Sau nhiều năm phát triển, máy bay không người lái ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa của quân đội Mỹ.
Hồi đầu tuần, tạp chí Foreign Policy đưa tin Mỹ và Israel đang cân nhắc trong tháng này triển khai máy bay không người lái (UAV) tấn công phủ đầu nhằm vào một số cơ sở thuộc chương trình hạt nhân của Iran. Kịch bản đột kích chẳng mới mẻ gì, nhưng việc sử dụng UAV có vẻ khác so với những kịch bản tương tự từng được phân tích trước đây.
Bước ngoặt mới
Đầu năm nay, khi tình hình Trung Đông trở nên căng thẳng vì chương trình hạt nhân của Tehran, AP và tờ The New York Times từng trích ý kiến từ giới chuyên gia quân sự để phân tích các biện pháp mà Israel có thể triển khai để tấn công một số cơ sở nguyên tử của Iran. Theo đó, Tel Aviv có thể tấn công bằng tên lửa hành trình Jericho hoặc sử dụng chiến đấu cơ ném bom hạng nặng chuyên phá boong-ke do Mỹ cung cấp.
Tuy nhiên, tên lửa Jericho bị cho là còn phải hoàn thiện nhiều và chưa biết khả năng tấn công chính xác đến đâu, nên khó được xem như một giải pháp hữu hiệu. Nếu sử dụng chiến đấu cơ, máy bay của Israel phải vượt qua hành trình khá dài, tổng quãng đường đi và về lên đến 3.200 km, trong khi cần mang theo bom hạng nặng làm giảm khả năng hoạt động. Vì thế, nếu tiến hành biện pháp này, Tel Aviv phải huy động đến 100 máy bay gồm: máy bay tiếp nhiên liệu, chiến đấu cơ hộ tống và chiến đấu cơ chịu trách nhiệm tấn công mục tiêu. Lực lượng đông đảo như thế trải qua một quãng đường dài, bay trên không phận nhiều nước “hữu hảo” với Iran, sẽ ẩn chứa những rủi ro thiệt hại lớn. Cho nên, giải pháp này cũng bị đánh giá là không khả thi.
|
|
Thế nhưng, theo kịch bản mới nhất mà tạp chí Foreign Policy đề cập (sử dụng UAV), thì giới chuyên gia có vẻ tán đồng khi loại vũ khí này ngày càng thể hiện sức mạnh đáng nể. Với kịch bản này, các UAV có thể xuất kích từ những chiến hạm Mỹ đang hiện diện tại eo biển Hormuz hoặc vịnh Ba Tư để tấn công vào Iran với khoảng cách khá gần. Đồng thời, việc sử dụng UAV sẽ đảm bảo không xảy ra thiệt hại về nhân lực cho quân đội Mỹ và cũng dễ dàng “xóa dấu vết”, ít gây tác động chính trị lớn.
Thời gian qua, Mỹ và Israel hầu như chỉ sử dụng UAV để tiêu diệt mục tiêu là các nhân vật quan trọng. Vì thế, nếu Mỹ triển khai UAV tấn công phá hủy những cơ sở hạt nhân Iran thì đây là bước ngoặt mới trong chiến tranh hiện đại sau khoảng nửa thế kỷ máy bay không người lái được Lầu Năm Góc sử dụng.
Tương lai không quân Mỹ
Theo tổ chức Khoa học gia liên bang Mỹ, Lầu Năm Góc đã bắt đầu triển khai máy bay không người lái để do thám miền Bắc Việt Nam từ thập niên 1960. Điều này được giới chức quốc phòng Mỹ xác nhận trước quốc hội vào năm 1973 với lý do giảm thiểu thiệt hại sinh mạng cho phi công. Từ đó đến nay, UAV dần trở nên phổ biến hơn trong các hoạt động do thám của quân đội Mỹ. Việc điều khiển UAV cũng trở nên đơn giản hơn nhờ những thiết bị liên lạc, kết nối vệ tinh, truyền hình ảnh chất lượng cao. Với một căn phòng nhỏ cùng các thiết bị chuyên dụng, chỉ cần 1 - 2 kỹ thuật viên là có thể trực tiếp điều khiển UAV hoạt động, tiếp cận mục tiêu, chụp ảnh và thậm chí khai hỏa tấn công. Ngoài ra, UAV có thể xuất kích từ nhiều phương tiện khác nhau, thậm chí trên các tàu hộ tống. Vì thế, việc triển khai máy bay không người lái khá dễ dàng.
