng nội tệ của Iran trong vòng một tuần đã mất giá tới 10%, lạm phát gia tăng khiến giá thực phẩm tại Iran leo thang từng ngày. Reuters dẫn nguồn thông tin từ Ngân hàng Trung ương Iran cho biết tỷ lệ lạm phát của nước này là 30% nhưng theo các nhà kinh tế khu vực con số thực đã lên tới 50-60%.

Bộ trưởng Tài chính Israel Steinitz mới đây cũng dự báo nền kinh tế Iran đang bên bờ vực sụp đổ và nhận định Iran đang bị thất thu 45-50 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ (!?).

Không biết có phải để cứu con thuyền kinh tế khỏi bị chìm hay không, mà mới đây Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi đã có một động thái khiến dư luận thế giới không thể không nghĩ rằng Iran đã bớt căng và đang nhượng bộ khi đưa ra một đề xuất sẵn sàng thỏa hiệp với phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này. Theo đó, Iran có thể sẽ hạn chế cấp độ làm giàu urani trên cơ sở tự nguyện.

Cũng liên quan đến sự nhượng bộ ấy, nghị sĩ Quốc hội Iran, ông Hossein Naqavi trong một tuyên bố cũng đã nói rằng, Iran đang thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin với phương Tây bằng cách chuyển 20% uranium làm giàu ở cấp độ cao sang dạng năng lượng khác là quặng Oxit Uranium (U308). Những động thái trên từ phía Iran dường như đang làm dịu bớt căng thẳng cũng như những quan ngại của cộng đồng quốc tế về mục tiêu theo đuổi chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.

Khởi xướng một cuộc tấn công Iran là “không khôn ngoan” đối với Mỹ

Tuy nhiên trên thực tế, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể coi là yếu tố có khả năng ảnh hưởng quyết định đối với khả năng xảy ra cuộc tấn công Iran. Vào thời điểm này, việc khởi xướng một cuộc tấn công Iran được cho là quyết định không khôn ngoan của Chính phủ Mỹ. Ngay cả khi ứng cử viên Romney là người chiến thắng trong cuộc đua để bước vào Nhà Trắng thay thế Tổng thống đương nhiệm Obama thì cuộc tấn công Iran cũng khó có thể xảy ra.

Lý giải cho nhận định trên là bởi một khi bước vào Nhà Trắng, việc đầu tiên ông Romney nên làm đó là phải giải quyết căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Tehran, vốn đang bị xấu đi dưới thời của Tổng thống Barack Obama.

Dov Zakheim, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc trong nhiệm kỳ đầu của cựu Tổng thống George W. Bush và dưới chính quyền Ronald Reagan trong những năm 1980, đồng thời là cố vấn chính sách đối ngoại cho ứng viên Romney cũng cho rằng, một khi ông Romney vào được Nhà Trắng, ông ấy sẽ tiếp tục thắt chặt lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Iran và thúc đẩy mối quan hệ với Israel bằng cách tăng cường hơn nữa sự tin cậy giữa 2 nước đồng minh.

Bản thân ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa cũng từng nhận định, Mỹ hiện chưa thể có hành động quân sự nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. Ông Romney còn thể hiện lập trường của mình là không cho phép Iran phát triển vũ khí hạt nhân nhưng hy vọng thông qua các biện pháp trừng phạt và ngoại giao để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân chứ không phải một cuộc chiến tranh.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu nhìn vào quan điểm của ông Romney, người ta vẫn không rõ liệu ông có ủng hộ việc thiết lập một “giới hạn đỏ” đối với chương trình hạt nhân của Iran hay không - khi mà Israel vốn đang rất mong chờ cái gật đầu từ phía đồng minh Mỹ. Những luận điệu hiếu chiến từ phía Israel đối với Iran thời gian qua chỉ như một “chiêu bài” nhằm gây sức ép đối với thái độ dung dằng của chính quyền Washington, hòng đạt được cam kết mạnh mẽ hơn của nước đồng minh này.

Nhưng có lẽ, cuộc kiếm tìm của Israel sẽ khó có câu trả lời rõ ràng. Bởi trong trường hợp ông Obama tiếp tục đắc cử ở nhiệm kỳ thứ hai, và ông Benjamin Netanyahu tiếp tục tại nhiệm trong lần bầu cử tới thì Israel với mục tiêu bảo vệ lợi ích của mình chỉ có nước tự mình tấn công Iran./.

Thanh Hà/VOV online

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te