Là những tàu đầu tiên được chọn để bắn tên lửa hành trình Tomahawk, việc tàu tuần dương hạm USS San Jacinto và tàu ngầm USS Montpelier đâm nhau ngày 14/10 đang gây xôn xao nước Mỹ.
Cả tuần dương hạm USS San Jacinto và tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh USS Montpelier đều là những chiếc khá hiện đại đang biên chế trong Hải quân Mỹ nên vụ va chạm hy hữu đang được điều tra kỹ lưỡng. Tàu USS San Jacinto là một trong những tàu hiện đại thuộc lớp Ticonderoga, được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn trên biển Aegis hiện đại nhất mà Mỹ đang phát triển. Trong khi đó, tàu ngầm USS Montpelier thuộc lớp tấn công nhanh cũng sở hữu những loại khí tài quân sự hết sức tối tân.
Tuần dương hạm USS San Jacinto
Là một trong những tàu chiến thuộc lớp Ticonderoga, tuần dương hạm USS San Jacinto được đặt theo tên trận đánh ở San Jacinto mang tính quyết định cho cuộc cách mạng Texas. Được biết với tái tên “San Jac”, USS San Jacinto được đóng mới ở Pascagoula, Mississippi. Việc đóng mới con tàu được bắt đầu ngày 5/10/1984 và hạ thủy hơn 2 năm sau đó, ngày 14/11/1986. Cái tên USS San Jacinto chính thức được đặt cho con tàu vào ngày 14/7/1985. USS San Jacinto được bàn giao cho Hải quân Mỹ ngày 23/1/1988 trước sự chứng kiến của Phó Tổng thống George H. W. Bush tại Houston, Texas.
Tuần dương hạm USS San Jacinto. |
Tuần dương hạm USS San Jacinto có chiều dài 173m, nơi rộng nhất 16,8m trong khi độ ngập nước tương đương 10,2m. Con tàu có tải trọng tối đa đạt 9,600 tấn với khả năng di chuyển trên 30 hải lý/giờ (56km/h). Thủy thủ đoàn làm nhiệm vụ trên USS San Jacinto bao gồm 33 sĩ quan, 27 chỉ huy và 340 binh sĩ.
Không lâu sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, con tàu được đưa tới biên chế tại biển Địa Trung Hải tháng 3/1989 và trở lại hải phận Mỹ vào tháng 10 cùng năm. Không lâu sau đó, chiến sự nổ ra giữa Iraq với Kuwait, một đồng minh Trung Đông của Mỹ. USS San Jacinto được đưa về Norfolk, Virginia để kiểm tra và trang bị vũ khí trước khi xuất kích dài ngày tới Trung Đông tham chiến.
Trong tháng 8/1990, USS San Jacinto là một trong những tàu chiến góp mặt tích cực trong chiến dịch “Bão táp Sa mạc” mà Mỹ phát động chống lại quân đội Saddam Hussein trên lãnh thổ Iraq. Trong chiến dịch này, USS San Jacinto đã chính thức trở thành ngôi sao với việc bắn 2 tên lửa hành trình mới nhất của Hải quân Mỹ là BGM-109 Tomahawk. Trong suốt chiến dịch kéo dài 43 ngày, tổng số 16 tên lửa đã được bắn từ con tàu vào các mục tiêu quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ Iraq.
Trên thực tế, thiết kế của USS San Jacinto cho phép nó mang tổng số 122 tên lửa các loại. Ngoài ra, USS San Jacinto còn được trang bị hệ thống chống ngầm tiên tiến với 2 thực thăng săn ngầm hiện đại Sh-60B Seahawks. Bên cạnh đó, con tàu còn được trang bị hệ thống phóng ngư lôi Mk-46, hệ thống phóng tên lửa Harpoon, 4 hệ thống súng máy Mk-45 và Mk-38 cùng 2 súng máy nhiều nòng có radar hỗ trợ Phalanx CIWS.
Ngoài hệ thống vũ khí, các tàu thuộc lớp Ticonderoga trong đó có USS San Jacinto còn được trang bị hệ thống radar đa nhiệm AN/SPY-1A/B, radar phòng không AN/SPS-49, radar chỉ huy hỏa lực AN/SPG-62, AN/SPQ-9, radar chống hạm AN/SPS-73, cùng tổ hợp Sonar chống ngầm AN/SQQ-89(V)1/3 - A(V)15. Ngoài ra, tuần dương hạm USS San Jacinto còn sở hữu hệ thống chiến tranh điện tử Mark 36 SRBOC và AN/SLQ-25 Nixie giúp vô hiệu hóa thiết bị của đối phương. Sau khi được trang bị đầy đủ vũ khí, tuần dương hạm USS San Jacinto có chi phí tới một tỷ USD.
