TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Biển Đông có bao nhiêu dầu mỏ?

Với việc đưa giàn khoan dầu ngoài khơi vào hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực bắc Biển Đông, với hoạt động thành công của của tàu vũ trụ Thần Châu IX và việc tàu lặn Giao Long có người điều khiển đạt tới độ sâu nhất thế giới 7000 mét tại Rãnh Mariana ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Bắc Kinh càng thêm tự tin vào khả năng Trung Quốc là nước duy nhất làm chủ được công nghệ khai thác dầu khí trong vùng Biển Đông. Sự lạc quan này đã thúc đẩy Bắc Kinh bật đèn xanh cho Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngày 25/6 ngang nhiên lên tiếng mời các tập đoàn nước ngoài vào đấu thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Nhưng, nếu thế giới tán thưởng các thành tựu chinh phục tầm cao vũ trụ và độ sâu đáy biển của Trung Quốc, thì lại phản đối hành động ngang ngược của Bắc Kinh thách thức chủ quyền biển của một quốc gia láng giềng. 9 lô dầu khí không phải nằm trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Chúng thuộc vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chỉ có Trung Quốc cố tình tạo ra tranh chấp đó với ý đồ hợp thức hóa các đòi hỏi vô lý của họ. 

Chưa có công ước quốc tế quy định việc các quốc gia Trái đất khai thác khoảng không vũ trụ, nhưng biển cả thì đã được điều tiết bởi công ước quốc tế về Luật biển 1982 và kể từ đó những vùng biển đặc quyền của các quốc gia do quốc gia giáp biển làm chủ. Nguyên tắc quan trọng nhất của Luật biển của Liên hợp quốc là quyền trên biển lấy lãnh thổ đất liền của mỗi quốc gia làm cơ sở để xác định. Theo đó, Trung Quốc chỉ có đặc quyền 10% Biển Đông.


Giàn khoan dầu biển sâu 981 hoạt động tại bắc Biển Đông: Mới đề cao thành tựu công nghệ khoan dầu nước sâu; sau gần 2 tháng hoạt động chưa thấy đề cập kết quả thăm dò. Trữ lượng dầu Biển Đông có thể không nhiều như Trung Quốc thường đưa tin

Để thực hiện tham vọng trở thành một cường quốc biển, Trung Quốc bằng mọi giá áp đặt đường lưỡi bò 9 đoạn, chiếm 80% Biển Đông, để họ có thể mở rộng vùng biển của mình tại Biển Đông khoảng hơn 2 triệu km2. Phần còn lại, họ sẽ đấu tranh giành giật từng tấc biển với các nước láng giềng ở Đông Bắc Á, mà theo Luật Biển 1982, Trung Quốc chỉ có quyền quản lí khoảng dưới 1 triệu km2. Các nước ở Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc đều căn cứ vào Luật biển 1982 để xác định vùng đặc quyền của mỗi nước. Thành ra, mấy ngày trước đây một tờ báo Trung Quốc đã nhận xét rằng Trung Quốc có bốn nước láng giềng “hay gây sự” phải đối phó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines. Sao tờ báo Trung Quốc này không thấy cái lí là chính phía họ mới là kẻ “gây sự”!

Vụ CNOOC ngày 25/6 tại Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cuộc đối đầu kéo dài hai tháng rưỡi giữa Trung Quốc với Philippines tại bãi đá ngầm Scarborough, mà Philippines khẳng định nằm trong Vùng Đặc quyền kinh tế của nước này, nói lên tham vọng bành trướng kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc. Quyết định mời thầu khai thác được công bố của CNOOC là bằng chứng nữa cho thấy quyết tâm càng ngày càng lớn của Trung Quốc trong việc áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông, bất chấp các thỏa thuận từng được cam kết, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước khác ở Biển Đông. Đây là giai đoạn mới của việc “gác mọi thứ để khai thác”. 2 triệu cây số vuông và dầu khí là mục tiêu kép mà Bắc Kinh theo đuổi. Để đạt mục tiêu này, vụ Scarborough cho thấy sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp hay nhân nhượng từ phía Bắc Kinh.

Biển Đông có bao nhiêu dầu?

Người ta vẫn chưa chắc chắn về trữ lượng dầu và khí sẽ tìm thấy tại Biển Đông. Theo số liệu của BP Statistical Review, trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông có thể thỏa mãn nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc trong 60 năm tới ở mức độ sử dụng của nước này như hiện nay. Tạp chí này nhận xét, con số dầu mỏ Biển Đông vượt qua mọi trữ lượng đã được thăm dò của bất kỳ quốc gia nào, trừ của Saudi Arabia và Venezuela. Nhận xét này tất nhiên hợp với “khẩu vị” của một số tập đoàn lợi ích ở Trung Quốc. Vì trữ lượng càng lớn càng biện minh cho chủ trương cưỡng chiếm Biển Đông. Chưa biết khai thác thực tế sẽ được bao nhiêu dầu mỏ, nhưng trước mắt những khoản kinh phí đầu tư cho chiến hạm, tàu chấp pháp, giàn khoan “khủng”… đã được rót vào các dự án.

