TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Mỹ với Biển Đông - Một phần của cuộc cạnh tranh chiến lược

Vai trò quan trọng nhất của Mỹ tại Đông Nam Á/Biển Đông là kiềm chế, đối trọng và cân bằng quyền lực với Trung Quốc.

Mỹ chưa từng rời khỏi châu Á. Mỹ rời khỏi là rời khỏi Đông Nam Á sau Chiến tranh Việt Nam. Khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ “trở lại châu Á” trong dịp tham dự diễn đàn ARF tại Bangkok, tháng 7/2009, thì chính sách này chủ yếu là trở lại Đông Nam Á mà Biển Đông là một phép thử.

“Trở lại châu Á” là gì?

Chủ trương “trở lại châu Á” mang nội dung toàn diện. Đó là sự chuyển hướng trọng tâm chiến lược từ Tây sang Đông, là một sự thay đổi quan niệm về ưu tiên chiến lược. Chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có những điều chỉnh đáng kể, bằng chứng là Mỹ đã thắt chặt quan hệ với nhiều nước Đông Nam Á, đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao, tăng cường hiện diện cả về quân sự lẫn kinh tế tại khu vực này... Việc Mỹ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) mở đường cho việc Mỹ được mời làm thành viên chính thức của hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) trong kỳ họp tại Hà Nội, năm 2010.

Về mặt ngoại giao, Mỹ đã can dự ở mức cao nhất với tổ chức ASEAN. Tháng 7/2012, Ngoại trưởng Mỹ  HillaryClinton tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Campuchia, ghi nhận sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ liên tục trong 4 năm (2009-2012) tại diễn đàn này, góp phần tạo cho ARF một vị thế nổi bật trong đời sống chính trị, an ninh khu vực. Tổng thống Barack Obama nhiều khả năng sẽ tham dự hội nghị EAS vào tháng 11/2012 tại Phnôm Pênh và gặp gỡ các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên ASEAN. Đây là lần thứ hai tổng thống Mỹ tham dự EAS và lần thứ tư gặp gỡ cấp cao Mỹ-ASEAN, thể hiện sự cam kết ở cấp cao nhất của Mỹ đối với một khu vực như Đông Á và Đông Nam Á.


Đến năm 2020, 60% tàu chiến của Mỹ sẽ có mặt ở châu Á - Thái Bình Dương

Biển Đông: Từ “trung lập” sang “can dự”

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain trong bài viết “Tại sao châu Á muốn nước Mỹ?” đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 22/5/2012, cho rằng Biển Đông chính là một trong những phép thử đối với Washington về vai trò của nước này tại châu Á và Biển Đông. Ông viết: “Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở khu vực tranh chấp này và chúng ta không nên đứng về phía nào cả. Tuy nhiên, khu vực tranh chấp này nằm ngay tâm điểm lợi ích của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, không phải vì sự thông thương trị giá 1.200 tỉ USD đi qua Biển Đông mỗi năm, cũng chẳng vì Philippines là đồng minh của Mỹ, mà vì điều này là yếu tố quyết định để cho một châu Á đang trỗi dậy tránh được mặt trái của chính sách thực dụng, ở đó các nước mạnh muốn làm gì thì làm, còn nước nhỏ phải chịu thiệt thòi”. Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng tranh chấp ở đây là mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng. Nhưng Mỹ sẽ hỗ trợ các đối tác ASEAN để họ có thể đưa ra một mặt trận thống nhất và giải quyết sự khác biệt một cách hòa bình và đa phương.

Chiến lược tự nó không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nó là kết quả của tư duy chiến lược xuất phát từ thực tiễn, hình thành trong quá trình triển khai thực tiễn. 2010 là năm cột mốc quan trọng của việc xác định rõ lập trường của Washington đối với vấn đề Biển Đông.Phản ứng được chú ý nhiều nhất của Mỹ là trên bình diện chính trị ngoại giao, mở màn bằng bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tháng 6/2010 tại Diễn đàn Shangri-La, Singapore, ngày 5/6/2010. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tỏ ý lo ngại về nguy cơ Biển Đông trở thành một khu vực mà “những tranh chấp lãnh thổ có thể đe dọa đến quyền tự do lưu thông trên biển và phát triển kinh tế của khu vực”. Ông Gates nói: “Chính sách của chúng tôi là rõ ràng: Điều quan trọng là cần đảm bảo hòa bình, tự do hàng hải và hoạt động kinh tế được tự do và không bị gián đoạn. Chúng tôi không đứng về bên nào đang tham gia tranh chấp chủ quyền, nhưng chúng tôi chống lại việc sử dụng vũ lực và các hành động gây trở ngại cho tự do hàng hải. Chúng tôi chống lại mọi hành động hù dọa các công ty Mỹ hay bất cứ quốc gia nào đang có hoạt động kinh tế chính đáng tại khu vực”.

