Hệ thống phòng thủ tên lửa SM-3 trên tàu chiến Mỹ.
Tháng 3.2012, Lầu Năm Góc tiết lộ, Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của mình trong đó có Châu Á - Thái Bình Dương với các tên lửa đánh chặn bố trí tại các căn cứ trên biển và các căn cứ ở khu vực bờ tây nước Mỹ.
Tuy nhiên, Washington không muốn và có thể không đối đầu quân sự trực tiếp với Bắc Kinh mà chỉ muốn ngăn chặn, kiềm chế, bao vây khiến Trung Quốc "phải uốn theo quỹ đạo của mình".
Bắc Kinh bày tỏ lo ngại
Liên quan đến lá chắn tên lửa Châu Á - Thái Bình Dương, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề chiến lược toàn cầu bà Madelyn Creedon cho biết, các nỗ lực xây dựng hệ thống này được đặt trong cơ chế đối thoại ba bên, một với Nhật Bản và Australia, một với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo Lầu Năm Góc, những lá chắn phòng thủ tên lửa này có thể giúp chống lại những mối đe dọa từ Iran và CHDCND Triều Tiên với các nước láng giềng và giúp bảo vệ Mỹ trước mọi cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa mà hai nước có thể phát triển trong tương lai.
Sau tuyên bố của Mỹ, Trung Quốc ngay lập tức bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng, kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Châu Á sẽ làm mất thăng bằng cán cân quân sự ở khu vực này. Để duy trì một lực lượng răn đe đáng tin cậy, Bắc Kinh không thể không hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của chiến tranh hiện đại.
Thiếu tướng Chu Thành Hổ, Học viện Quốc phòng Trung Quốc nhận định, "hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ phá hoại sự ổn định chiến lược". Viên tướng sớm nổi tiếng với sự kiện năm 2005 khi lớn tiếng tuyên bố nếu như Mỹ can thiệp quân sự vào vấn đề giải quyết xung đột giữa Đại Lục và Đài Loan thì Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Chu cho rằng "Trung Quốc cần phải nâng cao khả năng tồn tại, khả năng xuyên phá cho vũ khí hạt nhân của mình; nếu không, chúng ta không thể bảo đảm độ tin cậy của răn đe hạt nhân".
Theo tính toán của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện đang triển khai 130 - 195 tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Dự đoán mơ hồ này chứng tỏ số liệu tình báo của Mỹ về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là không chính xác hoặc không muốn công bố con số thực sự.
Cho đến nay, giới chức quân sự Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin đề cập cụ thể đến việc Bắc Kinh sẽ sử dụng biện pháp nào để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình để có thể đối phó thành công với lá chắn tên lửa mà Mỹ dự định triển khai ở khu vực này trong tương lai.
Cuộc chiến không tiếng súng?
Theo báo Nước Nga ngày nay, nếu Mỹ có thể làm cho Trung Quốc hao phí mỗi năm hàng trăm tỉ USD để tăng cường quân bị chạy đua vũ trang với mình, có thể dẫn đến sự suy yếu của nền kinh tế và các hệ quả xấu về mặt xã hội mà Washington không tốn một khẩu súng, một viên đạn nào.
Tổng GDP của Trung Quốc năm 2011 là gần 7.500 tỉ USD, chỉ bằng một nửa của Mỹ (15.100 tỉ). Hơn nữa, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để đánh giá thực chất một nền kinh tế, phải xuất phát từ GDP tính theo đầu người. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2005, số nước có thu nhập bình quân đầu người lớn hơn Trung Quốc là 127 nước.
Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ đạt 3.650 USD, còn thấp hơn 124 nước trên thế giới. Số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) năm 2009 cũng cho thấy GDP bình quân đầu người của Mỹ là 46.000 USD, sau đó là Nhật khoảng 40.000 USD, còn của Trung Quốc chỉ là 4.000 USD, trong khi GDP của Trung Quốc và Nhật Bản gần tương đương với nhau. Vì vậy, tuy hiện nay Trung Quốc được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhưng với tiềm lực thua kém quá xa, để đối đầu với Mỹ thì vẫn còn là một chặng đường dài.
Trung Quốc đầu tư hơn 100 tỉ USD cho quốc phòng năm 2012. |
Trở lại với Trung Quốc, trong năm 2011 tổng số người nghèo ở nước này được ước tính vào khoảng 250 triệu người. Sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc và hệ quả trực tiếp của nó chính là tình trạng bất ổn xã hội gia tăng tập trung ỏ các vùng kinh tế kém phát triển, GPD tính theo đầu người thấp. Theo G.S Sun Liping, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) số lượng các vụ xung đột xã hội tại nước này đã tăng lên gấp hơn 4 lần so với một thập kỷ trước đó.
Trong khi đó, hàng năm Bắc Kinh vẫn phải đổ hàng núi tiền vào mua sắm mới và đầu tư hàng tỷ USD để tự nghiên cứu, phát triển vũ khí, trang bị mới. Báo Nước Nga ngày nay dẫn lời chuyên gia chuyên gia phân tích quốc tế TS. Conn Harriman cho biết, "ngân sách quốc phòng Trung Quốc hiện đứng hàng thứ 2 trên thế giới, đã đạt tới con số 106 tỷ USD". "Đây là một nguồn ngân sách khổng lồ, nếu chuyển mục đích sử dụng, số tiền này sẽ phát huy được vai trò to lớn trong giải quyết vấn đề nghèo đói. Mà điều này lại rất có giá trị trong thời điểm suy thoái kinh tế ở Châu Á", ông Harriman nhận định.
Tình huống này gợi cho người ta nhớ đến những điểm tương đồng đã từng xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Và cựu quan chức ngoại giao Australia ông Gregory Clark cho rằng, Trung Quốc có thể vẫn sẽ tiếp tục tăng cường tiềm lực quân sự mà không quan tâm đến việc trong quá trình này sẽ xuất hiện những bất ổn kinh tế có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng về xã hội. Ông Clark nhận định, "nếu cứ tiếp tục như vậy, tôi cho rằng rồi sẽ đến lúc Trung Quốc sẽ phải trả giá, điều đó cũng một phần là do chính sách hiếu chiến của họ nữa".