Với những ưu điểm trên, Mỹ đang ra sức phát triển và hiện đại hóa mạnh mẽ lực lượng UAV. Thậm chí, giới chuyên gia không quân nước này từng tiết lộ chiến đấu cơ thế hệ 6 của Mỹ sẽ có cả phiên bản không người lái.
Ngày 9.10, chuyên trang hàng không Flightglobal đưa tin Cơ quan phụ trách các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ vừa thử nghiệm thành công loại UAV tiếp nhiên liệu. Theo đó, cuộc thử nghiệm diễn ra giữa 2 UAV với nhau ở độ cao 13,4 km. Với thành công này, Lầu Năm Góc có thể tăng cường khả năng hoạt động của máy bay không người lái để hình thành nên một lực lượng UAV túc trực liên tục giữa không trung. Nhất là khi UAV không cần phải hạ cánh để phi công nghỉ ngơi như máy bay thông thường. Ngoài ra, AFP hồi cuối tháng 9 dẫn lời chuyên gia Mark Maybury, thuộc không quân Mỹ, cho biết Washington đang hướng đến phát triển UAV tự hoạt động mà không cần người điều khiển. Nếu thế hệ UAV này ra đời, Mỹ sẽ sở hữu một lực lượng “robot bay” hoàn toàn tự tác chiến với sức mạnh đáng sợ. Khi đó, một kỷ nguyên hoàn toàn mới của không quân sẽ được mở ra.
Những “sát thủ” lừng danh Hiện tại, trên thế giới, chỉ Mỹ và Israel chế tạo, xuất khẩu UAV vũ trang mang theo những loại vũ khí hỏa lực mạnh. Trong đó, Mỹ sở hữu 2 dòng UAV vũ trang, nổi danh với nhiều vụ tấn công theo kiểu tìm diệt là MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper. Mỹ chỉ xuất khẩu giới hạn 2 dòng máy bay không người lái này cho một số đồng minh thân cận. MQ-1 Predator: Bắt đầu được Mỹ triển khai từ năm 1995 nhưng đến năm 2001 thì phiên bản trang bị vũ khí mới chính thức hoạt động. Theo tài liệu từ không quân Mỹ, loại UAV này dài 8,22 m, sải cánh từ 14,8 - 16,8 m, cao 2,1 m. Về khả năng hoạt động, MQ-1 Predator đạt tốc độ tối đa 217 km/giờ, tầm bay 1.100 km và trần bay 7,6 km. Thông thường, loại UAV này có thể bay liên tục trong 24 giờ mà không cần tiếp thêm nhiên liệu. MQ-1 Predator có thể mang theo 2 tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire (tầm bắn 8 km), hay 4 tên lửa đối không AIM-92 Stinger (tầm bắn 4,5 km), hoặc 6 tên lửa đối đất AGM-175 Griffin dẫn đường bằng laser hoặc vệ tinh (tầm bắn 20 km). MQ-9 Reaper: Sau 6 năm kể từ khi bay thử, Mỹ bắt đầu triển khai loại UAV này để tác chiến vào năm 2007. Được xem là thế hệ kế tiếp của MQ-1 Predator, MQ-9 Reaper có khả năng hoạt động lẫn tác chiến mạnh mẽ hơn hẳn “đàn anh”, theo tài liệu từ không quân Mỹ, loại UAV này dài 11 m, sải cánh 20 m, cao 3,6 m. Về khả năng hoạt động, MQ-9 Reaper đạt tốc độ tối đa xấp xỉ 900 km/giờ, tầm hoạt động đạt 1.850 km, trần bay 15 km. Nó có thể hoạt động suốt 18 giờ mà không phải tiếp thêm nhiên liệu. UAV này được trang bị 7 gá treo vũ khí nên có thể mang theo 14 tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire hoặc 2 quả bom GBU-12 Paveway II dẫn đường bằng laser hoặc một số loại tên lửa khác. Hoàng Đình |
Ngô Minh Trí
Theo Thanh Niên