Tình hình thực tế về kinh tế và địa chiến lược buộc Mỹ phải xem xét lại cách tiếp cận và sự hiện diện của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không chỉ là theo đuổi lợi ích của riêng mình mà còn phải vì lợi ích của những đồng minh. Chiến lược các tam giác đã hình thành cơ sở triển vọng địa chính trị mới cho Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vấn đề các tam giác chiến lược của Mỹ được đề cập trong bài viết của giáo sư Tanguy Struye de Swielande đăng trên tạp chí Parameters của trường Cao đẳng quân sự của Lục quân Mỹ.
Chính sách Mỹ ở Thái Bình Dương tiếp tục dựa trên tư tưởng của ông Alfred Thayer Mahan (thế kỉ 19) - chiến lược gia về biển có ảnh hưởng nhất của Mỹ - gồm: đẩy mạnh xây dựng các căn cứ hoạt động ở tiền tuyến, định vị tài sản xung quanh những điểm nghẹt thở và các đường dây liên lạc trên biển, triển khai sự hiện diện của hải quân ở tất cả các vùng biển, duy trì khả năng can thiệp vào những vị trí quan trọng về địa chiến lược.
Các tam giác chiến lược ở Thái Bình Dương
Các tam giác chiến lược của Mỹ trên Thái Bình Dương. |
Nếu các nguyên lý cơ bản của Mahan vẫn còn nguyên giá trị, thì sự ảnh hưởng của sĩ quan - nhà Trung quốc học Homer Lea (người Mỹ, 1876-1912) có thể xem là quan trọng. Trong những cuốn sách của mình, ông Lea nhấn mạnh các biên giới là những đường dây di động. Đối với một cường quốc hải quân, biên giới hàng hải được nước Anh xem là “một trong những kẻ thù của mình”. Điều này có thể áp dụng để lý giải chiến lược của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương gần đây, thể hiện khát vọng muốn bảo đảm các lợi ích quốc gia Mỹ của Lầu Năm Góc qua ba trọng tâm bình diện của quốc phòng: 1. Nhật Bản – Hàn Quốc – Đài Loan – Thái Lan – Singapore; 2. Nhật Bản – đảo Guam – Philippines – Úc; 3. Alaska - Hawaii – Samoa.
Ông Lea nhấn mạnh sự cần thiết phải dựa trên hoạt động của những căn cứ tiền tuyến trong việc hình thành một tam giác. “Chiến lược hình học” là nguyên tắc quan trọng làm cơ sở cho phần lớn các công trình của ông. Ông lập luận rằng cần phải xem xét những vấn đề sau: 1. Số lượng các căn cứ sẽ hình thành tam giác; 2. Tần suất các căn cứ chính xuất hiện tại giao điểm của những tam giác này; 3. Sự hiện diện của căn cứ kẻ thù, hoặc không, xuất hiện trong mạng lưới này; 4. Sự tăng cường sức mạnh hải quân sẽ dẫn đến sự gia tăng số lượng căn cứ.
Bằng việc hình thành vô số tam giác với đảo Guam là trung tâm tiềm năng, nước Mỹ thực sự đang thực hiện theo các lập luận của ông Lea.
Thông qua các liên minh và những thỏa thuận chính thức tại vùng đông bắc và đông nam Á, nước Mỹ muốn đa dạng hóa sự xuất hiện đa dạng và đạt được sự kiểm soát lớn hơn trong các khu vực hoạt động của mình, tương tự đối với các đường dây liên lạc trên biển. Chiến lược này bổ sung cho triết lý của nhà sử học hải quân Julian Corbett rằng: “Cách tốt nhất đối với một hạm đội đang ở trên biển là đạt được một phạm vi tối đa trong khi vẫn duy trì sự sẵn sàng tập trung chiến đấu thông qua “sự gắn kết mềm dẻo”. Có nghĩa là hạm đội này nên mở rộng càng tốt để giám sát các vùng biển, nhưng những đơn vị trong hạm đội cũng phải duy trì khoảng cách đủ gần để có thể nhanh chóng “tập trung” tại một điểm sống còn để tham gia vào lực lượng hải quân tham chiến.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến thăm căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Guam. |
Tam giác chiến lược ở Ấn Độ Dương
Trên vùng Ấn Độ Dương thì đảo san hô vòng Diego Garcia có thể được xem giữ vai trò tương tự như đảo Guam trong các tam giác chiến lược của Mỹ tại khu vực này. Tháng 10-2002, Mỹ điều quân đến Cộng hòa Djibouti (Đông châu Phi) để tham gia lực lượng liên quân Sừng châu Phi chống lại khủng bố và giám sát đường biển. Tháng 1-2008, Mỹ thiết lập Lực lượng đặc nhiệm chung (JTF) 151 để chống cướp biển. Nước Mỹ cũng có Hạm đội thứ 5 (căn cứ chính ở Bahrain) với nhiều đơn vị nhỏ hơn và các tổ chức tại khắp những quốc gia vùng Vịnh. Nước Mỹ cũng quan tâm đến đảo Socotra (Yemen) và củng cố sự xuất hiện ở Kenya (Vịnh Manda và đảo Lamu).