Tàu ngầm hạt nhân USS Montpelier
USS Montpelier (SSN-765) là tàu ngầm hạt nhân kích cỡ trung bình, chủ yếu đảm trách vai trò tấn công nhanh vào sườn kẻ địch, gây bất ngờ cho phía đối phương, tạo ưu thế cho Hải quân Mỹ. Thuộc lớp Los Angeles, USS Montpelier (SSN-765) là tàu chiến thứ 3 của Hải quân Mỹ được đặt tên Montpelier. Nó được khởi đóng theo hợp đồng giữa hải quân Mỹ với 2 công ty đóng tàu là Newport News và Dry Dock tại bang Virginia ngày 6/2/1987.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh USS Montpelier. |
Con tàu được hạ thủy vào ngày 19/5/1989 và chính thức được đưa vào chạy thử nghiệm ngày 23/8/1991. Tháng 3/1993, Virginia USS Montpelier chính thức được biên chế trong quân đội Mỹ. Là một trong 42 tàu ngầm tấn công nhanh thuộc lớp Los Angeles đang biên chế trong Hải quân, USS Montpelier sở hữu tất cả đặc tính ưu việt của lớp tàu ngầm phổ dụng nhất thế giới (20 tàu ngầm khác thuộc lớp này đã được Hải quân Mỹ cho nghỉ hưu).
23 tàu ngầm mới nhất thuộc lớp Los Angeles trong đó có USS Montpelier được cải tiến về mặt kết cấu, giúp chúng hoạt động êm hơn so với những chiếc được sản xuất trước đó. Ngoài ra, 23 tàu được cải tiến này cũng được sửa đổi để hoạt động tốt dưới những vùng nước đóng băng tại các cực trái đất.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, các tàu thuộc lớp Los Angeles có thể hoạt động với tốc độ 25 hải lý/giờ (46km/h) nhưng chưa biết tốc độ tối đa mà nó có thể đạt được. Trong khi đó, một số tài liệu cho rằng, vận tốc nhanh nhất mà tàu thuộc lớp Los Angeles có thể đạt được là 30 – 33 hải lý.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh thuộc lớp Los Angeles có chiều dài 110,3m, nơi rộng nhất đạt 10m và cao 9,4m. Toàn bộ năng lượng cho quá trình hoạt động của tàu được cung cấp bởi lò phản ứng nhật nhân S6G. Phi hành đoàn các tàu ngầm lớp này bao gồm 12 sĩ quan cùng 98 thủy thủ. Tàu có thể lặn liên tục trong quãng thời gian 90 ngày mà không cần nổi lên tiếp dưỡng khí. Radar mà tàu ngầm lớp này được trang bị cho phép nó đảm trách nhiệm vụ chống ngầm, chống hạm và tấn công mặt đất.
Các tàu lớp này cũng sở hữu số lượng ống phóng ngư lôi với 25 ống. Ngoài ra, tất cả các tàu lớp này đều có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk. Tàu ngầm USS Montpelier cùng 30 người anh em khác được trang bị hệ thống ống phóng chuyên dụng cho loại tên lửa này. Trong khi đó, những tàu được sản xuất từ trước chỉ có thể phóng Tomahawk từ chính ống phóng ngư lôi.
Tàu ngầm USS Montpelier cũng là chiếc tàu đáng chú ý nhất trong những tàu thuộc lớp Los Angeles bởi nó vinh dự được chọn để thực hiện lần bắn tên lửa Tomahawk dành cho tàu ngầm đầu tiên. Trong “chiến dịch Iraq Tự do”, USS Montpelier đã bắn đi tổng cộng 20 tên lửa hành trình Tomahawk, đánh tan một trong những căn cứ quân sự vững chắc nhất mà quân đội Saddam Hussein xây dựng được.
Trong những ngày cuối tháng 5/2004, USS Montpelier được đưa vào xưởng đóng tàu Hải quân ở Portsmouth để trải qua quá trình đại tu, nâng cấp kéo dài và hoàn thành 3 tháng trước kế hoạch. Tháng 2/2010, con tàu chính thức trở lại Hải quân Mỹ sau thời gian sửa chữa với khoản chi phí 35 triệu USD. Khi trở lại, đặc tính và khả năng hoạt động của USS Montpelier vượt trội hơn rất nhiều so với trước đó.
Trịnh Duy
Theo Infonet