TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Quân đội Nhật nên làm gì để bảo vệ các hòn đảo?

Cho đến nay, “những cái đầu lạnh” đã thắng thế trong cuộc đối đầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo. Tuy nhiên, theo tác giả Kirk Spitzer trên tạp chí Time, có lẽ đã đến lúc Nhật Bản phải điều một số lực lượng quốc phòng đến quần đảo này đề phòng trường hợp “những cái đầu nóng” sẽ thắng thế trong lần tới.
 

Quân đội Nhật nên làm gì để bảo vệ các hòn đảo?

Lực lượng bộ binh phòng vệ Nhật Bản.

Đã nhiều năm Nhật Bản đã nói về việc triển khai quân đội hoặc thiết bị đến các hòn đảo Nansei xa xôi nằm cách các đảo chính 1.120 km, và xây dựng năng lực tối thiểu nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc giao tranh đổ bộ. Nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn chỉ dừng lại ở các kế hoạch và khẩu hiệu mơ hồ.

Nếu các tàu chiến Trung Quốc muốn đem quân đến một trong số hàng trăm hòn đảo xa xôi thuộc chủ quyền Nhật Bản hoặc do Nhật tuyên bố chủ quyền, thì sẽ chẳng có ai có mặt để ngăn họ. Và để đẩy được họ ra khỏi hòn đảo đó, Nhật Bản cần phải có sự giúp đỡ của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ - và điều đó có thể sẽ đem đến những hậu quả khủng khiếp cho mối quan hệ Mỹ - Trung, chưa nói đến hậu quả về an ninh cho toàn bộ khu vực.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc thực sự đang lên kế hoạch xâm chiếm lãnh thổ Nhật Bản. Bản thân Nhật Bản là một quốc gia hòa bình và đã phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Điều đó là tốt. Nhưng nếu Nhật Bản muốn có thể làm gì đó hơn nữa nhằm bảo vệ chủ quyền của mình thì có thể thực hiện một số bước đi khiêm tốn như sau:

  1. Đưa binh sĩ, tàu chiến và máy bay đến khu vực này và duy trì lực lượng ở đó. Số lượng cụ thể của lực lượng này có thể sẽ cần được bàn bạc kỹ lưỡng nhưng điểm mấu chốt là lực lượng đó phải đủ lớn để làm nản lòng bất kỳ ai có ý định thực hiện một kế hoạch hành động nhanh chóng và dễ dàng. Có thể điều động khoảng 1 tiểu đoàn bộ binh, một phi đội máy bay và một vài tàu chiến cỡ nhỏ hoặc trung bình tới các hòn đảo cực nam Nhật Bản gần Đài Loan là đủ. Ngay lúc này, Nhật Bản chưa điều động gì ở phía nam đảo Okinawa và ngay cả ở Okinawa, Nhật cũng có rất ít lực lượng. Tình hình đó không khác gì mời gọi lực lượng bên ngoài xâm nhập.

  2. Thiết lập một tư lệnh quân đội tổng hợp bao gồm các lực lượng quốc phòng khác nhau của Nhật Bản cùng hoạt động. Nhật Bản có một lực lượng hải quân xuất sắc, không quân tốt và bộ binh khá. Nhưng thông thường các lực lượng này hay là đối thủ của nhau trong lực lượng quân đội nói chung và hiếm khi được yêu cầu hoạt động cùng nhau. Để bảo vệ những khu vực rộng lớn như các hòn đảo Nansei, họ cần phải hợp tác chặt chẽ theo hình thức một tư lệnh duy nhất, với các kế hoạch và quy trình được xây dựng cẩn thận và mỗi lực lượng sẽ phải hiểu rất kỹ hoạt động của các lực lượng khác. Nếu thiết lập một Lực lượng chung cho quần đảo Nansei, Nhật Bản sẽ đưa tất cả các lực lượng vào cùng một chiến tuyến và thu hút được những sĩ quan ưu tú nhất từ các lực lượng trên.

