Trong bài phân tích "Tác động của Chiến lược quân sự mới của Mỹ đối với toàn cầu và khu vực", Tiến sĩ Subhash Kapila (Ấn Độ) nhận định tất cả các đánh giá chiến lược sẽ sai lầm nếu cho rằng cắt giảm ngân sách quốc phòng và quy mô lực lượng sẽ làm giảm vị thế là nước lãnh đạo toàn cầu và làm mất vị thế siêu cường quân sự của Mỹ.
Chiến lược quân sự 2012 của Mỹ được coi là tài liệu chiến lược chi tiết trong thế kỷ 21 ra đời sau tài liệu đánh giá các thách thức chiến lược toàn cầu đang nổi lên thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu và siêu cường quân sự của Mỹ. Nó cũng được coi như một chính sách giải thích chiến lược mặc dù Mỹ áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí quân sự và tái cơ cấu lực lượng. Các nhân tố chính để Mỹ đề ra Chiến lược quân sự mới gồm:
- Trung Quốc và Iran trở thành "mối quan tâm chiến lược" của Mỹ trong năm 2012;
- Môi trường chiến lược đang thay đổi nhanh chóng ở châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông;
- Lực lượng Mỹ rút khỏi Irắc và thành công của Mỹ ở Ápganixtan cho phép Mỹ xem xét lại sức mạnh quân sự;
- Quốc hội Mỹ yêu cầu Chính phủ cắt giảm ngân sách quốc phòng 487 tỷ USD trong 10 năm tới.
Thực tế, Mỹ đang ở thời điểm bước ngoặt chiến lược năm 2012, do đó Mỹ cần có một tài liệu chiến lược chi tiết để chỉ đạo mọi hoạt động. Tài liệu đã chỉ ra các thách thức chiến lược của Mỹ trong năm 2012 và những năm tiếp theo như sau:
- Sự phát triển của các cường quốc mới ở châu Á, trong đó chủ yếu ám chỉ Trung Quốc;
- Những thay đổi lớn liên tiếp xảy ra ở Trung Đông;
- Các hoạt động gây mất ổn định của một số nước như Iran và Bắc Triều Tiên;
- Tình trạng phổ biến các loại nhiên liệu và vũ khí hủy diệt hàng loạt;
- Chủ nghĩa cực đoan bạo lực tiếp tục là mối đe dọa của Mỹ.
Suy cho cùng, mối đe dọa chiến lược hiện nay của Mỹ là Trung Quốc và Iran. Trung Quốc không hề che giấu các mối quan tâm chiến lược của họ để thách thức sức mạnh toàn cầu duy nhất của Mỹ. Trung Quốc đã tận dụng khoảng trống chiến lược được tạo nên trong thập kỷ qua ở châu Á-Thái Bình Dương khi Mỹ bị cuốn vào hai cuộc chiến tranh Irắc và Ápganixtan. Mỹ bắt đầu triển khai tiến trình điều chỉnh sự mất cân bằng chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương và khẳng định trong Chiến lược rằng Mỹ có ý định hành động mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, Iran hiện đang nổi lên như một cường quốc khu vực ở Trung Đông bất chấp các nỗ lực ngăn chặn của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Iran cần được coi là một nhà nước có vũ khí hạt nhân, tuy khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran có thể mới ở giai đoạn đầu. Cả Trung Quốc và Iran đã và đang tạo nên sức mạnh chiến lược thù địch chống Mỹ và các nước đồng minh khu vực của Mỹ, đồng thời có ý định xóa bỏ sự vượt trội chiến lược của Mỹ trên toàn cầu. Vì vậy, để đạt được mục tiêu chiến lược "Duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ" trong thế kỷ 21, Mỹ phải vô hiệu hóa mối đe dọa của Trung Quốc và Iran. Trên cơ sở phân tích các tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng và các quan chức quân sự cấp cao khác của Mỹ, các chuyên gia cho rằng lựa chọn chiến lược hiện nay của Mỹ là: do cắt giảm lớn về quy mô lực lượng tác chiến của Lục quân và Lính thủy đánh bộ, Lầu Năm Góc đang từ bỏ kiểu Cơ cấu tổ chức lực lượng tác chiến và đánh thắng 2 cuộc chiến tranh lớn cùng một lúc. Nhận thấy điều này có thể gây hiểu lầm rộng rãi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ sẽ duy trì khả năng tiến hành một số cuộc chiến tranh cùng một lúc. Để nhấn mạnh vấn đề, ông ta khẳng định Mỹ sẽ không chống lại các mối đe dọa đã từng tồn tại trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh mà tổ chức lực lượng để tác chiến và đánh thắng các thách thức trong thế kỷ 21. Chương trình cắt giảm quy mô lực lượng của Lính thủy đánh bộ và Lục quân Mỹ cho thấy Mỹ sẽ không duy trì quy mô lực lượng lớn và các chiến dịch ổn định lâu dài trên các chiến trường như Irắc và Ápganixtan. Nhưng điều đó không có nghĩa Mỹ sẽ cắt giảm gần như toàn bộ quy mô lực lượng Lính thủy đánh bộ và Lục quân. Mục đích cắt giảm quy mô lực lượng này của Mỹ nhằm nâng cao sức mạnh và khả năng tác chiến của các đơn vị.
