Dư luận Philippines đang ủng hộ chiến dịch tẩy chay các chính trị gia khoác lác, thích “nhận vơ” công trạng về mình để đánh bóng hình ảnh và kiếm phiếu.
Các chính trị gia Philippines thích gắn hình ảnh của mình vào các công trình dân sinh làm từ tiền thuế của dân - Ảnh: Facebook của Anti-Epal |
Năm 2013 là năm diễn ra các cuộc bầu cử ở Philippines. Thời gian từ nay đến đó được xem là “thời gian vàng” cho các chính trị gia, quan chức để đánh bóng tên tuổi cùng công trạng của mình trước cử tri để kiếm phiếu.
Một điều thường thấy ở Philippines là họ dựng biển hiệu khắp nơi kể lể công trạng đã làm được cho dân, từ việc xây nhà chờ xe buýt đến trường học, bệnh xá... như thể tất cả đều do chính họ chi tiền thực hiện. Nhưng thực tế, số tiền đó hoàn toàn là tiền thuế của dân đóng góp và họ chẳng tốn xu nào.
Thượng nghị sĩ Miriam Defensor Santiago mới đây đã đề nghị quốc hội thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn các chính trị gia hay lãnh đạo cơ quan chính phủ, công chức “nhận vơ” là mình có công lớn trong các dự án được làm bằng tiền thuế của dân. Bà hi vọng dự luật này có thể được ký thành luật trước khi diễn ra bầu cử vào tháng 5-2013. Hình phạt cho các chính trị gia “nhận vơ” theo luật này không hề nhẹ: nếu vi phạm là lãnh án tù từ 6 tháng đến 1 năm, và điều này cũng đồng nghĩa mất ghế!
Bà Miriam Defensor Santiago là luật sư, cựu thẩm phán và giảng viên về luật hiến pháp và luật quốc tế. Bà từng được một tạp chí Úc bình chọn trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 1997. “Các quan chức thích ghi tên mình là người có công thực hiện các dự án công. Hành động này cũng là phi đạo đức” - bà Miriam Defensor Santiago khẳng định khi nhấn mạnh hành động đó cổ xúy cho thái độ kẻ cả, ban ơn cho dân chúng của người lãnh đạo và dẫn tới nạn tham nhũng.
Dư luận Philippines đang bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sáng kiến này. Nhà hoạt động xã hội Vincent Lazatin cũng đang phát động chiến dịch đặt tài sản công về đúng vị trí của nó, nghĩa là thuộc về người dân. Một trang Facebook đã được lập ra để cổ động cho chiến dịch này. Tính tới ngày 24-9 đã thu hút sự ủng hộ của gần 30.000 người. Nhiều người dân đã đưa thông tin và hình ảnh của những chính trị gia bị cho là lạm dụng quyền hạn và đặc ân chính trị để tự quảng cáo. Một vài ông nghị đã bị chỉ mặt điểm tên. Như phó thị trưởng thành phố Paranaque Gus Tambunting, người đang ra sức khoe công trạng với kế hoạch xe buýt giá rẻ. Như nghị sĩ Pong Biazon khoác lác với kế hoạch xây dựng nhà ở nhiều chức năng cho những người đóng thuế nhiều ở thành phố Muntinlupa.
Nhà hoạt động Betty Romero, người điều hành trang Facebook này, cho biết hiệu quả tích cực nhất của chiến dịch này chính là sự tham gia của người dân. “Chúng tôi có một nơi để tập trung mọi người cùng đứng lên, chống lại điều bị xem là vô đạo đức trong xã hội, cần phải được mọi người bàn luận và tìm giải pháp ngăn chặn” - bà Romero khẳng định.
Chiến dịch đã có những tác động tích cực, khiến một số chính trị gia giật mình và xấu hổ. Nhiều thị trưởng, như thị trưởng Manila Alfred Lim, thị trưởng thành phố Quezon Herbert Bautista, thị trưởng thành phố Valenzuela Win Gatchalian... đã nhanh chóng cho gỡ tất cả những tấm biển hay băngrôn tự khen và tự tâng công của các quan chức thành phố.
HẠNH NGUYÊN (Theo WSJ, Tuổi Trẻ)