Ngày 22/9, Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng mối quan hệ Trung Quốc - Philippines có thể khôi phục sau khi bị tổn thương trong cuộc tranh chấp lãnh thổ Scarborough/Hoàng Nham.
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc (TQ) phát tín hiệu muốn làm dịu căng thẳng kể từ khi 2 nước xảy ra tranh cãi về chủ quyền tại Scarborough/Hoàng Nham hồi tháng 4/2012. Cũng trong ngày 22/9, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Đại sứ Philippines tại TQ Sonia Brady, 71 tuổi đã trở về Manila, một tháng sau cơn đột qụy khiến bà phải nhập viện tại Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Raul Hernandez cho biết, Đại sứ Sonia Brady cần yên tĩnh, nghỉ ngơi và không trả lời các câu hỏi liên quan đến chuyến về nước của bà.
Từ những thông tin của giới truyền thông
Tuyên bố kể trên của Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình được đưa ra khi ông có cuộc đối thoại với ông Mar Roxas, đặc phái viên của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, tại Hội chợ thương mại, đầu tư Trung Quốc - ASEAN diễn ra ở tỉnh Quảng Tây, TQ. Theo Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, Bắc Kinh và Manila vẫn duy trì được động lực phát triển kể từ khi hai nước thiết lập ngoại giao 37 năm trước và mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực đã mang lại những lợi ích vững chắc cho người dân hai nước.
Ông Tập Cận Bình cũng cho rằng, Tổng thống Benigno Aquino đã đánh giá cao mối quan hệ Trung Quốc - Philippines và điều này cho thấy sự nhất trí giữa Tổng thống Benigno Aquino và Chủ tịch nước TQ Hồ Cẩm Đào năm 2011 về thúc đẩy quan hệ song phương và giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông vẫn còn nguyên giá trị. Và tinh thần này sẽ là kim chỉ nam cho phát triển song phương. Đặc phái viên Mar Roxas cho biết, Philippines mong muốn thiết lập mối quan hệ bình thường, hữu hảo với TQ, đồng thời hy vọng Bắc Kinh và Manila có thể thúc đẩy tin tưởng lẫn nhau, vượt qua những trở ngại hiện tại và duy trì quan hệ hợp tác song phương.
Tàu ngầm của Trung Quốc
Giới truyền thông cho rằng, việc Tổng thống Benigno Aquino cử đặc phái viên Mar Roxas đến TQ lần này nhằm làm rõ quan điểm của Manila về tranh chấp tại Scarborough/Hoàng Nham. Cuộc gặp giữa đặc phái viên Mar Roxas với Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng là cơ hội tốt để Manila và Bắc Kinh hiểu rõ về quan điểm của nhau trong tranh chấp tại Scarborough/Hoàng Nham. Giới phân tích cho rằng, việc cử ông Mar Roxas, một người có quan điểm ôn hòa làm đặc phái viên cho thấy Philippines muốn giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, Philippines mới thông báo, cuộc gặp kể trên mang tính xây dựng và không đề cập hai bên có bàn về tranh chấp tại Scarborough/Hoàng Nham hay không. Được biết, trung tuần tháng 5/2012, Philippines từng cử 2 đặc phái viên đến TQ, nhưng với sứ mệnh thương mại. Đó là cựu Đại sứ Philippines tại TQ năm 2011 Domingo Lee và ông Cesar Zalamea, cựu quan chức ngân hàng.
Ngày 22/9, tờ New Straits Times đưa tin, Malaysia đã kêu gọi TQ đẩy nhanh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để giải quyếttranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tại cuộc gặp ngày 21/9 với Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình ở thành phố Nam Ninh, Phó thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nói rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không nên để tranh chấp ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Ngày 22/9, tờ China Times xuất bản tại Đài Loan đưa tin, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng căng thẳng, quân đội TQ đã triển khai tên lửa chống hạm DF-21 tới tỉnh Phúc Kiến.
