Tuy quần đảo Cook chỉ có 11.000 người với 15 đảo bao phủ một khu vực rộng hơn Washington DC đôi chút, nhưng chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới đây nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương trong tuần này thực sự khiến dư luận quan tâm. Bởi Mỹ muốn thông qua chuyến thăm này để gửi tín hiệu thẳng tới Trung Quốc - kiềm chế ảnh hưởng và tham vọng ngày càng lớn của Bắc Kinh đối với các quốc đảo nhỏ bé trong khu vực, cũng như tại biển Đông và biển Hoa Đông.
Giới truyền thông đưa tin, trong khi Mỹ bỏ rơi những quốc đảo nhỏ bé và nghèo tại Thái Bình Dương, Trung Quốc đã củng cố mối quan hệ ngoại giao thông qua viện trợ và các thỏa thuận song phương nên ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với khu vực này ngày một gia tăng.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Theo thống kê, từ năm 2005, Bắc Kinh đã cấp khoảng 600 triệu USD tín dụng cho các quần đảo như Tonga, Samoa, Cook với những điều kiện hấp dẫn và thời hạn dài. Do đó, việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên của khu vực do Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương tổ chức (gồm 16 nước chủ yếu là các quốc đảo nhỏ cùng với Papua New Guinea và hai cường quốc khu vực là Australia và New Zealand) của Ngoại trưởng Hillary Clinton thực sự khiến dư luận chú ý. Giới chuyên môn cho rằng, mối quan tâm của Washington đến các đảo nhỏ Thái Bình Dương kể trên nằm trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama đưa ra trước đó.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Động thái kể trên của Mỹ diễn ra đúng thời điểm những tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Việc Hàn Quốc thi bóng rổ trên đảo tranh chấp với Nhật Bản thực sự khiến căng thẳng giữa 2 nước càng trở nên phức tạp. Đây là lần thứ hai Hàn Quốc tổ chức giải thi đấu thể thao tại đây. Cũng trong ngày 25/8, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin: Quân đội Hàn Quốc sẽ diễn tập quân sự thường xuyên tại vùng biển gần quần đảo Dokdo/Takeshima từ đầu tháng 9.
Dự kiến, kế hoạch diễn tập bảo vệ Dokdo/Takeshima diễn ra trong 4 ngày (từ 9/9) sẽ được quyết định tại cuộc họp thảo luận chính sách an ninh và ngoại giao của chính phủ Hàn Quốc trong tuần này. Vì khó xử trong vấn đề này nên Nhật Bản bắt đầu sửa đổi các nguyên tắc hợp tác quân sự với Mỹ. Động thái này diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto và người đồng cấp Mỹ Leon Panetta đạt được thỏa thuận hồi đầu tháng 8/2012 tại Washington về việc xem xét lại các nguyên tắc hợp tác quốc phòng song phương ký năm 1997.
Sau đó (23/8), Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, ông Shigeru Iwasaki đã có cuộc hội đàm với Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Martin Dempsey tại Lầu Năm Góc, Mỹ. Được biết, Nhật Bản vừa trả 2 tỷ yên (khoảng 25,4 triệu USD) để mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và hi vọng trong tháng 9 sẽ nắm quyền kiểm soát khu vực đang khiến mối quan hệ Trung-Nhật căng thẳng thời gian qua.
Về phần mình, tờ Giải phóng nhật báo của Trung Quốc đưa tin (26/8), quân khu Nam Kinh của Trung Quốc đã tổ chức (18/8) một cuộc tập trận tấn công đổ bộ giữa lúc căng thẳng đang gia tăng với Nhật Bản xung quanh tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Việc này diễn ra giữa lúc Bắc Kinh lên tiếng phản đối Washington can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc nhân chuyến thăm Mỹ của Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thái Anh Đỉnh (từ 20/8). Cũng trong ngày 26/8, Tân Hoa Xã đưa tin, ngày 25/8 Tân Hoa Xã đã chính thức thành lập văn phòng tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), nơi đặt trụ sở cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Được biết, sau khi thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, một mặt Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động dân sự, kinh tế, vơ vét tài nguyên và xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ máy hành chính bất hợp pháp tại đây, mặt khác cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền bóp méo sự thật về cái gọi là “chủ quyền” đối với biển Đông.
Tân Hoa Xã còn đưa tin, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) mới phê chuẩn “Quy hoạch bảo vệ sinh thái biển tỉnh Hải Nam” giai đoạn 2011-2020, trong đó Trung Quốc ngang ngược lên kế hoạch sẽ tăng cường bảo vệ sinh thái trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Giới chuyên môn cho rằng, để thực hiện tham vọng biển của mình, Trung Quốc đã và đang ráo riết tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và Hàn Quốc tại Hoàng Hải, Đông Hải. Giới chuyên gia nhận định, cùng với quá trình hiện đại hóa lực lượng hải quân, Trung Quốc đang phấn đấu trở thành một cường quốc biển.
Ngày 25/8, giới truyền thông Mỹ đã dẫn lời một số nhà phân tích quân sự cho rằng, Trung Quốc đang có bước tiến xa hơn về phát triển vũ khí mới, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm đa chức năng cho phép bắn trúng mục tiêu ở Mỹ với độ chính xác cao hơn và có thể lấn át bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.
Công nghệ vũ khí của Trung Quốc có khả năng đặt 10 đầu đạn hạt nhân thật trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Đông Phong 41 tối tân nhất cùng một loạt đầu đạn giả để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa khác. Trong bài viết trên tờ Wall Street Journal mới đây, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đã chỉ rõ sự vô lý của Trung Quốc trong việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Thượng nghị sĩ Jim Webb cho rằng, việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” tại nơi không có người bản xứ và không có nguồn nước tự nhiên, nhưng lại có đường băng quân sự là hành động bất thường và phi lý. Sở dĩ nói như vậy vì Quần đảo Hoàng Sa nằm cách hơn 200 hải lý kể từ Hải Nam, lãnh thổ cực nam của Trung Quốc và nằm trong vùng chủ quyền từ bờ biển phía Đông của Việt Nam.
Ông Jim Webb khẳng định, vì các mục đích thực tế, Trung Quốc đã đơn phương sáp nhập một khu vực mở rộng về phía Đông từ lục địa Đông Á tới Philippines, về phía Nam tới gần eo biển Malacca. Lãnh thổ mới của Trung Quốc rộng gần gấp đôi đất đai của cả Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines cộng lại
Lê Trịnh - Trọng Hậu
Theo CAND