Tại một cuộc họp giữa các bộ trưởng chiều nay (10/9), chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc.
Theo tờ Kyodo đưa tin, Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura; Ngoại trưởng Koichiro Gemba; Bộ trưởng Du lịch, Giao thông, Cơ sở Hạ tầng và Đất đai Yuichiro Hata cùng với Bộ trưởng Tài chính Azumi Jun đều có mặt trong cuộc họp đưa ra quyết định quan trọng nói trên.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda lại không tham dự cuộc họp. Vào thời điểm đó, ông Noda đang có bài phát biểu cho chiến dịch tranh cử tại một cuộc họp báo chung với 3 ứng cử viên khác. Đây là những ứng cử viên đang tham gia vào cuộc đua giành chức Chủ tịch Đảng Dân chủ cầm quyền của Nhật Bản (DPJ).
Hồi thứ Ba tuần trước, chính phủ Nhật Bản thông báo, gia đình ông Kurihara – người đang sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, đã đồng ý bán 3 trong số 5 hòn đảo chưa có người sinh sống, với giá là 2,05 tỉ Yên Nhật (26,15 triệu USD).
Chính phủ Nhật Bản sẽ quyết định dùng tiền trong quỹ dự trữ của mình để mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và sẽ ký hợp đồng chính thức với gia đình ông Kurihara trong cuộc họp nội các ngày mai (11/9).
Diễn biến mới trên diễn ra ngay sau khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vừa có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày hôm qua (9/9) để nói về lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh, dù Nhật Bản mua lại quần đảo tranh chấp bằng bất kỳ cách nào thì đó đều là “hành động bất hợp pháp, vô giá trị và Trung Quốc cực lực phản đối động thái đó”.
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ Trung-Nhật nhiều lần rơi vào căng thẳng. Cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản được châm ngòi từ sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này.
Động thái trên của các nhà hoạt động Trung Quốc đã vấp phải phản ứng vô cùng cứng rắn từ phía Nhật Bản. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã đâm thủng tàu Trung Quốc, bắn súng vòi rồng vào con tàu này và bắt giữ tất cả 14 người đi trên tàu Trung Quốc. Sau diễn biến trên Bắc Kinh đã có nhiều hành động mạnh mẽ, từ cảnh báo Nhật Bản “phải trả giá” cho đến đe dọa “chiến tranh” nhưng điều đó chẳng khiến Tokyo nao núng. Không những thế, Nhật Bản liên tục có những hành động “ăn miếng trả miếng” đầy thách thức với Trung Quốc. Việc Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chính là một trong những động thái thách thức đầy quyết liệt của nước này trước Trung Quốc.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo VNMedia