Các chiến lược quân sự trong tương lai của Mỹ sẽ lệ thuộc vào việc sử dụng sức mạnh tổng hợp của lực lượng Không quân, Hải quân và Lực lượng đặc nhiệm của quân đội Mỹ. Do đó, các lực lượng này không những không bị cắt giảm mà có thể còn được đầu tư lớn hơn nữa. Theo phương hướng này, Mỹ bắt đầu thúc đẩy và hoàn thiện "Học thuyết tác chiến trên không-trên biển" để thay thế "Học thuyết tác chiến trên bộ-trên biển" của Mỹ đang được NATO áp dụng. Để thực hiện chiến lược, Mỹ tính toán dựa vào các nước đồng minh khu vực, đồng thời thúc đẩy và xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược mới để thay thế lực lượng Mỹ trên tất cả các chiến trường. Về những thay đổi chiến lược khu vực, Chiến lược quân sự mới của Mỹ đề ra những ưu tiên chiến lược dưới đây:
- Tăng cường sự hiện diện quân sự, các khả năng nâng cao sức mạnh tác chiến và sức mạnh ngăn chặn ở châu Á-Thái Bình Dương;
- Chú trọng duy trì sự hiện diện và các khả năng quân sự của Mỹ ở Trung Đông rộng lớn hơn;
- Cắt giảm và bố trí lại lực lượng quân sự ở châu Âu và khẳng định NATO tiếp tục là một "Liên minh hạt nhân" chừng nào các loại vũ khí hạt nhân còn tồn tại trên toàn cầu.
Nhưng Chiến lược quân sự năm 2012 của Mỹ có những tác động toàn cầu. Trước hết, cắt giảm quy mô lực lượng và những thay đổi chiến lược khu vực dẫn đến tư tưởng cho rằng Mỹ không còn khả năng duy trì vai trò lãnh đạo cũng như sức mạnh quân sự vượt trội trên toàn cầu. Năm cường quốc: Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Ấn Độ đều nằm trong mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng phát triển với Mỹ. Do đó, 5 cường quốc này không phải là mối đe dọa chiến lược đối với Mỹ. Với Nga, mặc dù đang khôi phục chiến lược nhưng Nga không có ý định và cũng chưa có đủ khả năng để thách thức sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ như trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc, cường quốc duy nhất có chương trình hiện đại hóa quân sự chiến lược và sức mạnh chiến lược, đang có ý định thách thức vị thế bá chủ thế giới của Mỹ và tìm cách buộc Mỹ rút khỏi Đông Á. Do vậy, Chiến lược quân sự mới của Mỹ không những có tác động toàn cầu mà còn ảnh hưởng đến sự lãnh đạo toàn cầu và sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ. Bên cạnh đó, Chiến lược quân sự 2012 của Mỹ cũng gây nên những tác động khu vực, trong đó đặc biệt đối với châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông. Chiến lược này thể hiện rõ Mỹ có ý định tăng cường quy mô lực lượng, các khả năng nâng cao sức mạnh tác chiến và ngăn chặn ở châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, cuộc đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ ngày càng trở nên quyết liệt trong thế kỷ 21. Mặc dù chưa xuất hiện một cuộc xung đột vũ trang toàn diện, nhưng một cuộc chiến tranh lạnh mang tính chiến lược sẽ xảy ra. Trung Quốc có thể đẩy mạnh chiến lược chính sách bên miệng hố chiến tranh truyền thống ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt ở Biển Đông. Nhưng thực tế, Trung Quốc không có nhiều đồng minh tự nhiên ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoài Bắc Triều Tiên và Pakixtan. Trong khi đó, Mỹ xem xét lại và tăng thêm sức mạnh mới cho cơ cấu an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoài việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và Mianma. Tại Trung Đông, mặc dù không tăng cường sức mạnh quân sự như đã khẳng định, nhưng Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì quy mô lực lượng quân sự hiện nay trong khu vực. Nên nhớ, ở Trung Đông, bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút giảm bớt mối quan hệ chiến lược của họ với Mỹ, các nước đồng minh châu Âu thường xuyên ở đó để lấp đầy khoảng trống quân sự. Ixraen sẽ tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho sức mạnh quân sự của Mỹ ở Trung Đông. Nhưng vấn đề cần lưu ý là, các cường quốc khu vực khác ở châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc và Iran. Thực tế, Trung Quốc đã sử dụng Iran như một mũi nhọn phản chiến lược chống Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.
Tóm lại, tất cả các đánh giá chiến lược sẽ sai lầm nếu cho rằng cắt giảm ngân sách quốc phòng và quy mô lực lượng sẽ làm giảm vị thế là nước lãnh đạo toàn cầu và làm mất vị thế siêu cường quân sự của Mỹ. Sức mạnh toàn cầu của Mỹ chắc chắn không giảm. Mặc dù không chính thức và thông qua các phương tiện truyền thông, hiện nay Trung Quốc đang đặt câu hỏi làm sao Mỹ có thể duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu bằng một nền kinh tế yếu kém? Câu trả lời nằm trong thực tế ở châu Á-Thái Bình Dương, hiện nay nhiều nước đang hợp tác với Mỹ vì nhận thấy mối đe dọa của Trung Quốc. Trung Quốc không thể bảo đảm chiến lược hoặc kinh tế cho các nước này, trong khi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực là có thể.
Theo Eurasiareview (20/1)
Vũ Hiền (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông