TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Mỹ tăng tốc, Trung Quốc lo âu

Mỹ tự ví mình là chiếc neo cho sự ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương nhưng Trung Quốc không nghĩ thế


Trung Quốc cáo buộc Mỹ gia tăng tập trận tại châu Á để mưu đồ bá chủ. Trong ảnh: Một cuộc tập trận Mỹ - Hàn năm 2010. Ảnh: EPA/US NAVY
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bắt đầu chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 30-8. Đây là lần thứ ba kể từ tháng 5-2012, bà đến thăm châu Á trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gây hấn với láng giềng.

Chuyến đi nhiều mục đích

Được chú ý nhất chuyến công du chính là điểm dừng chân tại Trung Quốc vào ngày 4-9. Dự kiến bà Clinton sẽ gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các quan chức cấp cao để bàn về nhiều vấn đề khác nhau, dĩ nhiên không thể thiếu các điểm nóng tranh chấp trên biển.

Trong chuyến thăm châu Á lần trước vào tháng 7 của bà Clinton, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 đã không thể đưa ra tuyên bố chung về tranh chấp trên biển Đông. “Chắc chắn bà Clinton sẽ tìm hiểu hậu quả của sự cố trên” - một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ và cho biết bà sẽ bàn bạc về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) cùng Indonesia và Brunei.

Ông Ernie Bower, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS), nhận định chuyến công du của bà Clinton nằm trong nỗ lực “thể chế hóa” sự hiện diện của Mỹ tại châu Á, đặc biệt là khu vực Thái Bình Dương. “Một trong những mục tiêu chính của chuyến đi là kiềm chế Trung Quốc nhưng tôi cho rằng đó không phải là tất cả. Còn rất nhiều lợi ích tiềm tàng mà Mỹ muốn củng cố thông qua quan hệ hợp tác quân sự và kinh tế tại châu Á” - ông Bower nói.

Quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” của Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ được Ngoại trưởng Mỹ xoa dịu ở chặng cuối hành trình tại Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở thành phố Vladivostok (Nga) ngày 8 và 9-9.

Trung Quốc răn đe trước

Báo giới Trung Quốc tỏ ra không mấy thân thiện trước chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ. Bài bình luận do Tân Hoa Xã đăng tải ngày 29-8 cho rằng chuyến đi của bà Clinton nhằm “kiềm chế” Bắc Kinh và cáo buộc Washington gây rối trong khu vực. “Một mục tiêu trong chuyến công du của bà Clinton là kiềm chế tầm ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc dù chính Mỹ đang cố bảo vệ địa vị thống trị cũng như quyền bá chủ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - bài báo nhấn mạnh.

Bài viết còn nhận định Mỹ “ghen tị trước xu hướng Trung Quốc thắt chặt hợp tác kinh tế với các nước châu Á - Thái Bình Dương” nên tìm cách chia rẽ. Từ đó, Tân Hoa Xã đúc kết Mỹ đang âm mưu hưởng lợi từ các tranh chấp lãnh thổ giữa các nước châu Á và khiến các nước khác xa lánh Trung Quốc, qua đó khôi phục quyền bá chủ trong khu vực. “Mỹ không ngừng tăng cường quan hệ quân sự với các nước trong khu vực thông qua số lượng lớn các cuộc tập trận 2 năm gần đây. Cách tiếp cận của Washington không có lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như cho sự ổn định trong khu vực” - bài bình luận cáo buộc. Thậm chí, Tân Hoa Xã còn “khuyên” Mỹ nên chấp nhận sức mạnh của họ đang mai một và khẳng định Washington “không khôn ngoan” khi coi Bắc Kinh là đối thủ cũng như tìm cách chế ngự nước này.

Tuy nhiên, ông Ralph Cossa, chuyên gia phân tích an ninh của Diễn đàn Thái Bình Dương tại Hawaii, cho rằng Mỹ “để mắt” nhiều hơn không có nghĩa là muốn khống chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. “Trung Quốc nghĩ chúng tôi đang quấy rối nhưng chúng tôi chỉ thực hiện trách nhiệm của một cường quốc đối với đồng minh, tự do hàng hải và ổn định khu vực. Không lẽ Mỹ lại kìm hãm Trung Quốc bằng cách đầu tư hàng tỉ USD để giúp nước này trở thành nước công nghiệp hóa?” - ông Cossa phân tích trên Voice of America.

Mỹ Nhung
Theo Người Lao Động

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te