TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nhật Bản “căng mình” đối phó tàu Trung Quốc

Khi 4 chiếc tàu hải giám Trung Quốc tiến vào khu vực gần quần đảo Senkaku chiều ngày 1/10, nhân viên canh gác bờ biển Nhật Bản chỉ có thể thở dài.

“Họ lại quay trở lại rồi, đúng như tôi đã dự đoán”, một nhân viên canh gác bờ biển Nhật Bản nói.

Đến hôm 2/10, cũng 4 con tàu hải giám đó của Trung Quốc lại xâm nhập vào vùng biển Nhật Bản đi cùng với 2 tàu ngư chính. Hôm qua, 4 tàu hải giám Trung Quốc lại xuất hiện tại vùng biển gần quần đảo Senkaku.

Theo tờ nhật báo Yomiuri, Lực lượng canh gác bờ biển Nhật Bản đang “căng như dây đàn” do một loạt các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc và Đài Loan vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku. Theo các nhà phân tích thì tình hình đó có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng này tại các khu vực khác của Nhật Bản.

Nhật Bản “căng mình” đối phó tàu Trung Quốc

Các tàu hải giám và tàu ngư chính Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển quanh Senkaku hôm 18/9 – Nguồn: Reuters

Trong vòng 3 tuần lễ, Lực lượng canh gác bờ biển Nhật Bản (JCG) luôn trong tình trạng báo động cao độ kể từ khi chính phủ nước này mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc Senkaku từ một gia đình Nhật Bản hôm 11/9. JCG đã phải huy động tàu tuần tra từ các khu vực khác trên lãnh hải Nhật Bản để đối phó với một loạt các vụ xâm nhập.

Ba ngày sau khi chính phủ Nhật mua lại Senkaku, tàu hải giám Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện tại vùng biển quanh quần đảo. Bảy tiếng sau đó, thêm 6 tàu hải giám tiếp cận vùng biển này và quay trở lại vào các ngày 18/9 và 24/9.

Vào ngày 25/9, khoảng 40 tàu đánh cá và 12 tàu tuần tra Đài Loan tiến vào vùng biển quanh quần đảo và sau đó là cuộc “đấu vòi rồng” giữa tàu Đài Loan và tàu của Lực lượng canh gác bờ biển Nhật Bản.

Vào sáng ngày 26/9, tàu Trung Quốc và Đài Loan rời vùng biển này do bão lớn sắp đổ bộ.

“Các tàu hải giám Trung Quốc sẽ còn quay trở lại nhiều lần nữa nếu tình hình hiện nay không thay đổi”, một quan chức JCG nói.

Sở chỉ huy lực lượng canh gác bờ biển số 11 của Nhật Bản chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho vùng biển quanh quần đảo Senkaku. Mặc dù lực lượng này có 9 tàu tuần tra, không lúc nào toàn bộ số tàu này cùng được điều động do các con tàu cần phải nạp nhiên liệu và bảo dưỡng. Để đối phó với các cuộc xâm nhập của tàu Trung Quốc, sở chỉ huy lực lượng này phải dùng tàu tuần tuần tra từ sở chỉ huy JCG của các khu vực khác.

Trên toàn Nhật Bản, JCG có 11 sở chỉ huy như vậy và do đó có thể điều tàu tuần tra từ các khu vực khác đến đảm bảo an ninh cho vùng biển quanh Senkaku. Thông thường, các tàu tuần tra của JCG chỉ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ và đảm bảo an ninh giao thông hàng hải.

Trong khi các tàu tuần tra có kích thước khá nhỏ, các tàu tuần tra cỡ lớn có thể mang theo trực thăng và các tàu khác vẫn chưa được điều động cho các chuyến tuần tra quanh Senkaku.

Do JCG cho khu vực Senkaku chỉ có thể điều tối đa 30 tàu một lúc, cần phải có thêm 20 tàu tuần tra điều động từ các sở chỉ huy JCG khu vực khác đến bổ sung lực lượng tuần tra quanh quần đảo này.

Với con số 50 tàu tuần tra, lần đầu tiên một số tàu tuần tra lớn như vậy được điều động để đảm bảo an ninh cho lãnh hải Nhật Bản.

Trong khi JCG phải điều động tàu tuần tra từ nhiều khu vực đến bảo vệ Senkaku thì vào ngày 19/9, các tàu tuần tra của sở chỉ huy JCG số 7 ở Kitakyushu phải tham gia giải cứu 12 người Trung Quốc trên một tàu chở hàng bị bốc cháy ngoài khơi tỉnh Nagasaki.

Trong một vụ việc khác, một tàu tuần tra thuộc sở chỉ huy JCG số 2 ở Shiogama, tỉnh Miyagi phải làm nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích tại vùng biển cách đất liền 900km sau khi một tàu đánh cá và tàu chở hàng đâm nhau hôm 24/9.

“Công tác cứu hộ cùng các nhiệm vụ khác không bị ảnh hưởng”, một quan chức JCG cho biết.

Tuy nhiêu, một quan chức của sở chỉ huy JCG cấp khu vực cho rằng: “Nếu các vụ tai nạn xảy ra liên tiếp trong cùng một khu vực, thì chúng tôi không biết mình có thể ứng phó kịp không”.

LÊ DUNG
Theo Infonet

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te