Cuộc ganh đua chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên căng thẳng do Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và dùng sức mạnh đó để bắt nạt các đồng minh của Mỹ ở châu Á, ngăn cản sự hiện diện của quân đội Mỹ ở vùng biển Hoa Đông và Biển Đông đồng thời cắt đứt con đường tiếp cận của Mỹ đến những vùng biển chung của thế giới để trở thành bá chủ trong khu vực.
Tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động hôm 25/9. |
Nhưng Hoa Kỳ đang phản công.
Chuyên gia Walter Ladwig thuộc đại học Oxford cho biết: “Chiến lược quân sự của Mỹ củng cố cho chiến lược lấy châu Á làm “trọng tâm” của chính quyền Obama vẫn được Lầu Năm Góc gọi tên là “Cuộc Hải - Không chiến” (Chiến tranh trên biển và trên không). Chiến lược đó phụ thuộc vào năng lực tầm xa của Hải quân và Không quân Hoa Kỳ, đối phó với những bãi mìn, tàu ngầm, tên lửa chống tàu và các công nghệ tiên tiến khác do các cường quốc thù địch chế tạo ra, nhằm ngăn cản quân đội Mỹ xâm nhập vào “những khu vực bị phong tỏa”. Chiến lược Hải – Không chiến đã thu hút nhiều chú ý nhất từ khu vực châu Á Thái Dương, nơi các đồng minh của Mỹ nhìn nhận chiến lược này là một con đường để đáp trả lại một Trung Quốc ngày càng thể hiện sự đối đầu (với các nước trong khu vực)”.
Để thể hiện sự ủng hộ của mình với các đồng minh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vào tháng 9 vừa qua, quân đội Mỹ đã cùng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiến hành môt cuộc tập trận chung kéo dài 1 tháng tại đảo Guam ở phía tây Thái Bình Dương nhằm củng cố năng lực bảo vệ các hòn đảo xa xôi khỏi một cuộc tấn công từ “nước ngoài”.
Cuộc tập trận chung Mỹ - Nhật diễn ra cùng thời điểm với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật được áp dụng đối với quần đảo tranh chấp Senkaku và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lean Panetta khi đến Singapore đã tuyên bố rằng 60% số tàu chiến của Mỹ, bao gồm 6 trong tổng số 11 tàu sân bay, sẽ được điều đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Về mình, Bắc Kinh nhận định chiến lược lấy châu Á làm “trọng tâm” của Tổng thống Barack Obama và chiến lược “Hải – Không chiến” của Bộ trưởng quốc phòng Panetta là bằng chứng rõ nét cho chính sách kiềm chế Trung Quốc đầy hiếu chiến của Washington.
Đáp lại theo Học viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong năm 2011, Trung Quốc đã chi 129 tỷ USD cho các lực lượng vũ trang, và một phần lớn số tiền được nước này dùng để chiếm hữu năng lực “chống tiếp cận” (phong tỏa khu vực).
Chuyên gia Ladwig chỉ ra rằng đứng từ lập trường của Trung Quốc, “không khó khăn để nhận ra Hoa Kỳ là mối đe dọa thế nào đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi Mỹ tăng ngân sách quốc phòng lên 6 lần và đã có quan hệ đồng minh hoặc đối tác chiến lược với các cường quốc quân sự lớn thứ 3, thứ 4 và thứ 5 của châu Á”.
Khi chiến lược quân sự được thực hiện núp dưới bóng ngoại giao, Bắc Kinh nhìn nhận chiến lược của Hoa Kỳ là “lấy rắc rối làm trọng tâm” đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Jian Junbo, một chuyên gia quan hệ quốc tế của Trung Quốc tại Đại học Phục Đán ở thành phố Thượng Hải, cho rằng: “Dưới góc nhìn của Trung Quốc, không phải ngẫu nhiên mà các cuộc tranh chấp chủ quyền giữa nước này với Nhật Bản và các nước láng giềng quanh Biển Đông bất chợt trở nên căng thẳng sau khi Washington tuyên bố chiến lược “quay lại châu Á” của mình. Đằng sau tất cả các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong những năm qua là cái bóng rất lớn của Hoa Kỳ, nước hiện đang “đổ thêm dầu vào lửa” cho các tranh chấp đó. Việc Hoa Kỳ thực sự không có quan điểm trung lập, các cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông đã nhanh chóng leo thang thành các cuộc xung đột nguy hiểm giữa Bắc Kinh và các láng giềng”.
Đội tàu sân bay của Hoa Kỳ. |
Theo tờ Economist, tình hình tồi tệ hơn do “chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, khiến cho mối đe dọa thêm trầm trọng. Sau khi khơi dậy tinh thần yêu nước và lợi dụng tinh thần đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bây giờ đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ nếu họ không đấu tranh để bảo vệ lợi ích của đất nước. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, hơn một nửa công dân Trung Quốc cho rằng trong vài năm tới nước này sẽ tham gia vào một cuộc “đối đầu quân sự” với Nhật Bản. Khi đó, vấn đề tranh chấp chủ quyền các hòn đảo sẽ không phải là vấn đề quyền đánh bắt cá, khai thác dầu khí mà là sự đối đầu cho bàn cờ châu Á trong tương lai. Mỗi biến cố, dù là nhỏ nhất, cũng có nguy cơ tạo ra tiền lệ. Nhật Bản, Việt Nam và Philippines lo ngại rằng nếu họ không nhân nhượng, Trung Quốc sẽ coi đó là sự yếu đuối và sẽ chuẩn bị đòi hỏi nhiều hơn nữa. Bắc Kinh thì lo sợ rằng nếu không thể thể hiện sức mạnh thì Hoa Kỳ sẽ kết luận rằng có thể tự do hành động chống lại Trung Quốc”.
“Cuộc đua lớn” của thế kỷ 21 – sự đối đầu chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ để giành vị thế cao nhất tại châu Á – đang dần lộ ra tại khu vực tây Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Ladwig, mặc dù “chiến lược quốc phòng tốt nhất” có thể sẽ vẫn là “đối thoại”, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không cho rằng mọi chuyện đều có thể được giải quyết chỉ bằng đối thoại. Và khi cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều đang chuẩn bị cho “hành động” thì khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang bước vào vòng chạy đua vũ trang mới.
Và “khu vực này càng bị quân sự hóa thì lại càng khó giải quyết các cuộc xung đột hơn”, Stephanie Kleine-Ahlbradt, một chuyên gia phân tích tình hình Trung Quốc của Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) nhận xét.
LÊ Dung
Theo Infonet