Hãng thông tấn Kyodo News của Nhật Bản hôm qua (25/10) đưa tin, Mỹ và Nhật Bản sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung vào tháng 11 tới dựa trên kịch bản chiếm lại đảo. Thông tin này đã khiến Trung Quốc “phát sốt” vì lo lắng và tức giận.
Theo Kyodo, các Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản sẽ cùng với những binh lính Mỹ đóng tại Nhật tham gia một cuộc tập trận chung ở gần một hòn đảo thuộc quận Okinawa. Các bài diễn tập chiếm lại một hòn đảo ở xa là một phần trong cuộc tập trận chung toàn diện giữa hai nước đồng minh Mỹ và Nhật Bản kéo dài từ ngày 5 đến ngày 16/11.
Các lực lượng Không quân, Hải quân và Lục quân của cả hai nước đều sẽ tham gia vào cuộc tập trận. Theo ước tính, sẽ có đến 10.000 binh lính diễn tập trong cuộc tập trận quy mô chung giữa Nhật và Mỹ này.
Cuộc tập trận chung Nhật-Mỹ dựa trên kịch bản chiếm lại một hòn đảo diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nhật và nước láng giềng Trung Quốc đang nóng như lửa vì tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản tiến hành tập trận chiếm lại đảo. Hôm 22/9 vừa rồi, lực lượng Mỹ và Nhật đã từng khai hỏa một cuộc tập trận tấn công đổ bộ chung. Cuộc tập trận này cũng được thực hiện theo kịch bản tái chiếm một hòn đảo bị các lực lượng kẻ thù chiếm đóng.
Các cuộc tập trận tái chiếm đảo rõ ràng là mang đầy hàm ý khi mà Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp nhau một quần đảo xa xôi ở biển Hoa Đông. Vì thế, Bắc Kinh không thể không tức giận và lo lắng trước động thái mới nhất của Tokyo.
Trung Quốc phản đối gay gắt cuộc tập trận Mỹ-Nhật
Phản ứng trước thông báo về cuộc tập trận chiếm đảo mới nhất của Mỹ và Nhật Bản, Trung Quốc hôm qua đã bày tỏ sự phản đối gay gắt. "Chúng tôi cực lực phản đối Nhật Bản về việc lôi kéo các nước bên ngoài tham gia vào những cuộc tập trận chung. Điều đó chỉ có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc - ông Yang Yujun đã nói như vậy tại cuộc họp báo ngày hôm qua.
Ông Yang tuyên bố: “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của cuộc tập trận”. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Nhật Bản là nước phải chịu trách nhiệm về việc làm giảm cấp độ của mối quan hệ hợp tác, trao đổi về mặt quân sự giữa quân đội hai nước.
Các nguồn tin báo chí cho biết, Trung Quốc và Nhật Bản đã gác lại một kế hoạch thiết lập cơ chế liên lạc giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Trước đó, hồi tháng 6, hai cường quốc hàng đầu Châu Á từng nhất trí về việc khởi động một phần cơ chế này trong cuối năm nay.
Cũng như mọi lần, Trung Quốc cáo buộc, căng thẳng gần đây giữa hai nước là kết quả của việc Nhật Bản mua lại “trái phép” một phần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông Yang khẳng định, Nhật Bản “phải chịu trách nhiệm hoàn toàn” về tình hình hiện nay.
"Chúng tôi hy vọng, phía Nhật Bản sẽ sửa chữa lỗi lầm và nỗ lực vì quyền lợi của mối quan hệ Trung-Nhật”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói thêm.
Cũng theo ông Yang, việc Nhật Bản tăng cường các hoạt động giám sát hàng hải nhằm vào Trung Quốc là hành động vi phạm chủ quyền, an ninh của họ và là nguồn cơn gây ra các vấn đề giữa hai nước.
"Chúng tôi yêu cầu phía Nhật Bản chấm dứt ngay những hành động xâm phạm lợi ích chủ quyền của Trung Quốc và có những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn những sự việc không lường trước xảy ra”, ông Yang nói.
Nhật Bản nên tập trung vào mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng thay vì "mù quáng phô trương sức mạnh", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói thêm.
Tuy nhiên, không chỉ có mình Nhật Bản tiến hành các cuộc tập trận chiếm lại đảo. Trung Quốc hôm 13/9 cũng đã từng tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật, trong đó có bài tập liên quan đến việc đánh chiếm đảo bằng vũ lực. Tờ Thời báo Bắc Kinh thậm chí còn nói rằng, cuộc tập trận trên là bước chuẩn bị cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) chiếm lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng vũ lực.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này chưa có người sinh sống nhưng lại sở hữu nguồn cá dồi dào và được cho là chứa một nguồn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku còn Đài Loan gọi là Tiaoyutai.
Nhật Bản đã kiểm soát những hòn đảo nhỏ chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông từ năm 1895 và đặt tên cho nhóm đảo nhỏ này là quần đảo Senkaku. Từ 1945-1972, Mỹ quản lý quần đảo này và sau đó trả về cho phía Nhật Bản. Hiện tại, Tokyo đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều đó. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo này là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung - Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.
Kiệt Linh - (tổng hợp, VNmedia)