  3. Thường xuyên thực hiện các cuộc diễn tập và học hỏi từ Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ do lực lượng này hiểu rất rõ các hoạt động như vậy. Bản chất cố hữu của các hoạt động chiến đấu là nguy hiểm, phức tạp, rối loạn và chiến đấu trên mặt trận biển cả có thể khiến vấn đề đó càng nghiêm trọng hơn. Điều động binh sĩ, thiết bị hoặc quân nhu ra khỏi tàu nhanh chóng, trong điều kiện biển động, trên các mỏm đá và mỏm san hô, bất kể ngày hay đêm, với máy bay bay trên đầu và các lực lượng của kẻ thù ở xung quanh là tình huống cần phải được học và thực hành. Trong 70 năm qua, Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ đó mà ngay cả bản thân họ vào những lúc thật thà nhất cũng nói với bạn rằng họ vẫn chẳng biết phải làm thế nào.

  4. Mời người Trung Quốc đển quan sát, bất kể điều đó sẽ khó chịu ra sao. Khả năng ngăn chặn sẽ không có mấy ý nghĩa nếu kẻ thù không biết năng lực của bạn ra sao. Và đối xử với họ thật chu đáo – Trung Quốc có lực lượng rất lớn và ở rất gần Nhật Bản.

Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đã phải chiến đấu với tình trạng ngân sách hạn hẹp trong 1 thập kỷ qua nhưng may mắn là kế hoạch trên không tốn kém như mọi người nghĩ. JSDF đã có khoảng 80% số lượng thiết bị cần thiết để xây dựng năng lực chiến tranh đổ bộ tốt. Mặc dù lí tưởng nhất là những khí tài đặc chủng như tàu tấn công đổ bộ loại Wasp của Thủy quân lục chiến Mỹ, Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật có 3 chiếc tàu vận chuyển loại Osumi có thể sẵn sàng chuyển sang nhiệm vụ chở bộ binh cũng như trực thăng và và phương tiện tấn công đổ bộ. Những thiết bị đó là đủ để chở một lượng khá lớn binh sĩ và các thiết bị tới các hòn đảo Nansei trong thời gian ngắn.

Tất nhiên các khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Các máy bay trực thăng của các lực lượng bộ binh Nhật Bản không có cánh gấp và do đó sẽ bất tiện trong quá trình di chuyển trên tàu và các hệ thống vô tuyến và điện tử sẽ phải được điều chỉnh để có thể chịu được không khí có độ ẩm và độ mặn cao trên biển. Nhưng Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ xoay xở được.

Ai cũng mong những điều trên đây chỉ là giả định. Trung Quốc tuyên bố rằng nước này có chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) nhưng ít khả năng Trung Quốc sẽ được lợi từ việc chiếm những hòn đảo này. Ngoài ra 15.000 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ đang có mặt tại Okinawa và Hạm đội số 7 của Hải quân Mỹ ở Yokosuka cũng đã đủ để ngăn chặn phòng ngừa Trung Quốc, bất kể có bao nhiêu binh sĩ Nhật Bản, hay thậm chí là có lực lượng Nhật trong khu vực này hay không.

Nhưng ai cũng biết rằng việc tính toán sai vẫn xảy ra.

Cách đây vài năm, một nhóm sĩ quan quân đội nước ngoài đã đến thăm một đơn vị bộ binh của lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở Kyushu chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực phía nam nước này. Phái đoàn này sau đó nhanh chóng nhận ra rằng đơn vị phòng vệ này không có kế hoạch, qui trình hay chiến lược gì để hoạt động trên các hòn đảo Nansei và không có phương tiện để tới các hòn đảo đó.

Một sĩ quan ở đơn vị này thật thà thừa nhận rằng nếu xảy ra tình huống khẩn cấp, hành động đầu tiên của ông sẽ là gọi cho các lực lượng hàng hải hoặc không quân để hỏi xem họ có tàu hay máy bay nào không.

Nhưng bây giờ chỉ cần vài bước hành động đơn giản, có thể họ sẽ không bao giờ phải thực hiện một cuộc gọi nào như vậy.


TÙNG LÂM
Theo Infonet

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te