Cử tri Gruzia đã đặt dấu chấm hết cho “Cách mạng hoa hồng” tại cuộc bầu cử Quốc hội hôm 1/10 vừa qua. Kết quả cuộc bầu cử đã mang chiến thắng về cho đảng “Giấc mơ Gruzia” của tỉ phú Bidzina Ivanishvili, làm nức lòng hàng triệu người dân Gruzia, mở ra hy vọng khôi phục quan hệ với nước láng giềng Nga.
Kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy đảng Giấc mơ Gruzia của tỉ phú Bidzina Ivanishvili giành được 54,3% số phiếu, tương đương 77 ghế trong Quốc hội 150 ghế. Đảng cầm quyền Phong trào Quốc gia thống nhất (UNM) của Tổng thống Mikhail Saakashvili chỉ giành được 40,6%. Với số phiếu chưa kiểm, người ta dự báo Giấc mơ Gruzia còn có thể kiếm thêm nhiều ghế nữa và nắm quyền kiểm soát Quốc hội Gruzia. Ngay sau khi đảng Giấc mơ Gruzia được xác định giành chiến thắng, ông Ivanishvili đã hân hoan tuyên bố: “Một thời đại mới đã bắt đầu".
Chiến thắng của Giấc mơ Gruzia đã đặt một cột mốc mới trong lịch sử Gruzia hiện đại, một bước ngoặt sau 9 năm "Cách mạng hoa hồng" không mang lại nhiều kết quả như mong muốn. Sau 9 năm, "Cách mạng hoa hồng" đã phai nhạt, thậm chí còn nhuốm màu chính trị chuyên quyền độc đoán khiến người dân Gruzia bất mãn. Trong 9 năm tồn tại của "Cách mạng hoa hồng", một loạt cải cách đã được tiến hành, tham nhũng bị đẩy lùi, với sự tán dương nồng nhiệt của các quan thầy phương Tây.
Nhưng những cải cách đó vẫn chưa thể đưa Gruzia thật sự đến với "dân chủ". Suốt 9 năm, nỗi ám ảnh về một tương lai phồn thịnh "giống phương Tây" vẫn còn đau đáu. Và chuyện Gruzia của Saakashvili luôn quyết tâm trở thành thành viên của các khối EU và NATO là mấu chốt gây nên những bất hòa với nước láng giềng Nga. Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao 2 nước bắt đầu leo thang từ năm 2006, dẫn đến việc nước Nga cắt quan hệ buôn bán, cấm nhập khẩu một số hàng hóa quan trọng từ Gruzia như rượu vang, nước khoáng, rau quả.
Rồi cuộc chiến 5 ngày vào tháng 8/2008 xung quanh 2 nước cộng hòa tự trị Nam Ossetia và Abkhazia đã đẩy quan hệ 2 nước lún sâu hơn vào khủng hoảng, với việc Nga đưa quân vào bảo vệ an ninh cho Nam Ossetia và Abkhazia và sau đó công nhận 2 nước độc lập tách khỏi Gruzia.
Trong cuộc đối đầu chính trị, ngoại giao căng thẳng, Gruzia chịu thiệt nhiều hơn, và chính người dân Gruzia là nạn nhân đau đớn của mối bất hòa gay gắt này. Buôn bán bị gián đoạn làm mất đi một thị trường lớn, hấp dẫn. Với 1 triệu người Gruzia hiện đang là công dân Nga, đang sinh sống và làm việc tại Nga, việc cấm đi lại qua biên giới 2 nước đã khiến cho gia đình, dòng họ bị cách ly.
Và đặc biệt là những người trước đây từng được đi học ở Moskva thời Liên Xô, từng là công dân chung Nga - Gruzia mang cảm giác bị gạt bỏ càng thêm khó chịu. Những sự thiệt thòi, mất mát đó đã không thể được Chính phủ của ông Saakashvili bù đắp, mà ngược lại, những hành động phản đối của người dân lại thường bị đàn áp bằng vũ lực của lực lượng an ninh. Sự độc tài, chuyên quyền bắt đầu ló dạng. Từ đó, mâu thuẫn nội bộ Gruzia, giữa người dân với Chính phủ ngày càng gia tăng.
Đỉnh điểm của những mâu thuẫn này là các cuộc biểu tình phản đối dẫn đến bạo lực của hàng ngàn người dân Gruzia tại Tbilisi và nhiều thành phố khác như Batumi, Rustavi,… giương cao khẩu hiệu "Không tra tấn", "Không dung túng, hãy điều tra" để phản đối việc chính quyền dung túng cho các cai ngục trong hệ thống nhà tù Gruzia tra tấn dã man các nghi phạm bị tạm giam khi chưa được xét xử.
Người dân xuống đường mừng chiến thắng của đảng “Giấc mơ Gruzia”. |
Ngòi nổ cho các cuộc biểu tình này là sự kiện một đài truyền hình toàn quốc đã cho chiếu một số đoạn phim video quay lại cảnh các tù nhân bị tra tấn, bị hãm hiếp dã man trong thời gian dài nhưng đã được cơ quan chức năng bao che, dung túng. Vụ việc nghiêm trọng khiến dư luận trong và ngoài nước lên án, và Bộ trưởng Nội vụ Bacho Akhalaia buộc phải nộp đơn từ chức lên Tổng thống Saakashvili. Vụ việc lại xảy ra ngay trước thềm cuộc bầu cử cho nên đã làm cho những cử tri còn phân vân quyết định tẩy chay đảng cầm quyền UNM.
Kỷ nguyên của "Cách mạng hoa hồng" đang dần khép lại, đồng thời mở ra kỷ nguyên của "Giấc mơ Gruzia". Tuy chưa thể thay đổi gì nhiều, vì Tổng thống Saakashvili vẫn còn hơn 1 năm tại vị, nhưng cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia hôm 1/10 đã tạo nên một cuộc sống chung khó chịu giữa vị Thủ tướng thuộc đảng cầm quyền với vị Tổng thống đối lập chưa muốn rời nhiệm.
Ngày 3/10, ngay sau khi được Tổng thống chỉ định làm Thủ tướng Gruzia, ông Ivanishvili tuyên bố sẽ làm hết sức mình để khôi phục lại các quan hệ với nước Nga. Hiện tại, giữa Nga và Gruzia đã nối lại các đường bay hàng không dân dụng và miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước. Tuy nhiên, các nỗ lực nối lại quan hệ ngoại giao, tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa 2 nước sẽ hết sức khó khăn.
Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng ủng hộ ông Ivanishvili làm Thủ tướng Gruzia, bày tỏ hy vọng "Gruzia sẽ xác lập các quan hệ xây dựng và đáng trân trọng với các nước láng giềng" - bao gồm cả Nga, Abkhazia, Nam Ossetia. Điều này có nghĩa là nhất thời Nga vẫn chưa thể thay đổi lập trường quan điểm của mình trong vấn đề liên quan đến 2 nước cộng hòa nhỏ bé vùng Kavkaz này. Nhưng về lâu dài thì điều đó hoàn toàn có thể nếu Chính phủ Gruzia dưới thời ông Ivanishvili vận động quyết liệt cho mục tiêu, nhất là sau khi Tổng thống Saakashvili mãn nhiệm. Cho đến nay, nước Nga vẫn khăng khăng từ chối đối thoại với Gruzia, chừng nào ông Saakashvili còn tại vị.
Văn Trương (tổng hợp)
Theo ANTG