Trong bài báo đăng hôm 28/10 vừa qua, The Wall Street Journal đã thống kê và cho biết, kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1949) đến nay, quốc gia này đã có 23 cuộc bất đồng lãnh thổ trên bộ và trên biển với các quốc gia láng giềng. Trong số những bất đồng này, đã có 17 vụ được giải quyết thông qua các thỏa thuận và 6 lầnTrung Quốc đã sử dụng đến sức mạnh quân sự để giải quyết. Tất cả những lần mà Trung Quốc dùng đến quân sự đều có diễn biến khá giống với tình trạng bế tắc hiện nay ở Senkaku.
Theo “thói quen”, Trung Quốc thường chỉ sử dụng sức mạnh quân sự trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ với những quốc gia láng giềng có khả năng quân sự mạnh như cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ, Nga và Việt Nam hay những cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan. Đây cũng chính là những quốc gia có khả năng nhất trong việc kiểm soát và cản trở tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Trong các bất đồng với những nước yếu hơn như Mông Cổ hoặc Nepal, Trung Quốc tránh sử dụng sức mạnh bởi họ biết rằng việc “dọa nạt” và bắt các quốc gia kia phải tuân theo sự sắp xếp của họ là không mấy khó khăn.
Từ những thực trạng này, dễ dàng nhận thấy hiện nay Nhật là quốc gia láng giềng biển lớn nhất của Trung Quốc và có lực lượng hải quân hiện đại hay đội phòng vệ bờ biển khá mạnh. Thêm vào đó, lịch sử cũng chứng minh Trung Quốc ưa thích sử dụng vũ lực đối với các tranh chấp trên biển. Trong số 16 cuộc tranh chấp trên đất liền, Trung Quốc chỉ có 1/5 số lần dùng đến quân đội nhưng hầu hết các tranh chấp biển đảo của nước này đều sử dụng đến súng đạn.
Nhật báo The Wall Street Journal nêu ví dụ: Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa của Việt Nam mặc dù họ không hề có kiểm soát hay sự hiện diện ở bất cứ đảo nào. Đến năm 1988, nước này đã manh động sử dụng quân sự để đánh chiếm 6 bãi đá ngầm thuộc Trường Sa. Tình trạng hiện nay ở biển Hoa Đông cũng tương tự như vậy, Trung Quốc không hề quản lý đảo nào trong số các đảo thuộc quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Suốt vài tháng qua, Trung Quốc chưa bao giờ rút tàu Hải giám ra khỏi khu vực Điếu Ngư/Senkaku cho thấy lập trường rất cứng rắn của nước này trong cuộc đối đầu với Nhật Bản. |
Chưa hết, người ta còn nhận thấy có những sự trùng hợp rất đáng chú ý. Trung Quốc thường sử dụng sức mạnh quân sự trong những tranh chấp lãnh thổ ở giai đoạn mà chế độ của họ ở tình trạng dễ mất an ninh nhất. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng các nước khác đang tìm cách khai thác sức mạnh của kẻ trong nước của họ nên nếu chính phủ phản ứng mềm mỏng có thể bị coi là yếu kém hay tăng sự bất bình của công chúng. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn phải chịu sức ép từ các đối thủ chính trị, đặc biệt trong giai đoạn chuyển giao lãnh đạo và châm ngòi cho một cuộc chiến là giải pháp “thể hiện sức mạnh” hữu hiệu nhất.
Nhân tố cuối cùng trong việc gây mất ổn định và dẫn đến các cuộc đối đầu căng thẳng ở Senkaku là do cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang có các tranh chấp biển đảo với các nước khác. Với Nhật, đó là tranh chấp quần đảo Takeshima (Dokdo) hiện do Hàn Quốc kiểm soát nhưng Nhật cũng tuyên bố chủ quyền. Với Trung Quốc, đó là căng thẳng ở Biển Đông với Philippines và Việt Nam. Tình thế này buộc các nhà lãnh đạo Nhật hay Trung đều cho rằng nếu họ giải quyết thành công vấn đề Senkaku/Điếu Ngư theo hướng có lợi cho mình, họ sẽ có điều kiện để dứt điểm các cuộc tranh chấp biển đảo còn lại và ngược lại, nếu họ “thua”, gần như chắc chắn họ sẽ phải ra về tay trắng.
Với những nhân tố vô cùng nhậy cảm như thế, The Wall Street Journal phỏng đoán, cuộc chiến tranh trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản chỉ là câu chuyện “một sớm, một chiều”.