Theo quan điểm của Homer Lea, muốn thống trị Ấn Độ Dương thì cần phải kiểm soát tam giác Diego Garchia – Seychelles – Mauritius có vị trí chiến lược ở giữa châu Á và châu Phi. Mặc dù đảo Diego Garcia mới là địa điểm duy nhất để quy tụ các căn cứ Mỹ hiệu quả, Mỹ đang gia tăng hợp tác với Cộng hòa Seychelles để chống cướp biển. Tại Seychelles đang có nhiều máy bay do thám không người lái của Mỹ để giám sát hoạt động cướp biển trên Ấn Độ Dương. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang gia tăng sự ảnh hưởng của mình đối với hai quốc gia Seychelles và Mauritius.
Khi kiểm chứng các vị trí trung tâm và chiến lược, có thể nhận thấy Mỹ đang chọn một cách tiếp cận ở trung tâm của mạng lưới bằng việc dựa vào các đồng minh để nắm lấy trách nhiệm lớn hơn trong khu vực và để giả định chi phí liên quan cũng như rủi ro trong khu vực ảnh hưởng của họ. Do đó, Mỹ hô hào những sự hợp tác trong nội khối đồng minh và khuyến khích những đối thoại đa phương, song phương như: Úc - Nhật - Mỹ, Nhật - Ấn - Mỹ, Úc - Hàn Quốc, Úc - Nhật Bản hoặc Ấn Độ - Nhật Bản.
Việc kì vọng mạng lưới tam giác chiến lược sẽ tiếp tục hỗ trợ sự triển khai của quân đội Mỹ trong khu vực và nâng cao khả năng tương tác hiệu quả là điều hợp lý. Như Khái niệm tiếp cận hoạt động liên quân (JOAC) đã vạch ra: Một quân đội càng tích lũy được nhiều tiềm lực ở các căn cứ tiền tuyến thì quân đội đó sẽ giảm thiểu các tác động của khoảng cách xa.
Hơn thế nữa, những căn cứ tiền tuyến vĩnh viễn hoặc dài hạn sẽ trấn an các đối tác và ngăn chặn kẻ thù. Khả năng để thiết lập các căn cứ viễn chinh mới, hoặc để cải thiện những căn cứ đang hoạt động, cũng có thể được xem là một tùy chọn để ngăn chặn kẻ thù.
Đề xuất giảm ngân sách của Bộ Quốc phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của Khái niệm Thế trận không-biển. Theo đó, lực lượng Không quân và Hải quân sẽ bị cắt giảm ít hơn so với Bộ binh hoặc lính thủy đánh bộ.
Khái niệm JOAC cũng nhấn mạnh “việc hoạt động trên nhiều đường tuyến ở nhiều lãnh thổ cùng một lúc có thể giúp lực lượng liên quân áp đảo kẻ thù về sức mạnh. Hoạt động trên nhiều vị trí cũng cải thiện khả năng của lực lượng chung để tận dụng những cơ hội không thấy trước và vượt qua thất bại. Cuối cùng, sự phân tán lực lượng chung sẽ giảm thiểu những nguy cơ từ vũ khí hủy diệt hàng loạt của kẻ thù.
Những căn cứ tiền tuyến này, với khả năng chống xâm nhập hiện đại nhất, sẽ tăng cường sự bảo vệ cho các lực lượng trong khu vực. Mặc dù quyền xây dựng căn cứ có thể là một thách thức, nhưng chính sách luân phiên lực lượng tại trên cơ sở tạm thời sẽ làm dịu bớt các lo ngại. Sau cùng, chiến lược các tam giác của Mỹ sẽ trở thành hoạt động khả thi qua việc triển khai thực tế khái niệm JOAC.
Mặc dù những trung tâm quyền lực mới đang xuất hiện và các mối quan hệ đang thay đổi, nước Mỹ vẫn là một cường quốc ở Thái Bình Dương. Sức mạnh Mỹ không chỉ dựa trên những nguồn lực tự có của mình mà còn là các thỏa thuận song phương và cấp khu vực để bảo vệ lợi ích Mỹ, trong khi vẫn duy trì vị trí linh hoạt chiến lược và bảo đảm các dự án tăng cường tiềm lực thông qua những căn cứ được đặt ở tiền phương.
C.T. (dịch)//(Sài Gòn Tiếp Thị)