Hơn một tháng sau phát biểu gây sóng gió này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, đến lượt Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, khi dự hội nghị ARF tại Hà Nội, khẳng định Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông. “Lợi ích quốc gia” được đưa ra để đối trọng với “lợi ích cốt lõi” mà các nhà lãnh đạo cao cấp của Bắc Kinh đưa ra với Mỹ hồi tháng 3 và tháng 5/2010.

Mới đây, ngày 5/9/2012, Ngoại trưởng  Dương Khiết Trì cam kết với người đồng cấp Mỹ đang ở thăm Trung Quốc: “Tự do và an toàn hàng hải trên Biển Đông phải được bảo đảm. Đối với Trung Quốc và các nước láng giềng, Biển Đông thật sự là huyết mạch trong trao đổi hàng hóa và giao thương. Hiện tại và sau này sẽ không có vấn đề gì ở vùng biển này liên quan đến tự do hàng hải”. Nhưng lời cam kết này không làm bất kỳ một ai yên tâm. Bởi vì các sự kiện tại Biển Đông từ năm 2009 đến nay đã chỉ ra một thực tế: Các nhà chính trị ngoại giao Bắc Kinh nói một đằng, còn các tướng lĩnh đô đốc Trung Quốc lại làm một nẻo.

Các tuyên bố của Bộ trưởng Gates tại Singapore và Ngoại trưởng Mỹ Clinton tại Hà Nội vào tháng 7/2010 đã đánh dấu sự chuyển biến trong thái độ của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông, từ “trung lập” sang “can dự”.

Lá chắn tên lửa và tuyên bố tuyển cử của ứng cử viên Cộng hòa

Như từng được đề cập trong bài phân tích gần đây về Mỹ với Biển Đông, Mỹ không nhất thiết tham dự vào mọi quá trình, không nhất thiết phải dùng quân lực để trực tiếp ngăn chặn quân lực Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông, Mỹ có thể dùng các công cụ quyền lực cứng hoặc mềm để tác động vào những quá trình chính yếu ở vùng biển này. Theo nhìn nhận chung, vai trò quan trọng bậc nhất của Mỹ là kiềm chế, đối trọng và cân bằng với quyền lực với Trung Quốc. Điều này không một nước lớn nào khác có thể làm được.

Mỹ tái bố trí lực lượng quân sự ở Tây Thái Bình Dương và tập hợp lực lượng chính trị ngoại giao ở châu Á nhằm tạo ra sự răn đe tiềm ẩn đối với Trung Quốc. Mỹ mới đây tuyên bố đang lên kế hoạch mở rộng quy mô lớn hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Á dưới cái vỏ bọc “lá chắn tên lửa”. Các nhà quan sát Trung Quốc thông qua báo chí Hong Kong cho rằng quá trình thực hiện NATO phiên bản châu Á đang dần hình thành. Mỹ sẽ bố trí tại phía Nam Nhật Bản và Đông Nam Á hệ thống rađa sóng ngắn cực kỳ lợi hại. Một khi công tác bố trí hoàn tất, Mỹ sẽ thiết lập được một vòng cung án ngữ toàn bộ phía Đông và Đông Nam Trung Quốc và có thể giám sát chính xác bất kỳ một quả tên lửa đạn đạo nào được bắn từ Trung Quốc ngang qua Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc vừa rồi đã thử nghiệm thành công loại tên lửa đạn đạo mới để đối phó với lá chắn tên lửa của Mỹ.

Một tiêu điểm của cuộc tranh chấp Mỹ-Trung hiện nay có quan hệ tới vấn đề Biển Đông, đó là Trung Quốc muốn Mỹ phải tính đến sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc để không đối đầu với nước này mà đi tới sự nhượng bộ nào đó, nghĩa là Mỹ cần phải chấp nhận sự phát triển thế lực và ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney tất nhiên không chấp nhận quan điểm này khi cho rằng Trung Quốc đang tìm cách thống trị châu Á và “cần làm nhụt chí Trung Quốc đang nỗ lực thống trị các nước láng giềng”. Ông Romney đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Obama thiếu cứng rắn với Bắc Kinh và cam kết nếu đắc cử, ông ta sẽ không cho “kẻ bạo chúa giàu có biến thế kỷ 21 thành thế kỷ của Trung Quốc”(!).

Tất nhiên, từ tuyên bố tuyển cử đến triển khai thực tiễn vẫn còn một quãng đường dài, ở đấy Mỹ không còn khả năng hô phong hoán vũ, mà phải tính đến tất cả các yếu tố quan hệ, tới thực lực và lợi ích Mỹ./.

Tác giả: TS. Nguyễn Ngọc Trường
Theo Tổ Quốc


Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te