Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không ghét người Mỹ, nhưng khá nhiều trong số họ lại ghét cuộc đua vào Nhà Trắng. Tác giả Melinda Liu của tờ The Daily Beast đã phác thảo nguyên nhân vì sao các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lại ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc.
Trong buổi tranh luận lần thứ ba cũng là buổi tranh luận cuối cùng của các ứng cử viên tổng thống Mỹ vào hôm thứ Hai vừa qua, Mitt Romney một lần nữa lại khẳng định sẽ tuyên bố "Trung Quốc thao túng tiền tệ" nước này vào ngày đầu tiên ông làm Tổng thống.
Hầu hết các nhà quan sát Trung Quốc nghĩ rằng quan điểm này là tiêu cực vì thực tế không giống vậy. Nhưng kể từ khi Romney lần đầu tiên tuyên bố những cam kết này một năm trước đây, phản ứng từ các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là thất vọng và bực tức. “Các ứng cử viên đã bới móc lỗi của Trung Quốc đơn giản chỉ để giành được nhiều phiếu bầu hơn”, nhà báo Trung Quốc kỳ cựu Ding Gang đã viết trên tờ điện tử Nhân Dân nhật báo, “Hệ thống chính trị Mỹ có vẻ như có vấn đề”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bắt tay trong một cuộc gặp song phương năm 2011 |
Bài báo của Ding, có tiêu đề là “Đánh vào Trung Quốc: Nỗi xấu hổ của nền chính trị Mỹ”, là một ví dụ điển hình của sự lo lắng dẫn đến giận dữ mà rất nhiều người Trung Quốc cảm thấy khi nghe những ứng cử viên Mỹ tranh luận về chủ đề Trung Quốc.
Hầu hết người Trung Quốc không ghét người Mỹ. Nhưng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lại tỏ ra ghét các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ - đặc biệt là nó ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc trong con mắt của nước Mỹ. Các nhà phân tích nhận định năm nay lại càng đặc biệt tồi tệ khi mà Bắc Kinh đang phải gánh rất nhiều hậu quả từ sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ cho đến tỷ lệ thất nghiệp cao của nước này. Những điều này đến vào đúng lúc sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng đang trượt dốc và sự cạnh tranh thương mại khốc liệt giữa hai nước đã tạo ra sự căng thẳng cao độ.
Bầu cử tổng thống ở Mỹ là một mối bận tâm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc |
Một cuộc thăm dò hồi đầu tháng 10 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy rằng 49% cử tri Mỹ muốn Chính phủ nước mình cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, tăng 9% từ tháng 3/2011. Và chỉ có 42% cử tri muốn Mỹ xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc, giảm so với mức 53% của tháng 3 năm ngoái. Cũng một thăm dò của Pew hồi tháng Chín, hầu hết các cảm giác lo lắng của người Mỹ về Trung Quốc là kinh tế chứ không phải quân sự, trong đó mối quan tâm lớn nhất là các khoản nợ của Mỹ với Trung Quốc và sự sụt giảm công ăn việc làm ở nước Mỹ.
Kế quả thăm dò ý kiến về việc gia tăng xích mích với Trung Quốc khá sát với thực tế. Một khảo sát nữa của Pew cũng cho thấy sự gia tăng cảnh giác và nhận thức tiêu cực của Mỹ đã tăng so với hai năm trước đây. Tỷ lệ phần trăm số người Trung Quốc được hỏi đã mô tả mối quan hệ của nước này với Mỹ là một sự hợp tác đã giảm từ 68% từ năm 2010 chỉ còn 39% trong năm nay. Hơn ¼ số người được khảo sát cho rằng hai nước là thù địch, tăng 8% so với cách đây hai năm. Niềm tin của người dân Trung Quốc dành cho Tổng thống Obama cũng giảm đáng kể từ 52% năm 2010 còn 38% năm nay.
Một trong các lý do tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy hiềm khích đặc biệt đối với sự thay đổi ở Washington là bởi vì họ cảm thấy sự cần thiết của việc “dạy cho các tổng thống mới của Mỹ về thực tế của mối quan hệ”, một nguồn tin giấu tên của Trung Quốc cho biết. Trên quan điểm của Trung Quốc, những thực tế này bao gồm việc tránh né một cuộc chiến tranh thương mại do sự phụ thuộc lẫn nhau của họ và tránh làm suy yếu cả hai nền kinh tế.
Điều khá đặc biệt là Pew đã đưa ra một cuộc khảo sát cho thấy người Trung Quốc đánh giá khá cao nền dân chủ đa đảng kiểu Mỹ. Hơn 50% số người được hỏi cho biết họ thích những ý tưởng dân chủ của Mỹ, 29% thì không thích. Tuy nhiên, quan điểm này đề cao nền dân chủ và là một trong những điều mà chính quyền Bắc Kinh ghét các cuộc bầu cử Mỹ. Nó nhấn mạnh rằng người Trung Quốc có rất ít tiếng nói trong việc lựa chọn lãnh đạo cho mình, ngược lại thì người Mỹ lại hoàn toàn có quyền lợi lớn đối với việc đưa ra chính kiến của mình cho các cuộc bầu cử. Điển hình là chiến thắng đột phá của Barack Obama hồi năm 2008, một kết quả nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích Trung Quốc vào lúc đó.
Sự tương phản trong hệ thống bầu cử giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được biểu hiện rõ ràng vào tháng tới. Với thời gian trùng hợp khá tình cờ, chỉ vài ngày sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ là những ngày mà hệ thống lãnh đạo của Trung Quốc cũng được thay đổi. Vào ngày 8/11, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 18, với nhiều dự đoán cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ là Tổng Bí Thư thay thế cho ông Hồ Cẩm Đào.
Phan Sương
Theo Infonet