TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung Quốc – Philippines vẫn còn 'rất khác biệt' về Biển Đông

Hôm 21/9 vừa qua, không một ai tỏ ra tươi tỉnh khi tham gia cuộc họp giữa Bộ trưởng bộ nội vụ Philippines và Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
 

Trung Quốc – Philippines vẫn còn 'rất khác biệt' về Biển Đông

Trung Quốc và Philippines vẫn có lập trường rất khác biệt về tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Bất chấp các thông tin cho rằng hai bên tỏ ra sẵn lòng cải thiện quan hệ, hôm qua tờ Daily Inquirer của Philippines cho hay Trung Quốc và Philippines vẫn có “khoảng cách rất lớn” khi tìm kiếm giải pháp cho cuộc tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn tờ Inquirer, một quan chức chính phủ Philippines cho biết “hai bên đều kiên quyết trong tuyên bố chủ quyền của mình”. Vị quan chức này cho hay cả hai ông Roxas và Tập Cận Bình đều “bày tỏ quan điểm và lập trường” về chủ quyền đối với bãi cạn mà hai nước đều tuyên bố thuộc về mình.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã cử ông Roxas làm đặc phái viên đến Hội chợ Expo Trung Quốc – ASEAN tại tình Nam Ninh để chuyển thông điệp đến Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thông qua Phó chủ tịch Tập Cận Bình rằng Philippines muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc và muốn tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.

Tại Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC), bản thân Tổng thống Philippines Aquino đã định chuyển thông điệp đó tới Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhưng do không sắp xếp được lịch trình nên hai ông không thể tiến hành họp mặt như dự định.

Một quan chức Philippines cho biết trong cuộc họp hôm 21/9 thảo luận về cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough, hai ông Roxas và Tập Cận Bình đã thể hiện “lập trường khác biệt”.

Không bên nào chịu 'lùi bước'

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có kiên quyết khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông hay không, vị quan chức này cho biết: “Không bên nào có dấu hiệu từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình”.

Vị quan chức này không nói rõ hơn nhưng mô tả sự khác biệt giữa hai quốc gia là “hố ngăn cách lớn”, ám chỉ rằng Trung Quốc không công nhận chủ quyền của Philippines về bãi cạn Scarborough còn Philippines kiên quyết khẳng định bãi cạn này thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Philippines và Trung Quốc cũng đang tranh chấp chủ quyền đối với các hòn đảo, mỏm đá và đảo san hô khác trên Biển Đông. Ngoài Philippines và Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền các hòn đảo trên Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên hải sản và dầu khí.

Theo quan chức Philippines nói trên, ông Roxas sẽ báo cáo tình hình cuộc họp với phía Trung Quốc cho Tổng thống Aquino.

Vị quan chức này cũng cho biết cuộc họp giữa ông Roxas với ông Tập Cận Bình chính là sự tái lập kênh giao tiếp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao Philippines và Trung Quốc vì ông Tập Cận Bình sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào vào cuối năm nay.

“Sau khi hai bên bày tỏ quan điểm và lập trường của mình, hiện kết luận cuộc họp chưa được đưa ra. Cả hai bên sẽ cân nhắc và đàm phán trở lại”, vị quan chức Philippines này cho biết.

Hôm 22/9, chính phủ Philippines đưa ra tuyên bố khẳng định thành quả hai bên đạt được qua cuộc họp của ông Roxas và ông Tập Cận Bình: “Philippines và Trung Quốc cùng bày tỏ mong muốn được giải quyết các vấn đề hiện nay giữa hai nước đồng thời thúc đẩy quan hệ song phương”.

Hôm qua, Abigail Valte, một phát ngôn viên khác của Tổng thống Philippines, cho biết chính quyền nước này coi trọng “mối quan hệ trên nhiều cấp độ” với Trung Quốc và Philippines không chỉ nói chuyện với Trung Quốc về cuộc tranh chấp trên Biển Đông.

Bà Valte có đề cập rằng du lịch và ngoại thương là một phần trong “mối quan hệ diễn ra tốt đẹp” giữa Philippines và Trung Quốc.

Theo bà, Philippines sẽ tiếp tục hợp tác “trên nhiều lĩnh vực” với Trung Quốc bất chấp cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Bà Valte cho rằng mặc dù quan hệ giữa hai nước đã từng rạn nứt do cuộc tranh chấp nhưng đến nay quan hệ song phương đã “được phục hồi”.

Để cải thiện quan hệ song phương Trung Quốc – Philippines, bà Valte phát biểu rằng chính quyền Philippines sẽ tiếp tục theo đuổi giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.

Bà cũng cho biết phía Philippines sẽ “kiềm chế để không có hành động nào” khơi dậy căng thẳng mới về tranh chấp này.

Tùng Lâm
Theo Infonet


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te