Trước đó, quân đội TQ chỉ triển khai tên lửa đạn đạo thế hệ cũ DF-4 tại tỉnh này. Điều này cho thấy TQ đang chuẩn bị các chiến lược cho một cuộc chiến tranh với Nhật Bản. Phóng viên Ken Moriyasu của tờ Nihon Keizai Shimbun thường trú tại Bắc Kinh cho rằng, Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà không có sự can thiệp của Mỹ. China Times cũng cho biết, tàu sân bay đầu tiên của TQ hiện đang neo tại thành phố cảng Đại Liên và đã sẵn sàng đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện TQ vẫn chưa chính thức công bố thời điểm đưa tàu sân bay Varyag mua của Ukraine vào hoạt động cũng như tên gọi của nó cho dù trước đó dư luận từng biết tới dưới cái tên Thi Lang.
Ngày 22/9, hàng ngàn người Nhật Bản đã biểu tình ôn hòa ở Tokyo để phản đối việc TQ đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là cuộc tuần hành lớn nhất của Nhật Bản kể từ khi nổ ra những cuộc biểu tình chống Nhật Bản tại TQ. Trước đó (18/9), người Nhật Bản cũng đã tụ tập để phản đối Trung Quốc tại trung tâm Tokyo xung quanh những tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Cuộc biểu tình hôm 22/9 và cuộc biểu tình ngày 18/9 đều do Ganbare Nippon, một tổ chức dân tộc chủ nghĩa cánh hữu mới thành lập năm 2010 lên kế hoạch. Trước đó (tháng 8/2012), Ganbare Nippon cũng từng tổ chức chuyến đi tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho 150 người, trong đó có 8 nghị sĩ Quốc hội. Tuy nhiên, các nhà dân tộc chủ nghĩa của cánh hữu cũng kêu gọi bình tĩnh và thận trọng, để không làm gia tăng căng thẳng và làm tăng thêm tâm lý chống Nhật Bản tại TQ.
Trong khi Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình tuyên bố, muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông thì Bắc Kinh lại có một loạt hoạt động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 21/9, Tân Hoa xã đưa tin, TQ đang tăng cường thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Cục Quản lý Thương mại và Công nghiệp của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vừa cho biết, trong tháng 8 và tháng 9, cơ quan này đã cấp phép cho một công ty xây dựng và một công ty du lịch hoạt động ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”.Chính quyền ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” cho biết, đang xúc tiến kế hoạch phát triển với 31 dự án lớn cùng số tiền đầu tư lên tới 13,3 tỉ NDT (khoảng 2,1 tỉ USD), trong đó có dự án mở tuyến du lịch bất hợp pháp đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10.
Những thông tin khác nhau về nghị sĩ Antonio Trillanes
Thông tin về cuộc gặp giữa đặc phái viên Mar Roxas, Bộ trưởng Nội vụ với Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình được đăng tải đúng thời điểm tại Manila đang có tranh cãi gay gắt xung quanh việc nghị sĩ Antonio Trillanes đã bí mật thương lượng với Bắc Kinh về vấn đề Scarborough/Hoàng Nham từ tháng 5/2012. Nhiều nghị sĩ và chính khách Philippines đã chỉ trích hành động “đi đêm” của nghị sĩ Antonio Trillanes và ủng hộ phản ứng cứng rắn của Ngoại trưởng Albert del Rosario xung quanh Scarborough/Hoàng Nham. Phó tổng thống Jejomar Binay cũng ca ngợi việc làm của Ngoại trưởng Albert del Rosario. Cựu tổng thống Joseph Estrada đã gọi nghị sĩ Antonio Trillanes là kẻ “dối trá”, “vô ơn” và “điên rồ”. Theo GMA News, trong khi nghị sĩ Antonio Trillanes tuyên bố được Tổng thống Benigno Aquino cử tới Bắc Kinh thì Văn phòng Tổng thống lại khẳng định, đây là chuyến đi tự nguyện. Theo phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, ông Edwin Lacierda cho biết, nghị sĩ Antonio Trillanes đã đề nghị được làm trung gian giảm căng thẳng, nhưng Tổng thống Benigno Aquino chỉ đón nhận đề nghị này như một phần trong chính sách xem xét mọi khả năng mà thôi.
Chủ tịch Thượng viện Juan Ponce Enrile (trái), nghị sĩ Antonio Trillanes (giữa), Ngoại trưởng Albert del Rosario (phải)
Ông Antonio Trillanes xác nhận, đã bí mật gặp các quan chức cao cấp của TQ 16 lần kể từ tháng 5/2012. Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile đã mắng nghị sĩ Antonio Trillanes là kẻ “lừa đảo và hèn nhát” ngay sau khi vụ “đi đêm” bị tiết lộ. Giới truyền thông cho biết, ngày 19/9, nghị sĩ Antonio Trillanes đã bỏ ra khỏi phòng họp Quốc hội khi bị chất vấn về việc bí mật đến Bắc Kinh đàm phán. Chủ tịch Thượng viện Juan Ponce Enrile đã đọc to các biên bản mà cựu Đại sứ Philippines tại TQ, bà Sonia Brady lập xung quanh vấn đề nhạy cảm này.
Theo tờ Manila Standard Today, trong một biên bản do bà Sonia Brady lập có đề cập tới chuyện nghị sĩ Antonio Trillanes yêu cầu không ghi biên bản về những tuyên bố của ông, trong đó có việc tố cáo Ngoại trưởng Albert del Rosario phản quốc. Chủ tịch Thượng viện Juan Ponce Enrile cho biết, nghị sĩ Antonio Trillanes cũng đã nói với ông rằng “Ngoại trưởng Albert del Rosario phản quốc”. Ông Juan Ponce Enrile tố cáo nghị sĩ Antonio Trillanes đã tìm cách bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Sở dĩ có lời cáo buộc kể trên bởi theo nghị sĩ Antonio Trillanes, Ngoại trưởng Albert del Rosario đã theo đuổi lập trường cứng rắn trong tranh chấp xung quanh Scarborough/Hoàng Nham nên suýt nữa đẩy Philippines vào thế xung đột với TQ. Trước cáo buộc của nghị sĩ Antonio Trillanes, Ngoại trưởng Albert del Rosario đã gửi một thông cáo tới Quốc hội, nhấn mạnh: ông đang thực thi chính sách ngoại giao do Tổng thống Benigno Aquino đề ra. Phát ngôn viên của Tổng thống, ông Edwin Lacierda cho biết, Tổng thống Benigno Aquino hoàn toàn tin tưởng Ngoại trưởng Albert del Rosario. Khẩu chiến giữa Chủ tịch Thượng viện Juan Ponce Enrile với nghị sĩ Antonio Trillanes đã khiến Tổng thống Benigno Aquino phải lên tiếng - yêu cầu 2 người kiềm chế đưa ra những bình luận khiến phức tạp vấn đề.
Về phần mình, trước búa rìu dư luận, nghị sĩ Antonio Trillanes đã xuất hiện trên truyền hình để giải thích về vai trò “đi đêm” của mình - Tổng thống Benigno Aquino mới là người quyết định và tôi chỉ là người đề xuất và tái đề xuất. Nghị sĩ Antonio Trillanes cũng khẳng định, ông có công trong việc hạ nhiệt căng thẳng với TQ. Nhưng Ngoại trưởng Albert del Rosario lại cho rằng (17/9), những cuộc đối thoại ngầm là lợi bất cập hại, cho dù ông không nêu đích danh nghị sĩ Antonio Trillanes. Mặc dù là Ngoại trưởng, nhưng ông Albert del Rosario lại không được tham gia những cuộc thỏa thuận ngầm giữa nghị sĩ Antonio Trillanes với giới lãnh đạo TQ. Trước khi trở thành nghị sĩ năm 2007, ông Antonio Trillanes từng là Đại úy hải quân và là một trong số những người lãnh đạo 2 cuộc đảo chính chống lại cựu Tổng thống Gloria Arroyo diễn ra trong năm 2003 và 2006. Điều đáng nói là ông Antonio Trillanes giành được ghế tại Thượng viện khi vẫn đang phải chấp hành bản án trong tù vì tội đảo chính.
