TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Vì sao Mỹ bán được nhiều vũ khí nhất thế giới?

Theo thống kê mới nhất, Mỹ lại đứng đầu thế giới về doanh thu bán vũ khí. Tại sao có khá nhiều quốc gia sản xuất vũ khí chất lượng mà những nước nhập khẩu lại cứ thích chọn mua của Mỹ?

Vũ khí Mỹ

Bán vũ khí bằng chính trị

Mỹ phá mọi kỷ lục về khối lượng xuất khẩu vũ khí. Theo mạng tin MVS của Mexico, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong năm 2011 đạt mức cao kỷ lục 66,3 tỷ USD, tăng ba lần so với con số 21,4 tỷ USD của năm 2010, chiếm tới 78% thị phần thế giới, và vượt xa quốc gia đứng thứ hai là Nga với 4,8 tỷ USD.

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo của Cơ quan nghiên cứu trực thuộc Quốc hội Mỹ và được đăng tải ngày 27/8 trên nhật báo New York Times, theo đó phần lớn số vũ khí xuất khẩu của Mỹ tập trung vào khu vực vịnh Pécxích, với lý do là Mỹ giúp khu vực này củng cố hệ thống phòng thủ trước sự tấn công của Iran.

Trong số các nước nhập khẩu phải kể đến Arập Xêút, Tiểu vương quốc Arập và Oman, ba quốc gia đều mua hệ thống tên lửa hiện đại và máy bay thế hệ mới của Mỹ, với giá trị tương ứng là 33,4 tỷ USD, 1,429 tỷ USD và 1,4 tỷ USD. Ấn Độ và vùng lãnh thổ Đài Loan là hai nhà nhập khẩu lớn nhất châu Á với kim ngạch lần lượt là 4,1 tỷ USD và 2 tỷ USD.

Theo kết quả điều tra của một dự án nghiên cứu độc lập có tên là Small Arms Survey 2012, kim ngạch buôn bán các loại vũ khí hạng nhẹ (được cho phép) đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 6 năm qua lên 8,5 tỷ USD, trong bối cảnh Mỹ tăng cường mua súng, đạn dược, và hoạt động mua sắm quân sự được đẩy lên để phục vụ cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Eric Berman, Giám đốc điều hành Small Arms Survey nhận định hoạt động mua bán vũ khí một cách hợp pháp có quy mô lớn hơn các vụ buôn bán "ngoài luồng". Giá trị thương mại của cả hai mảng này ghép lại ước vượt con số 10 tỷ USD.

Cũng theo Small Arms Survey 2012, các nước có kim ngạch xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ đạt trên 100 triệu USD gồm Mỹ, Italia, Đức, Brazil, Áo, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Nga, Pháp, Hàn Quốc, Bỉ và Tây Ban Nha. Trong khi đó, các nước nhập khẩu với kim ngạch ít nhất 100 triệu USD gồm Mỹ, Anh, Arập Xêút, Úc, Canada, Đức và Pháp.

Theo nhận định của các chuyên gia Nga, bán vũ khí - chủ yếu là vấn đề chính trị. Nhờ chính sách của Mỹ, công nghiệp quốc phòng của nước này trở thành rất nổi tiếng. Chuyên viên Vladimir Yevseyev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị xã hội của Nga, nói: “Khá nhiều quốc gia sản xuất vũ khí chất lượng. Chẳng hạn, vũ khí của Israel có chất lượng rất cao. Nhưng, tiềm năng của Israel và tiềm năng của Mỹ không so sánh được. Đồng thời, Mỹ thường xuyên sử dụng các yếu tố như áp lực chính trị, ví dụ trong cuộc đấu thầu về máy bay trực thăng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn chung, các quyết định về việc mua vũ khí đều mang tính chất chính trị”.

Mỹ rất khéo léo sử dụng bản đồ địa chính trị để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế Mỹ và làm thay đổi cán cân lực lượng quân sự ở các bộ phận khác nhau của thế giới. Vladimir Yevseyev nói tiếp: “Mỹ đang mở rộng phạm vi xuất khẩu vũ khí trong bối cảnh một số quốc gia tỏ ra sự lo ngại nghiêm trọng về an ninh của nước mình. Chẳng hạn, đứng trước nguy cơ bùng nổ cuộc xung đột giữa các chế độ quân chủ Arập và Cộng hòa Hồi giáo Iran, các quốc vương Arập đã thông qua quyết định mua thêm khối lượng đáng kể vũ khí Mỹ. Ở đây nói chủ yếu về vũ khí phòng thủ tên lửa”.

Năm ngoái, chỉ riêng Arập Xêút đã mua vũ khí Mỹ trị giá 33 tỷ dollar. Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Oman và Qatar cũng đã mua khối lượng lớn vũ khí Mỹ.

Tuy nhiên, số liệu của Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ không trùng khớp với số liệu của Văn phòng Hợp tác quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo Bộ Quốc phòng, trong năm qua, Washington đã ký kết các hợp đồng về cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự tổng trị giá gần 35 tỷ dollar.

Số liệu về các nước khác cũng có những khác biệt đáng kể. Ví dụ, bản báo cáo của Quốc hội Mỹ viết rằng, năm 2011, Nga đã bán vũ khí trị giá khoảng 5 tỷ USD. Con số là thấp hơn đáng kể so với thực tế. Igor Korotchenko, Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng thuộc Bộ Quốc phòng Nga, cho biết: “Các số liệu của Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ không phản ánh đúng thực trạng công việc. Nga giữ vị trí thứ hai về doanh thu với khoảng 14 tỷ dollar một năm. Đây là một dấu hiệu tốt. Và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển”.

Theo các chuyên viên, các nước mua vũ khí của Nga trước hết đánh giá cao hiệu quả, giá vừa tầm và chất lượng cao. Ngoài ra, vũ khí Nga không đòi hỏi phải xử lý quá cẩn thận. Các chuyên gia quân sự nói rằng, nếu ném khẩu AK (Kalashnikov) xuống bùn hoặc cát thì sẽ chẳng có gì. Trong khi khẩu súng của Mỹ không tha thứ cho cách đối xử như vậy.

Vũ khí lậu tràn làn

Vũ khí lậu gia tăng

Trong khi đó, theo một khảo sát được các nhà nghiên cứu độc lập công bố ngày 27/8, hoạt động buôn bán hợp pháp các loại vũ khí nhỏ, hạng nhẹ, linh kiện vũ khí và đạn dược trên thế giới đạt ít nhất 8,5 tỷ USD/năm, tăng hơn gấp đôi so với mức dự báo 4 tỷ USD đưa ra hồi năm 2006.

Báo cáo "Khảo sát Vũ khí loại nhỏ năm 2012" cho biết việc chính phủ chi "vung tay" nhất là trong các cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan, công dân Mỹ tăng cường mua vũ khí loại nhỏ và đạn dược từ nước ngoài, hoạt động trao đổi thông tin tốt hơn và cách tính giá trị các vụ giao dịch vũ khí được cải thiện.... là những yếu tố khiến kim ngạch buôn bán vũ khí tăng hơn gấp đôi so với dự báo trước đây.

Eric Berman, người đứng đầu điều hành cuộc khảo sát này, cho biết các nhà nghiên cứu phải mất 4 năm để xem xét hoạt động buôn bán vũ khí loại nhỏ trên thế giới được chính phủ cấp phép và họ đang phải nỗ lực hơn nữa để nghiên cứu hoạt động buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Phát biểu tại một cuộc họp báo tại trụ sở của Liên hợp quốc, ông Berman nói: "Chúng tôi cho rằng hoạt động buôn bán vũ khí được cấp phép có quy mô lớn hơn so với buôn bán bất hợp pháp, nhưng hoạt động buôn bán vũ khí bất hợp pháp có thể là vấn đề lớn hơn và gây phương hại nhiều hơn. Vì vậy, đây không chỉ là về vấn đề về tổng giá trị. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán rằng tổng giá trị của hai hoạt động này sẽ đạt hơn 10 tỷ USD/năm".

Dựa vào những phát hiện của 4 năm nghiên cứu, báo cáo khảo sát dự đoán kim ngạch buôn bán vũ khí hợp pháp trên thế giới hàng năm đạt ít nhất 8,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch buôn bán vũ khí loại nhỏ đạt 1,662 tỷ USD, vũ khí hạng nhẹ đạt 811 triệu USD, linh kiện vũ khí là 1,428 tỷ USD, phụ tùng vũ khí là 350 triệu USD và đạn dược đạt 4,266 tỷ USD. Ông Berman cho biết việc đạn dược chiếm hơn một nửa kim ngạch buôn bán vũ khí cho thấy đạn dược là vấn đề quan trọng trong nỗ lực giải quyết vấn đề kiểm soát vũ khí của chính phủ.

Các nhà nghiên cứu cũng công bố những phát hiện ban đầu của mình về hoạt động sử dụng bất hợp pháp các loại vũ khí hạng nhỏ và nhẹ ở Afghanistan, Iraq và Somali, đồng thời theo dõi tỉ lệ giết người ngày càng tăng tại nhiều nước Mỹ Latinh và các nước vùng Caribê.

Khảo sát Vũ khí loại nhỏ là một dự án nghiên cứu độc lập được thành lập năm 1999 với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ và sự đóng góp của chính phủ các nước như Mỹ, Úc và 8 nước châu Âu. Báo cáo khảo sát đầu tiên được công bố vào tháng 7/2001 khi các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua một kế hoạch hành động tăng cường nỗ lực cấp quốc gia, khu vực và quốc tế để giải quyết nạn buôn bán bất hợp pháp các loại vũ khí nhỏ, hạng nhẹ.

Báo cáo khảo sát mới này được công bố ngày 27/8 - ngày khai mạc hội nghị lần thứ hai của LHQ nhằm xem xét lại những tiến bộ đạt được trong việc thực thi kế hoạch hành động. Trong một thông điệp gửi tới hội nghị, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết mỗi năm có hơn nửa triệu người bị thiệt mạng (chủ yếu là dân nghèo) bởi các loại vũ khí nhỏ bất hợp pháp. Ông cho biết kể từ năm 2001, một số tiến bộ đã đạt được trong việc giải quyết vấn đề này, tuy nhiên, sự hợp tác giữa các nước trong việc truy tìm vũ khí bất hợp pháp vẫn bị hạn chế. Ông nói: "Tại nhiều nước, các kho vũ khí không được bảo vệ chặt chẽ vẫn là một nguồn cung cấp vũ khí, đạn dược cho các nhóm vũ trang, các phần tử khủng bố và tội phạm có tổ chức". Tháng trước, Hội đồng Bảo an LHQ đã không thể nhất trí về một hiệp ước mới của LHQ về điều tiết hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu.

S.Phương (Tổng hợp)
Theo Năng Lượng Mới

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te