Tuần này, thế giới chứng kiến một loạt những cuộc tập trận rầm rộ với sự tham gia của hàng chục ngàn binh lính và những vũ khí hiện đại. Điều đáng chú ý là các cuộc tập trận chủ yếu diễn ra ở khu vực Châu Á đang nóng bỏng bởi các cuộc tranh chấp. Và đặc biệt, các cuộc tập trận đang diễn ra đều có sự góp mặt của Mỹ - cường quốc quân sự số 1 thế giới. Sự hiện diện quân sự dày đặc của Mỹ ở Châu Á đang khiến Trung Quốc “mất ăn mất ngủ”.
Mỹ-Nhật tập trận chiếm đảo
Các lực lượng Nhật Bản sẽ phối hợp với lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương tiến hành một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn kéo dài một tháng. Trong cuộc tập trận này, lực lượng Mỹ và Nhật Bản sẽ diễn tập các bài tập chiếm đảo.
Các binh lính thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Nhật Bản sẽ lên tàu của hải quân Mỹ ở căn cứ quân sự Okinawa. Những con tàu này sẽ khởi hành đến quần đảo Bắc Mariana và Guam để thực hiện các cuộc diễn tập quân sự chung.
Tham gia cuộc tập trận rầm rộ sắp tới sẽ có trực thăng, tàu đổ bộ và cả xuồng cao su. Lực lượng Mỹ và Nhật Bản sẽ thử khả năng đánh chiếm lại một hòn đảo bị quân của kẻ thù chiếm đóng. Cuộc tập trận này cũng thực hiện thỏa thuận hợp tác quân sự mà Nhật Bản và Mỹ ký kết hồi tháng 4.
Lực lượng hai nước Mỹ và Nhật Bản sẽ diễn tập chung với nhau ở đảo Tinian thuộc quần đảo Bắc Mariana và Guam cho đến tận ngày 26/9.
Ngoài những thông tin được cung cấp ở trên, lực lượng Mỹ và Nhật Bản không hé lộ thêm chi tiết nào quanh cuộc tập trận.
Mặc dù Mỹ, Nhật không đả động gì đến một cái tên nào khi nhắc đến kẻ thù chiếm đóng đảo giả định cho cuộc tập trận của họ nhưng một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ám chỉ, những cuộc diễn tập chung của họ với Mỹ là nhằm mục tiêu vào Trung Quốc.
Rõ ràng, Bắc Kinh không thể không cảm thấy lo ngại khi Mỹ và Nhật Bản tiến hành một cuộc tập trận chung rầm rộ với nội dung đầy hàm ý trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang leo thang nghiêm trọng vì tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh đã cảnh báo Mỹ không nên làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
|
Mỹ-Hàn tập trận chung
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc hồi đầu tuần này đã chính thức khởi động cuộc tập trận chung thường niên với mục đích được tuyên bố là để “thử” khả năng phòng vệ trước Triều Tiên. Cuộc tập trận này diễn ra bất chấp việc Nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong Un trước đó đã đưa ra một lời cảnh báo sắc lạnh dành cho Seoul và Washington.
Hơn 30.000 binh lính Mỹ và 56.000 binh lính Hàn Quốc tham gia vào cuộc tập trận mang tên Người Bảo tệ tự do Ulchi này. Theo thông báo của lực lượng Mỹ, Hàn, cuộc tập trận chung giữa họ sẽ kéo dài 12 ngày, đến hết ngày 31/8.
Tướng James Thurman, chỉ huy của 28.500 binh lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc, đã miêu tả cuộc tập trận Người Bảo vệ Tự do Ulchi là “một cuộc tập trận quan trọng nhằm củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Mỹ và Hàn Quốc ". Seoul và Washington nhấn mạnh, cuộc tập trận của họ chỉ mang tính phòng vệ trong khi Triều Tiên gọi đó là “hành động nguy hiểm có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới”.
Cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn không chỉ gây lo ngại cho Triều Tiên mà còn khiến Trung Quốc cũng cảm thấy bất an. Cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đều lên tiếng chỉ trích gay gắt cuộc tập trận này.
Triều Tiên hôm 21/8 đã lên án cuộc tập trận chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc là hành động tạo ra một kịch bản chiến tranh. Nước này thề sẽ dùng vũ lực để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Trước đó, Chủ tịch Kim Jong Un cũng đã phát đi một lời cảnh báo sắc lạnh về cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc. Theo đó, ông Kim Jong Un đã ra lệnh cho các binh sĩ Triều Tiên không được “bỏ qua bất kỳ cơ hội vàng nào để tung ra những đòn chí tử nhằm vào kẻ thù nếu họ đánh rơi dù chỉ một viên đạn vào vùng lãnh hải hoặc lãnh thổ thuộc chủ quyền của Triều Tiên”.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng dùng những lời lẽ mạnh mẽ để chỉ trích cuộc tập trận Mỹ-Hàn. Bắc Kinh cho rằng, cuộc tập trận này sẽ làm phương hại đến hòa bình và sự ổn định trong khu vực đồng thời làm phức tạp thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Theo Trung Quốc, Mỹ-Hàn tiến hành diễn tập quân sự chung để gây sức ép với Triều Tiên nhưng điều đó sẽ không có tác dụng mà sẽ có hiệu quả ngược lại là kích động Triều Tiên đáp trả.
Phản ứng tức giận của Trung Quốc là dễ hiểu bởi cuộc tập trận Mỹ-Hàn tuy không nhằm trực tiếp vào Trung Quốc nhưng cũng nhằm gián tiếp vào nước này.
Tập trận 3 bên ở Na-uy
Ngoài tham gia tập trận chung song phương với Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ còn tham gia vào một cuộc tập trận 3 bên với Na-uy và Nga. Cuộc tập trận này đã được khởi động ngày hôm qua (22/8) với bài diễn tập nhằm vào một mục tiêu nổi.
Lực lượng Hải quân 3 nước gồm Na-uy, Nga và Mỹ đang diễn tập chung với nhau ở Biển Na-uy như một phần của cuộc tập trận Đại bàng phương Bắc. Cuộc tập trận này kéo dài cho đến ngày thứ Bảy (25/8).
Ngày hôm qua, lực lượng ba nước đã thực hiện “các bài diễn tập bắn đạn nhằm vào một mục tiêu nổi” với sự tham gia của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ - USS Farragut, phát ngôn viên Hạm đội Phía Bắc của Nga – ông Vadim Serga cho biết.
Mục đích của cuộc tập trận trên là thử khả năng của các nước trong việc phản ứng với những cuộc tấn công hàng hải hay của lực lượng cướp biển cũng như diễn tập các chiến dịch tìm kiếm và giải cứu.
Kiệt Linh
Theo VNMedia