Lá chắn tên lửa Mỹ đang 'bóp nghẹt' Trung Quốc?
Kế hoạch lập tuyến phòng thủ tên lửa hiện đại ở châu Á của Mỹ trực tiếp để đối phó với CHDCND Triều Tiên chứ không nhằm vào Trung Quốc, China Daily dẫn lời Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 25/8.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự ở cả Mỹ và Trung Quốc lại tỏ ra hoài nghi về ý định thực sự của Washington.
Họ cho rằng với khả năng quân sự hạn chế như của Bình Nhưỡng, Mỹ không cần thiết phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa tối tân như vậy, trừ phi đối thủ là Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc cũng đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan tuyến phòng thủ tên lửa một cách thận trọng, tránh để an ninh quốc gia này lại trở thành “mối đe dọa hàng đầu” của quốc gia khác.
|
Hình ảnh một số tên lửa Trung Quốc |
Trang nhất của báo Wall Street Journal đưa tin, Lầu Năm Góc sắp lắp đặt thêm một hệ thống radar cảnh báo sớm X-Band ở miền nam Nhật Bản sau khi đã triển khai hệ thống thứ nhất ở miền bắc nước này vào năm 2006.
Quân đội Mỹ cũng được nói là đang xây dựng các căn cứ ở Nam Á để phục vụ cho hoạt động của hệ thống radar X-Band với mục đích tạo lá chắn hình cung cho phép Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực “ngăn chặn hiệu quả mọi tên lửa phóng ra từ Triều Tiên hoặc Trung Quốc”.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng Philippines – quốc gia đang có xung đột lãnh thổ với Trung Quốc sẽ là địa điểm tiềm năng cho việc triển khai một hệ thống cảnh báo sớm thứ 3 ở châu Á, sau Nhật Bản.
Hôm 24/8, trong cuộc họp với người đồng nhiệm Shigeru Iwasaki đến từ Tokyo, ông Martin Dempsey – người đứng đầu Bộ tổng tham mưu Liên quân Mỹ khẳng định, Mỹ và Nhật Bản đang tích cực thảo luận các vấn đề có liên quan tới dự án lá chắn tên lửa vì “điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cả 2 nước”.
Một chuyên gia an ninh đến từ Viện Brookings (Mỹ) có tên Jonathan Pollack cũng nhận định, hệ thống radar thứ 2 sắp được lắp đặt ở Nhật Bản sẽ có khả năng hoạt động rất tốt với chức năng “ngăn chặn mối quan hệ căng thẳng ở khu vực Đông Á”.
“Do đó, việc tăng cường thảo luận với Trung Quốc nhằm đi tới sự đồng thuận trong kế hoạch này sẽ là điểm then chốt, gây nhiều áp lực lên 2 ứng viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới – Brack Obama và nghị sĩ Mitt Romney”, theo Jonathan Pollack.
Trung Quốc tỏ ra không mấy vui vẻ với lá chắn tên lửa Mỹ, Phó Giám đốc Ủy ban nghiên cứu chính sách an ninh quốc gia Trung Quốc – Li Qinggong, nói: “Hệ thống radar cảnh báo sớm là phần trọng yếu trong hệ thống phòng thủ tên lửa. Nó có thể xác định chủng loại, quỹ đạo bay và ngăn chặn tên lửa từ khoảng cách rất xa.
Với một hệ thống hiện đại và đắt tiền như vậy, sẽ thật lãng phí nếu nó chỉ để đối phó với Bình Nhưỡng. Thay vào đó, tên lửa Trung Quốc là mục tiêu chính của hệ thống này nghe có vẻ hợp lý hơn.”
|
Hệ thống radar cảnh báo sớm là trọng tâm trong kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á |
“Nó (hệ thống lá chắn tên lửa) được thiết lập nhằm ngăn ngừa mối đe dọa từ phía Triều Tiên và đã được Washington thông báo sớm với chính phủ Bắc Kinh.
Chúng tôi còn có các cuộc thảo luận thường xuyên với Trung Quốc về vấn đề này, về việc chúng tôi đang làm gì ở châu Á và tại sao lại làm như thế… một cách công khai và minh bạch “, bà Nuland, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một buổi họp báo ở Washington.
Đầu tuần, Phó Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Trung Quốc - Sái Anh Đĩnh đã tới thăm Mỹ sau chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng - Lương Quang Liệt vào tháng 5/2012.
Tuy nhiên, báo giới không đưa tin liệu vấn đề lá chắn tên lửa có được ông Sái và ông Lương đề cập tới ở Washington hay không.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Wall Street Journal hôm 24/8, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định: “ Trung Quốc hy vọng các vấn đề liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ được giải quyết một cách thận trọng trên cơ sở tôn trọng mục tiêu hòa bình chiến lược toàn cầu cũng như đẩy mạnh sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước trên thế giới.
Chúng tôi (Trung Quốc) cho rằng tất cả các bên cần tuân thủ nghiêm chỉnh những quy tắc quốc tế, cùng tôn trọng an ninh quốc gia của nhau để mọi nỗ lực thành công đều mang lại lợi ích chung.”
|
"Tên lửa Triều Tiên chưa thực sự xứng tầm với hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ" |
Bắc Kinh từng lên tiếng phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống cảnh báo X-Band đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 2006 vì lo ngại hệ thống này nhằm vào an ninh của Trung Quốc.
Trong khi đó, trên lãnh thổ châu Âu và Trung Đông, dự án tuyến phòng thủ chung của Washington cũng đang vấp phải sự “cự tuyệt thẳng thừng” từ phía Nga do chưa đưa ra được cơ sở đáng tin cậy về mục tiêu thực sự của các hệ thống này.
|
Hệ thống phòng thủ tên lửa chung ở châu Á là dự án cực kỳ "ngốn tiền" của Mỹ, điều này khiến nhiều người nghi ngờ phải chăng nó chỉ nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên? |
Hạ Giang
Theo VTC