TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung Quốc: Chu kỳ khiêu khích không sớm kết thúc

 

 

Bất chấp việc vi phạm vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã đưa ra quy hoạch trung hạn về bảo vệ sinh thái biển ở Hải Nam, song không nằm ngoài việc độc chiếm các đảo và tài nguyên trên biển Đông. Nhà nghiên cứu Mỹ cảnh báo, các hành động gây hấn của Trung Quốc sẽ chưa kết thúc.

Trung Quốc: Chu kỳ khiêu khích không sớm kết thúc

Một nhóm tàu chiến Mỹ trên biển Đông.

Bảo vệ có trọng điểm các hải đảo!

Tân Hoa xã ngày 26.8 đưa tin, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) mới đây đã phê chuẩn “Quy hoạch bảo vệ sinh thái biển tỉnh Hải Nam” giai đoạn 2011-2020, trong đó Trung Quốc ngang ngược lên kế hoạch sẽ tăng cường bảo vệ sinh thái trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Công tác bảo vệ được tiến hành theo nguyên tắc “ưu tiên sinh thái, bảo vệ môi trường”, mục tiêu tổng thể là xây dựng đảo du lịch quốc tế, kết hợp giữa khai thác biển và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác quản lý môi trường ở các vùng bờ biển, vũng, vịnh và cửa sông.

Dự án quy hoạch còn yêu cầu bảo vệ có trọng điểm các hải đảo, tài nguyên thiên nhiên và hệ thống sinh thái đảo, ngăn chặn hiện tượng xâm thực đảo, đối với các đảo diện tích bị thu hẹp sẽ áp dụng biện pháp cần thiết để gia tăng diện tích phần đất bãi của đảo - những dự tính không nằm ngoài mục tiêu của Trung Quốc là muốn độc chiếm tài nguyên trên biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước.

Trong khi đó, theo mạng tin Sankei, ngày 25.8 Trung Quốc bắt đầu xây dựng các cơ sở xử lý rác thải và nhà máy xử lý nước thải cho cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hải Nam mới được thành lập trái phép trên biển Đông. Dự án trên dự kiến hoàn thành sau 1 năm. Đây được coi là dự án xây dựng hạ tầng đầu tiên kể từ khi thành phố Tam Sa được thành lập hồi tháng 7 vừa qua, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Động thái này được giới quan sát cho là nhằm tăng cường chi phối hiệu quả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi Macclesfield, cũng như giành ưu thế trong tranh chấp chủ quyền với các nước liên quan như Việt Nam và Philippines. Dù dư luận quốc tế lên tiếng mạnh mẽ, Trung Quốc vẫn ngang nhiên và cố tình tiến hành các bước liên quan nhằm mục đích hợp lý hóa “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao trùm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Va chạm trên biển đối đầu hơn

Trong một bài viết đăng trên mạng Business Insider cuối tuần qua, Brian Klein - cựu nhân viên ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh và Ấn Độ - đã viết rằng: “Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền với toàn bộ biển Đông, bất chấp bờ biển của các nước láng giềng và bỏ qua các thông lệ quốc tế”. Ông cho rằng, “không có dấu hiệu nào cho thấy chu kỳ khiêu khích và đẩy ngược sẽ sớm kết thúc. Không có gì ngạc nhiên nếu các vụ va chạm tàu cá và tàu tuần tra trở nên đối đầu hơn”.

Theo ông, Mỹ có vai trò lớn trong việc làm giảm căng thẳng ở biển Đông: “Có lẽ ảnh hưởng lớn nhất của Mỹ sẽ là kiềm chế leo thang chỉ bằng sự có mặt của Mỹ, giúp ngăn chặn quan điểm cho rằng Trung Quốc có thể phát động cuộc tấn công giới hạn nhằm vào các láng giềng mà không gây ra hậu quả”. Tuy nhiên, ông khẳng định mỗi nước cần dựa vào chính mình trước hết: “Tất cả các nước trong khu vực cần phát triển khả năng của chính mình trong khi tham gia nhiều hơn vào hợp tác quân sự trong khu vực”.

Trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tới thăm các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, một động thái được các nhà phân tích cho là nhằm làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc đảo này. Bà Hillary sẽ tới đảo Cook để dự Diễn đàn đảo Thái Bình Dương - một diễn đàn có sự tham gia của cả các nước như Australia và New Zealand.

Vài năm qua, trong khi Mỹ để các quốc đảo này rơi khỏi tầm ngắm, thì Trung Quốc đã giành được những mối quan hệ ngoại giao bằng 600 triệu USD viện trợ và cho vay ưu đãi, cũng như các thỏa thuận song phương tại đây. Chuyến thăm của bà Hillary sẽ là tín hiệu gửi tới Bắc Kinh rằng Mỹ dự định quay trở lại khu vực Nam Thái Bình Dương - một phần trong kế hoạch của Mỹ chuyển trọng tâm đối ngoại và an ninh sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Vĩnh Nguyên (tổng hợp)
Theo Báo Lao Động

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te