Ở Trung Quốc không phải chỉ có một vài cơ quan dính líu đến Biển Đông. Một tờ báo Pháp tính ra có tới “9 con rồng Trung Quốc quẫy sóng Biển Đông”. Willy Lam, Giáo sư thỉnh giảng tại  Đại học Hong Kong, nhận xét trên Nhật báo Phố Uôn châu Á ngày 2/7 rằng “yếu tố then chốt khiến cho chính sách đối ngoại Trung Quốc mấy năm gần đây mang tính kích động hơn là do ảnh hưởng chưa từng có của các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc trong việc hình thành chính sách đối ngoại”, “gồm cả những tuyên bố xác định Biển Đông thuộc lợi ích cốt lõi và việc quân đội sẵn sàng sử dụng các biện pháp quân sự để đối phó với những thách thức đối với chủ quyền tại những vùng biển chiến lược”. Theo tác giả, các nhà lãnh đạo dân sự Trung Quốc tuy vẫn kiểm soát quân sự, nhưng với nền kinh tế đang phát triển chậm lại, sẽ khó mà kiểm soát được chủ nghĩa dân tộc.

Mạng Tin tức Trung Quốc ngày 27/5/2012 dẫn tin từ Cơ quan điều tra địa chất hải dương Quảng Châu thuộc Bộ Tài nguyên Đất đai Trung Quốc cho biết tàu khảo sát tổng hợp mang tên “Hải dương 6” đã được cử đến khu vực phía Bắc Biển Đông, bắt đầu thực hiện kế hoạch khảo sát và thăm dò băng cháy. Tổng Công trình sư Cục điều tra địa chất hải dương Quảng Châu cho biết, theo đánh giá sơ bộ, khu vực phía Bắc Biển Đông có lượng băng cháy vô cùng phong phú với trữ lượng khoảng 19,4 tỷ mét khối.

Người ta chỉ có thể biết chắc có bao nhiêu dầu khi tiến hành khoan trên thực địa. Còn ước tính chỉ là ước tính. Theo báo Jakarta Post, 22/6/2012, con số mà Cục tình báo năng lượng của Bộ Năng lượng Mỹ đưa ra tháng 3/2008 cho rằng trữ lượng dầu mỏ trên toàn bộ vùng Biển Đông có từ 28 tỷ thùng tới 213 tỷ thùng. Nghĩa là vênh nhau khoảng 7 lần, ít hơn so với con số của Trung Quốc. Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng con số thật có thể còn thấp hơn ước tính khiêm tốn nhất.

Về vụ CNOOC vừa rồi, tờ Nhật báo Phố Uôn châu Á ngày 28/6 đưa lại ý kiến của Simon Powell, Giám đốc bộ phận nghiên cứu dầu khí châu Á tại Ngân hàng đầu tư Mỹ CLSA, lập luận rằng đằng sau nó là lý do chính trị chứ không phải kinh tế. Ông này cho rằng trong những lô CNOOC mời thầu chủ yếu có tiềm năng khí đốt hơn là dầu mỏ, vì vậy nó ít hấp dẫn đối với các đối tác nước ngoài. Simon Powell phân tích: “Xét từ thực tế giá khí đốt tự nhiên tại Trung Quốc hiện rất thấp, khoảng cách giữa các lô này tới đất liền và sự phi kinh tế của việc đặt đường ống dẫn khí trên một đoạn đường dài như vậy, lời mời thầu  mang tính chính trị hơn là tính lợi nhuận”.

Theo Laban Yu, Giám đốc bộ phận nghiên cứu dầu khí của Tập đoàn Jefferies Hong Kong hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và bảo hiểm, “sẽ không có công ty nước ngoài nào đến đó” theo mời chào của CNOOC, một khi Việt Nam phản đối quyết liệt. “CNOOC chẳng qua chỉ thực hiện tuyên bố này theo chỉ thị của chính phủ trung ương mà thôi”.

Đây lại thêm một sai lầm nữa của các mưu sĩ ở Bắc Kinh. Chọn CNOOC có cái lợi là nếu không đạt được hiệu quả mong muốn, thì cũng không mất thể diện chính thức. Hành động này thỏa mãn được cái tình cảm nhất thời, nhưng một lần nữa làm lu mờ những ý tưởng tốt đẹp từng được các nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu lên về mong muốn “cùng thắng”, “mục lân, an lân, phú lân” và “thế giới hài hòa”./.

Người bình luận
Theo Tổ Quốc

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te