Đến việc điều tra cựu Tổng thống Gloria Arroyo
Tổng thống Benigno Aquino là người đã ân xá cho ông Antonio Trillanes ngay sau khi trở thành người kế vị bà Gloria Arroyo. Cách đây gần 5 năm (chiều 29/11/2007), Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, người lãnh đạo các binh sĩ nổi dậy tuyên bố, việc đầu hàng cảnh sát là để đảm bảo an toàn cho thường dân và phóng viên trong khách sạn Peninsula. Khi đó, ngoài Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, người đứng đầu vụ nổi loạn năm 2003, còn có cựu Phó tổng thống Teofisto Guingona và Thiếu tướng Danilo Lim. Khi đó giới truyền thông đưa tin, dư luận đã có những phản ứng khác nhau ngay sau khi Tổng thống Benigno Aquino ân xá cho hơn 300 sĩ quan và binh sĩ tham gia nổi loạn trong năm 2003 và 2006. Trong khi giới quân sự, nhất là số binh sĩ tham gia nổi loạn hoan nghênh lệnh ân xá của Tổng thống Benigno Aquino thì phe đối lập, đặc biệt là những nhân vật hữu quan lại đưa ra đánh giá mang tính cảnh báo. Được biết, cả Hạ viện và Thượng viện đều đã thông qua các nghị quyết với nội dung ủng hộ ân xá cho những binh sĩ nổi loạn. Khi đó, Chuẩn tướng Jose Mabanta, người phát ngôn lực lượng vũ trang Philippines cho biết, quân đội đã được Tổng thống Benigno Aquino tham vấn và nhất trí với quyết định ân xá này.
Ngay sau khi tuyên bố nhậm chức (30/6/2010), Tổng thống thứ 15 của Philippines, ông Benigno Aquino đã thực hiện một số tuyên bố khi đắc cử, trong đó có việc mở cuộc điều tra nhằm vào người tiền nhiệm Gloria Arroyo. Việc thành lập “Ủy ban sự thật” do cựu Bộ trưởng Tư pháp Davide đứng đầu tập trung vào 3 chủ đề chính. Thứ nhất, làm rõ những cáo buộc bà Gloria Arroyo gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004. Thứ hai, các đồng minh của cựu Tổng thống đã thu lợi bất chính từ một thỏa thuận băng thông rộng trị giá 329 triệu USD của Philippines với một công ty TQ. Thứ ba, các đồng minh của bà Gloria Arroyo đã sử dụng sai mục đích một quỹ trị giá 728 triệu peso (khoảng 15,68 triệu USD) của Chính phủ. Nhiều người nói rằng, căng thẳng hiện nay Philippines - Trung Quốc là do sai lầm của bà Gloria Arroyo. Ngày 6/7/2011, khi phát biểu nhân kỷ niệm 113 năm ngày thành lập Bộ Ngoại giao, Tổng thống Benigno Aquino đã cho rằng, chính quyền của bà Gloria Arroyo phải chịu trách nhiệm về việc làm trầm trọng thêm những bất đồng giữa Manila và Bắc Kinh liên quan tới tuyên bố chủ quyền tại biển Đông. Kể từ khi rời ghế Tổng thống, bà Gloria Arroyo phải đối mặt với các cáo buộc như gian lận bầu cử và tham nhũng.
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
(Năng lượng Mới số 158, ra thứ Ba ngày 25/9/2012)