“Chúng tôi quan ngại về sự gia tăng căng thẳng tại Biển Đông và đang giám sát tình hình một cách chặt chẽ”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho biết trong một tuyên bố đưa ra ngày 3/8.
“Đặc biệt, việc Trung Quốc nâng cấp bộ máy hành chính của “thành phố Tam Sa” và thiết lập một đơn vị đồn quân đội mới tại đó để bao quát các khu vực tranh chấp ở Biển Đông là đi ngược lại với các nỗ lực ngoại giao phối hợp nhằm giải quyết các bất đồng và có nguy cơ đẩy căng thẳng leo thang trong khu vực”, ông Ventrell nhấn mạnh.
Người phát ngôn cũng nói thêm rằng: “Mỹ hối thúc tất cả các bên có những bước đi để giảm bớt căng thẳng”.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, kể cả những khu vực kề cận bờ biển của các nước khác. Philippines và Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc gia tăng sự quấy rối trên biển.
Mỹ đã ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng việc tăng cường quan hệ quân sự với các nước, trong bối cảnh Washington tìm cách mở rộng sự ảnh hưởng tại một khu vực nơi Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton từng tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải tại Biển Đông.
Ông Ventrell đã tái khẳng định rằng mặc dù Mỹ không có lập trường về các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhưng Washington có lợi ích trong sự ổn định và thương mại đúng luật, không bị ngăn cản tại vùng biển này.
Trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto đang ở thăm Washington ngày 3/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đánh giá cao khối ASEAN trong nỗ lực tìm kiếm một bộ quy tắc ứng cử ở Biển Đông và kêu gọi sự tiến triển hơn nữa.
“Những vấn đề đó nên được giải quyết một cách hoà bình và tuân theo một bộ quy tắc ứng cử. Và Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để hợp tác với Nhật Bản và các nước khác nhằm đảm bảo rằng đó là phương pháp tiếp cận của chúng tôi”, ông Panetta nói.
An Bình (Dân Trí)
Theo AFP