Việc Tây Ban Nha đồng ý tham gia chương trình lá chắn tên lửa của NATO tại châu Âu khiến quan hệ Mỹ - Nga lại trở nên căng thẳng.
Theo thỏa thuận ký với Mỹ vào ngày 10.10, Tây Ban Nha sẽ cho phép NATO triển khai lá chắn tên lửa thuộc hệ thống phòng thủ châu Âu tại căn cứ hải quân Rota ở nước này. Tờ The Washington Post dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Pedro Morenes tuyên bố hiệp ước mới là minh chứng cho thấy cộng đồng quốc tế rất tín nhiệm Madrid. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta bày tỏ sự cảm ơn vì Tây Âu sẵn sàng đón chào các tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis của Washington tại Rota.
Tây Ban Nha nhập cuộc
Hồi tuần trước, Madrid đồng ý tiếp nhận sự triển khai 4 khu trục hạm được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Washington mang theo hỏa tiễn SM-3 Block 1A tại căn cứ Rota. Đây là một phần của thỏa thuận tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa, do NATO thiết lập tại châu Âu, được nội các Tây Ban Nha thông qua trong lễ ký hiệp ước cách đây 1 năm. Vào tháng 10.2011, Thủ tướng Tây Ban Nha lúc đó Jose Luis Rodriguez Zapatero là người đưa ra đề nghị trên trong một hội nghị tại Brussels. Tuy nhiên, để triển khai, Mỹ phải điều chỉnh thỏa thuận quốc phòng song phương với Tây Ban Nha, theo kênh Fox News.
|
Sau khi ký kết thỏa thuận song phương, khoảng 1.200 binh sĩ Mỹ cùng gia đình họ sẽ đến căn cứ Rota trên Địa Trung Hải vào năm 2013. Fox News dẫn lời Phó thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria cho biết Mỹ chịu hoàn toàn chi phí xây dựng cần thiết để nâng cấp căn cứ này, nhằm đáp ứng tình hình mới. Dự kiến, Mỹ sẽ chi 2 triệu euro (khoảng 2,58 triệu USD) đầu tư thêm hệ thống cầu cảng cần thiết tại đây để các tàu chiến của nước này có thể đồn trú. Cùng với Tây Ban Nha, các nước như Ba Lan, Romania, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được triển khai những cơ sở hạ tầng và vũ khí cần thiết phục vụ lá chắn tên lửa của NATO.
Cuối tháng 5.2012, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố lá chắn châu Âu đã chính thức được dựng lên. Về cơ bản, hệ thống này có thể vô hiệu hóa những tên lửa nhằm vào những mục tiêu tại các quốc gia đồng minh của Mỹ tại châu Âu. AP dẫn lời ông Rasmussen cho hay đây là bước đi đầu tiên của quá trình thiết lập lá chắn bao phủ châu Âu vào năm 2018. Dự kiến, khi giai đoạn cuối được hoàn thành vào năm 2022, lá chắn trên sẽ bao trùm một vùng rộng lớn trải dài từ Mỹ đến châu Âu.
Nga cảnh báo
Việc Tây Ban Nha tiếp nhận chiến hạm Mỹ lập tức đánh động Nga, nước luôn cho rằng mục tiêu thực sự của Mỹ khi thiết lập lá chắn tên lửa tại châu Âu là nhằm đối phó Moscow. Kênh RT News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov tuyên bố Moscow có đủ phương tiện để bảo vệ chính mình trước hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Washington. Moscow tự tin có thể vô hiệu hóa mối đe dọa từ lá chắn trên. Trước đó, Moscow chỉ trích Washington đã từ chối sự hỗ trợ của Nga trong việc thiết lập chặng cuối của hệ thống phòng thủ toàn cầu. Đồng thời, theo Moscow, Washington cũng không đồng ý chia sẻ với Nga về thông tin cảnh báo sớm liên quan đến Iran.
Ngày 10.10, AP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo bất đồng về lá chắn tên lửa đe dọa nghiêm trọng quan hệ giữa Moscow với NATO. Vào tháng 5, Nga tuyên bố vừa bắn thử thành công tên lửa xuyên lục địa đầu tiên đủ sức chọc thủng lá chắn tên lửa của NATO. Hiện tại, Moscow còn tự tin tuyên bố sở hữu hàng trăm tên lửa tầm xa có khả năng bắn hạ gần 2.000 đầu đạn hạt nhân mà Mỹ đang có. Trong chương trình nghị sự tranh cử hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố kế hoạch trang bị vũ khí khổng lồ để chống lại sự đe dọa sát sườn từ Mỹ. Nga cũng đã triển khai radar chống tên lửa thế hệ mới gần biên giới với Ba Lan và bắt đầu thử nghiệm trạm tương tự tại căn cứ vũ khí hạt nhân ở thành phố Irkutsk thuộc Siberia. Theo RIA-Novosti, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Nikolai Makarov từng lên tiếng cảnh báo rằng Moscow sẽ đánh phủ đầu các mục tiêu thuộc NATO nếu cảm thấy bị đe dọa bởi lá chắn tên lửa của khối này.
Thụy Miên
Theo Thanh Niên