Syria tuy là "điểm nóng" nhất hiện nay tại Bắc Phi - Trung Đông với những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân Chính phủ và lực lượng nổi dậy, song do những toan tính lợi ích của các cường quốc, nên một cuộc can thiệp giống như tại Libya vẫn chưa thể xảy ra.
“Đường đến Damas”... gập ghềnh khó đi
Thực tế, theo ông Guilhou, từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi chết, các nước phương Tây đều "lên đường đến Damas". Thậm chí, ở đây còn diễn ra chiến dịch tuyên truyền ồn ào và hoạt động ngoại giao giống như trong vụ Libya với những cảnh dàn dựng hàng ngày về nỗi kinh hoàng do chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad gây ra. Dĩ nhiên, theo kịch bản ấy, ông Assad và những người thân cận nhất của ông trong cộng đồng người Alawite, không phải là những người theo khuynh hướng dân chủ mà chỉ muốn bảo vệ lợi ích của mình. Song nhà phân tích Guilhou cũng cảnh báo rằng sẽ là sai lầm nếu coi những người chống đối ông Assad là các nhà dân chủ hay những gì họ làm trên thực địa là điềm báo hiệu sẽ xảy ra hỗn loạn chính trị như ở Libya. Vì sao ư?
Thứ nhất, theo ông Guilhou, nắm được ý đồ của các nước phương Tây là muốn giải quyết nhanh vấn đề Syria, cụ thể là thay đổi cách lãnh đạo, nên các tổ chức thuộc Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đã phối hợp với kênh truyền hình Al Jazzera dàn dựng cảnh thắng trận của Quân đội Syria tự do trên thực địa ở Aleppo cũng như các vụ đào tẩu của một số nhà lãnh đạo tại Damas. Nhưng liệu có ai đề cập đến môi trường xung quanh số ít lãnh đạo SNC, vốn là những người rất gần gũi với Tổ chức Anh em Hồi giáo, được các nước giàu dầu mỏ và phương Tây tài trợ… Vì vậy, vấn đề Syria không nằm ngoài quy luật các chiến dịch địa chính trị và chắc chắn cũng tồn tại mọi hình thức bóp méo thông tin.
Thứ hai, Syria không phải là Libya và không nên nghĩ rằng chỉ cần sao chép đúng phiên bản quân sự-ngoại giao là đủ để giải quyết vấn đề trong một vài tuần lễ. Hơn nữa, Syria còn nằm ở vị trí quan trọng liên quan đến lợi ích của nhiều nước lớn. Thực tế, bản thân cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ của Syria có lẽ đã không được các cường quốc khu vực và thế giới chú ý nhiều đến như vậy vì cái cớ "đàn áp thô bạo thường dân" không phải là hiện tượng hy hữu trong các nước Trung Đông. Song Syria trở nên đặc biệt và thu hút sự chú ý chiến lược của các nước như Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông vì nước này có quan hệ chiến lược với Iran và Nga.
Ván bài quyền lực
Trong lịch sử nói chung từ chiến tranh lạnh đến nay, Mỹ luôn coi Syria là nước đối địch trong tính toán chiến lược của Mỹ ở khu vực, trừ khoảng thời gian ngắn khi nước này tán thành đứng trong Liên minh của Liên Hợp Quốc trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất. Mỹ luôn chống Syria về mặt chiến lược vì Damacus có quan hệ chiến lược và chính trị gần gũi với Nga. Điều quan trọng hơn là sự thù địch không ngừng của Syria đối với Israel. Sự chiếm đóng quân sự ở Lebanon trong một thời gian dài và gần đây là gắn kết chiến lược với Iran,... tất cả sự kết nối này tạo ra thế đối đầu và thù địch trong nhận thức của Mỹ.
Nga đã có những đầu tư chiến lược đáng kể ở Syria, một nước Ảrập hàng đầu bị coi là thù địch trong tính toán chiến lược của Mỹ. Vì vậy, Syria trở thành tài sản chiến lược có giá trị đối với Nga. Về phương diện quân sự, Syria mang lại vị thế cho Nga ở khu vực thông qua việc tạo thế đứng cho Hải quân Nga ở Địa Trung Hải. Gần đây, Nga cũng đã bày tỏ cam kết chiến lược đối với Syria khi các tàu chiến của lực lượng hải quân Nga được phép ghé thăm các căn cứ ở Syria nhằm đánh đi tín hiệu Mátxcơva sẽ không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp bằng quân sự của nước ngoài nào chống lại Syria.
Tuy xa cách về địa lý và cũng không có khả năng biểu dương sức mạnh quân sự như Nga, song Trung Quốc có sức mạnh chính trị và kinh tế, có thể làm đối trọng đặc biệt ở Trung Đông bằng cách hợp tác và phối hợp với Nga. Điều này được thể hiện rõ qua việc phủ quyết kép của Nga và Trung Quốc gần đây đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm ép thay đổi chế độ ở Syria.
Còn ở khu vực, ba đối thủ đang chạy đua chức quán quân ưu thế chiến lược trong ván bài quyền lực ở Trung Đông là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Trong ba đối thủ này thì Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể được coi là những đối thủ thực thụ. Còn Saudi Arabia, ngoại trừ tiềm năng tài chính, không có được các đặc tính của một cường quốc khu vực tính theo cơ sở dân số và lực lượng quốc phòng.
Vì sao Syria trở thành trung tâm?
Không phải là một ứng viên cường quốc khu vực, làm thế nào Syria trở thành trung tâm ở Trung Đông?
Có thể nói, tuy không phải là ứng viên cường quốc khu vực, nhưng Syria lại là đối trọng nặng ký cho bất cứ bên nào Syria ngả theo. Hiện nay, Syria nghiêng cán cân chiến lược về phía Iran và đó chính là nguồn gốc rắc rối mà nước này phải đối mặt. Thật vậy, Syria nghiêng về Iran đã tạo cho Iran một số lợi thế. Thứ nhất, Syria mang lại cho Iran một sức mạnh chiến lược quan trọng chống lại Israel. Thứ hai, ảnh hưởng lớn của Syria ở Lebanon cùng với ảnh hưởng của Iran với lực lượng vũ trang trong Hezbollah ở nước này càng làm cho mối đe dọa của Iran đối với Israel trở nên mạnh mẽ hơn. Thứ ba, Syria cung cấp cho Iran đường biển vào Địa Trung Hải.
Thêm nữa, do sự thù địch giữa thế giới Ảrập và Israel vốn là một câu chuyện bất tận trong lịch sử Trung Đông từ năm 1948 đến nay, nên sự liên kết Iran và Syria đã cho thấy tình đoàn kết Hồi giáo chống lại Israel. Vì vậy, có thể nói rằng vai trò trung tâm của Syria không hạn chế trong thế giới Ảrập mà còn mở rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông.
Rõ ràng, Syria đang bị cuốn vào trò chơi quyền lực khu vực và quốc tế chưa từng có ở Trung Đông. Đối với Mỹ và Israel cũng như các nước đang cạnh tranh vai trò cường quốc khu vực với Iran như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, sự cô lập chiến lược khu vực đối với Iran sẽ không đầy đủ nếu không cắt đứt được quan hệ giữa Syria và Iran. Song nếu quyết tâm cô lập Iran thông qua việc cắt đứt quan hệ giữa Syria và Iran bằng việc thay đổi chế độ Bashar al-Assad, Mỹ sẽ quá mạo hiểm. Syria không phải là một Libya để họ có thể tiến hành phiêu lưu quân sự. Hậu quả khó lường nếu chính phủ Assad đổ sẽ tạo hỗ đứng cho Al-Qaeda, lực lượng khủng bố cũng muốn thay đổi chế độ ở Syria. Chắc chắn, Mỹ không mong muốn điều đó xảy ra.
Đặc biệt, mặc dù sự thay đổi thể chế ở Syria sẽ có thể mang lại lợi ích cho Mỹ và phương Tây, nhưng trong ván cờ quyền lực thế giới, Syria không phải là một quân cờ chiến lược "vô chủ" vì Syria được cả Nga và Trung Quốc ủng hộ. Thêm nữa, trong bối cảnh cả Mỹ và phương Tây đều phải dành ưu tiên cho các vấn đề sống còn như nợ công, thất nghiệp, bế tắc tại chiến trường Libya, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần..., việc đơn phương tấn công Syria sẽ là một hành động liều lĩnh, điều mà cả Tổng thống Obama lẫn các đồng minh đều không dại gì tiến hành.
Tuần qua, truyền thông thế giới rộ tin đồn nguy cơ chiến tranh Syria-Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) sau khi một quả đạn cối được bắn từ Syria vào làng Akcakale gần biên giới khiến 5 người TNK thiệt mạng hôm 3/10. Căng thẳng leo thang khi Quốc hội TNK tối 4/10 đã thông qua dự luật cho phép quân đội tiến hành các hoạt động quân sự bên trong Syria, sẵn sàng bước vào cuộc chiến với láng giềng.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Syria hiện sở hữu một trong những quân đội mạnh nhất khu vực với 4.950 xe tăng, 550 máy bay chiến đấu, 790 tên lửa đất đối không, 8.000 tên lửa vác vai, 84 tên lửa đạn đạo chiến thuật... Phương Tây cũng nghi ngờ Syria đang sở hữu một kho vũ khí hóa học lớn. Tuy nhiên, mọi so sánh sẽ không còn ý nghĩa một khi NATO vào cuộc. Mặc dù Tổng thư ký NATO A.F. Rasmussen đã lên tiếng khẳng định sẽ bảo vệ TNK nếu thấy cần thiết, song AFP dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng lý do trên chưa đủ để NATO bước vào một cuộc phiêu lưu mới đầy rủi ro. |
Theo Hoàng Minh
Thế giới&Việt Nam, Dân Trí