Trong bài phân tích trên "Globalresearch", Tiến sĩ Paul Craig Roberts cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là một mối lợi lớn đối với tổ hợp quân sự-an ninh Mỹ. Một cuộc xung đột chiến tranh lạnh lâu dài với nước này sẽ khiến lợi nhuận lớn đổ vào túi các công ty sản xuất vũ khí của Hoa Kỳ.
Oasinhtơn đã không thể nêu rõ "số tiền cọc" của họ trong các tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Lý do Mỹ không thể xác định tại sao những tranh chấp chủ quyền biển của Trung Quốc với Philíppin và Việt Nam lại là những nguy cơ đối với Mỹ là bởi vì chẳng có lý do gì. Tuy nhiên, nguy cơ "không xác định này" đang trở thành lý do khiến Oasinhtơn cần thêm các căn cứ hải quân tại Philíppin và Hàn Quốc. Tất cả những điều trên là việc kích động một cuộc xung đột chiến tranh lạnh lâu dài với Trung Quốc, sẽ khiến cho lợi nhuận tiếp tục chảy vào tổ hợp quân sự-an ninh của Oasinhtơn. Lợi nhuận lớn đang đổ vào túi các công ty sản xuất vũ khí. Một phần của số lợi nhuận này lại chảy vào những đóng góp vận động tranh cử cho "các đại diện của người dân" tại thủ đô Oasinhtơn và các ứng cử viên tổng thống Mỹ, những người đã công khai "bán rẻ" đất nước vì các lợi ích cá nhân.
Oasinhtơn sẽ xây dựng các căn cứ hải quân mới tại Philíppin và trên đảo Jeju của Hàn Quốc. Oasinhtơn sẽ phung phí thu nhập từ thuế, hoặc in thêm tiền để xây dựng hạm đội không cần thiết cho việc triển khai tại các căn cứ mới này. Oasinhtơn cũng đang kiếm được các căn cứ tại Ôxtrâylia cho lính thủy đánh bộ Mỹ để bảo vệ Ôxtrâylia khỏi Trung Quốc, bất chấp việc không có những nguy cơ từ Trung Quốc chống lại Ôxtrâylia. G.W.Bush và B.Obama là những hình mẫu hàng đầu của "tổng thống của người dân", đã bán rẻ người dân, ở trong nước và nước ngoài, vì các lợi ích cá nhân.
Vậy tại sao Oasinhtơn lại muốn kích động một cuộc chiến tranh lạnh mới?
Câu trả lời bắt đầu từ cảnh báo của cựu Tổng thống Eisenhower với người dân Mỹ trong bài phát biểu cuối cùng của ông về tổ hợp quân sự-công nghiệp năm 1962. Ông Eisenhower đã chỉ ra rằng không giống như các cuộc chiến tranh trước đây, sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai, mà sau đó Mỹ đã phi quân sự hóa, cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô đã giữ cho quyền lực và lợi nhuận chảy vào tổ hợp quân sự-công nghiệp, hiện nay là tổ hợp quân sự-an ninh. Theo ông Eisenhower, việc quyền lực và lợi nhuận chảy vào tổ hợp quân sự-công nghiệp là một nguy cơ đối với sự phồn vinh kinh tế và quyền tự do của người dân Mỹ.
Không ai chú ý tới cảnh báo trên và tổ hợp quân sự-an ninh đã vui mừng thoát khỏi Tổng thống Eisenhower, vị tướng năm sao, người hùng của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc. Nhờ việc thổi phồng về "mối đe dọa Liên Xô", tổ hợp quân sự-an ninh đã thu được quyền lực và lợi nhuận ngày càng lớn khi người dân Mỹ phải hy sinh tương lai của họ cho lợi ích của những kẻ đã bảo vệ người Mỹ khỏi nguy cơ Liên Xô.
Thời kỳ tốt đẹp đối với các công ty sản xuất vũ khí và các cơ quan an ninh Mỹ kéo dài gần 3 thập kỷ cho đến khi cựu Tổng thống R.Reagan và Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô M. Gorbachev đạt được thỏa thuận chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Khi Liên Xô tan vỡ, triển vọng tương lai của quyền lực và lợi nhuận của tổ hợp quân sự-an ninh Mỹ trở nên u ám. 1% số người giàu nhất nước Mỹ có nguy cơ bị mất sự giàu có của họ và "chính quyền bí mật" có nguy cơ bị mất quyền lực. Khi đó, tổ hợp quân sự-an ninh đã hành động để làm sống lại nhu cầu cần phải có một ngân sách "quốc phòng và an ninh" lớn. Trong số các công cụ tự nguyện của tổ hợp quân sự-an ninh có những người bảo thủ mới, với tư tưởng của phái Jacobin trong cách mạng Pháp của họ, và lòng trung thành của Ixraen. Các nhà bảo thủ mới đã xác định Mỹ là "dân tộc không thể thiếu". Một dân tộc đặc biệt như Mỹ phải thiết lập sự bá chủ đối với thế giới như siêu cường duy nhất còn lại. Vì hầu hết những người bảo thủ mới liên minh với Ixraen, Trung Đông Hồi giáo đã trở thành mục tiêu cơ hội.
Những người Hồi giáo quá khác so với người phương Tây nên những người Hồi giáo có thể dễ dàng bị biến thành quỷ sứ. Tiến trình quỷ sứ hóa được bắt đầu trong những ấn phẩm của phe bảo thủ mới. Một khi cựu Phó Tổng thống Dick Cheney đã có những nhân viên là những người bảo thủ mới dưới chính quyền của George W. Bush, bước tiếp theo là tạo ra những "nguy cơ" đối với người Mỹ từ việc "nói ra rả" về trách nhiệm của Taliban trong các cuộc tấn công khủng bố tại Mỹ ngày 11/9/2001 và về "các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của Irắc" trong đó có các hình ảnh trong tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia của ông Bush về "những đám mây hình nấm" (bị tấn công hạt nhân) trên các thành phố Mỹ.
Không ai trong Chính phủ Mỹ, hoặc phương tiện truyền thông "tự do" Mỹ hoặc giới truyền thông của các nước là con rối của Mỹ tại Anh, châu Âu, Đài Loan, Canađa, Ôxtrâylia và Hàn Quốc bị "giật mình" trước tuyên bố của Mỹ rằng "siêu cường duy nhất của thế giới" đang bị các quốc gia như Irắc và Iran đe dọa. Theo các báo cáo rõ ràng của các thanh sát viên vũ khí, Iran và Irắc không hề có khả năng tấn công quân sự cũng như các vũ khí hiện đại.
Vậy Irắc và Iran đe dọa siêu cường kiểu gì? Chắc chắn là không có đe dọa thực sự nào.
Dường như không có ai để ý rằng những kẻ bị cáo buộc bắt cóc máy bay trong các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ là những người Arập Xêút, chứ không phải là những người Ápganixtan hay Irắc, trong khi Ápganixtan và Irắc đã bị dán nhãn là "nguy cơ khủng bố". Arập Xêút và Baranh, đang khủng bố các đối tượng của họ, lại an toàn bởi vì các nước này là những con rối của Mỹ, chứ không phải là các quốc gia độc lập. Khi nỗi lo sợ về những điều tưởng tượng ám ảnh hầu hết người dân của "siêu cường duy nhất trên thế giới", những yêu cầu về cuộc chiến tranh chống lại những kẻ thù của nước Mỹ đã lan khắp nước Mỹ. Các ruybăng nhựa "hỗ trợ binh lính" xuất hiện trên các xe ô tô tại Mỹ. Người Mỹ bước vào một cơn điên cuồng: "những người Hồi giáo" đang truy đuổi người Mỹ và người Mỹ phải chiến đấu vì cuộc sống của mình hoặc bị giết hại ở trên giường ngủ, các trung tâm mua sắm hoặc ghế ngồi trên máy bay.
Đó toàn bộ là một trò lừa bịp để thay thế mối đe dọa Xôviết bằng mối đe dọa Hồi giáo.
Vấn đề phát triển cùng với "nguy cơ Hồi giáo" là để giữ cho lợi nhuận và quyền lực chảy vào tổ hợp quân sự-an ninh, cuộc chiến tranh hứa hẹn chỉ kéo dài trong 6 tuần tại Irắc đã được kéo dài thành 8 năm. Cuộc chiến tại Ápganixtan chống lại vài nghìn tay súng Taliban được trang bị thô sơ đã kéo dài trong hơn một thập kỷ. Nói cách khác, vấn đề với các cuộc chiến tranh nóng là nhu cầu không phải giành chiến thắng, mà kéo dài các cuộc chiến (Triều Tiên, Việt Nam, Irắc, Ápganixtan đều là những cuộc chiến tranh lâu dài và không bao giờ chiến thắng) để khiến lợi nhuận và quyền lực tiếp tục đổ vào tổ hợp quân sự-an ninh và tạo ra ấn tượng toàn cầu rằng "siêu cường duy nhất" của thế giới không thể đánh bại, dù chỉ vài nghìn quân nổi dậy, được trang bị súng AK-47, chứ đừng nói đến một quân đội thực sự.
Tại Irắc và Ápganixtan, nhiều binh lính Mỹ đã bị thiệt mạng do chấn thương tinh thần và tự tử hơn là trong chiến đấu. Tại Irắc, Mỹ đang bị bẽ mặt vì phải kết thúc cuộc chiến bằng việc đưa những kẻ nổi dậy Hồi giáo dòng Sunni vào danh sách trả lương của quân đội Mỹ, trả tiền để họ ngừng giết hại binh lính Mỹ. Tại Triều Tiên, Mỹ đã bị ngăn chặn bởi một quân đội của một quốc gia lạc hậu thuộc thế giới thứ ba. Điều gì sẽ xảy ra ngày nay nếu siêu cường Mỹ đụng độ với Trung Quốc, một đất nước có nền kinh tế mà Mỹ đang phải phụ thuộc, có quy mô tương đương kinh tế Mỹ, hoạt động trên lãnh thổ của họ? Cơ hội duy nhất đối với giới lãnh đạo tại Oasinhtơn là một cuộc chiến tranh hạt nhân, sẽ có nghĩa là phá hủy toàn bộ thế giới bằng sự ngạo mạn của Mỹ.
May mà đối với Oasinhtơn, lợi nhuận quan trọng hơn việc chấm dứt sự sống trên trái đất. Vì thế, cuộc chiến với Trung Quốc sẽ được tránh, như đã tránh cuộc chiến với Liên Xô. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ được Oasinhtơn và các phương tiện truyền thông của họ, nhất là Thời báo Niu Yoóc và Bưu điện Oasinhtơn miêu tả là nguy cơ ngày càng tăng đối với Mỹ. Giới truyền thông sẽ chuyển tầm quan trọng của các đồng minh của Mỹ từ châu Âu sang các quốc gia giáp giới với Biển Đông. Tiền của những người đóng thuế Mỹ hoặc tiền mới được in sẽ chảy vào "các liên minh mới chống Trung Quốc".
Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một mối lợi lớn đối với tổ hợp quân sự-an ninh Mỹ. Trung Quốc là một sự thay thế có lợi cho nguy cơ Xôviết. Trong thời gian tới, giới truyền thông phương Tây sẽ tạo ra trong tâm trí người Mỹ về một mối đe dọa Trung Quốc. Những gì còn lại ít ỏi của tiêu chuẩn sống Mỹ có thể sẽ bị hy sinh cho sự đối đầu của Oasinhtơn với Trung Quốc, với việc các khoản lương hưu và tiết kiệm cá nhân sẽ lại bị hy sinh để ngăn chặn "nguy cơ Trung Quốc"./.
Theo Globalresearch (ngày 30/4)
Viết Tuấn (gt)
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông