Cuối tuần qua, tờ Daily Mail dẫn thông báo từ không quân Mỹ cho hay vừa thất bại trong lần thử nghiệm chiếc X-51A có thiết kế đạt tốc độ Mach 6 (nhanh gấp 6 lần vận tốc âm thanh), tương đương 7.300 km/giờ.
Theo kế hoạch, một máy bay ném bom B-52 sẽ mang theo chiếc UAV trên được gắn kèm tên lửa đẩy. Khi đạt độ cao khoảng 15.200 m, máy bay B-52 sẽ phóng chiếc UAV cùng tên lửa đẩy. Sau đó 4 giây, tên lửa đẩy tiếp tục tăng tốc lên mức Mach 4,5 (5.500 km/giờ) ở độ cao khoảng 21.300 m để chiếc X-51A tách ra. Sau cùng, UAV này tăng tốc để đạt tốc độ tối đa là Mach 6 và bay thử trong thời gian 300 giây.
Thế nhưng, chiếc X-51A chỉ bay được khoảng 30 giây thì gặp lỗi kỹ thuật và rơi xuống vùng biển ở khu vực Point Mugu, phía tây bắc thành phố Los Angeles của bang California (Mỹ). Nếu thành công, chiếc máy bay không người lái này sẽ ghi dấu ấn tượng với tốc độ thượng thừa, cho phép di chuyển từ thành phố New York (Mỹ) sang thủ đô London (Anh) trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, chiếc máy bay thương mại siêu thanh Concorde phải mất 2 giờ 52 phút, Boeing 747 mất gần 8 giờ cho cùng khoảng cách trên.
|
Chương trình tấn công toàn cầu
Tuy nhiên, thất bại trên không hề là dấu chấm hết đối với tham vọng phát triển loại UAV X-51A của Washington. Kênh CBC dẫn lời chuyên gia Charlie Brink, thuộc Trung tâm thí nghiệm nghiên cứu không quân ở bang Ohio, tuyên bố: “Tất cả dữ liệu cho thấy chúng tôi đã tạo ra điều kiện thích hợp để đánh lửa động cơ”. Cuộc thử nghiệm vừa rồi đã đạt được bước tiến so với lần trước, diễn ra hồi năm ngoái.
Theo tờ The National Post của Canada, dự án X-51A mở ra cho Lầu Năm Góc thêm một phương tiện tấn công cực nhanh và có tính chính xác cao bằng không quân. Điều này giải quyết những hạn chế về thời gian khi tấn công bằng tên lửa từ tàu chiến hay chiến đấu cơ. Lâu nay, Washington phải điều động tàu sân bay mang máy bay chiến đấu hoặc tàu chiến tiếp cận mục tiêu thì mới có thể phóng tên lửa tấn công. Reuters dẫn lời chuyên gia Guy Ben-Ari, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định: “Sự khác biệt giữa một máy bay không người lái với một tên lửa trở nên rất mờ nhạt”. Không quân Mỹ có thể tấn công khẩn cấp khi biến chiếc X-51A thành một tên lửa có tốc độ siêu hạng. Nhờ đó, Washington có thể triệt hạ các mục tiêu, điển hình như những nhân vật nằm trong danh sách tìm diệt, ngay khi nhận được thông tin tình báo, tránh tình trạng chậm trễ khiến mục tiêu thay đổi vị trí.
Vì thế, chương trình X-51A tiêu tốn hàng trăm triệu USD này vẫn hứa hẹn nhiều điều cho Mỹ, đặc biệt đối với Chương trình tấn công toàn cầu tức thời (PGS) trong 60 phút mà Washington đang theo đuổi. Thời gian qua, nước này liên tục thử nghiệm các thiết bị bay nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh để thực hiện chương trình trên. Theo tờ The Los Angeles Times, Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA) đạt nhiều kết quả tích cực khi thử nghiệm chiếc UAV mang tên Falcon, có thiết kế tốc độ Mach 20, hồi tháng 8.2011.
Cũng vào năm ngoái, Bộ Tư lệnh chống tên lửa và phòng không, Bộ Tư lệnh chiến lược thuộc lục quân Mỹ phối hợp thử nghiệm thiết bị bay có tên Vũ khí siêu thanh tiên tiến (AHW). Washington đã thành công trong lần thử nghiệm trên khi AHW được phóng đi từ Hawaii đánh trúng mục tiêu tại Khu vực thử nghiệm Reagan, thuộc quần đảo Marshall cách đó 4.000 km. Theo chuyên trang an ninh Global Security, AHW bay nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh, đủ sức vượt 6.000 km chỉ trong 35 phút, có thiết kế hành trình bay theo 3 giai đoạn tương tự tên lửa đạn đạo.
Cũng thuộc PGS, Lầu Năm Góc hồi năm 2010 đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình cho phép bắn đến bất cứ điểm nào trên thế giới trong vòng 60 phút. Như vậy, hàng loạt cơ quan nghiên cứu của Mỹ cùng lúc phát triển nhiều loại vũ khí siêu tốc độ để phục vụ cho chương trình PGS. Đây là phần quan trọng đối với chính sách quân sự dựa trên bối cảnh Mỹ cần phản ứng tức thời nhằm đảm bảo những lợi ích của nước này trên toàn cầu.
Ngô Minh Trí
( Theo Thanh Niên Online)