TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Mỹ - Trung: ai nói nấy nghe

Từ 8 đến 9.9 này, lãnh đạo các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ họp tại Viễn Đông (Nga) trong khuôn khổ APEC. Các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với hầu hết các nước láng giềng ngày càng nóng lên có thể sẽ cản trở nỗ lực tự do hóa mậu dịch của APEC. Vì vậy, các cuộc đàm phán tuần qua của bà Clinton ở Bắc Kinh được cả thế giới quan tâm.

Ngày 5.9, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc tiếp kiến với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Bà nói: đây là dịp để Mỹ và Trung Quốc trao đổi những lĩnh vực hai bên đồng ý và không đồng ý với nhau một cách thông thoáng. Trong buổi gặp gỡ có thể là lần chót tại Bắc Kinh (vì cả ông Hồ lẫn bà Clinton đều rời nhiệm sở cuối năm), bà Clinton đã tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai siêu cường quyết định tương lai khu vực rộng lớn này. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hy vọng Mỹ sẽ chế ngự được chính sách bảo hộ thương mại, giảm bớt những hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cao sang Trung Quốc, và ủng hộ sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Mỹ.

Trung Quốc không thay đổi quan điểm

 

Mỹ và Trung Quốc chưa đạt được sự đồng thuận nào sau chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuần qua. Giữa Mỹ và Trung Quốc là một cuộc đối thoại "ai nói, nấy nghe". Ảnh: Reuters

Chuyến thăm Bắc Kinh của bà Hillary Clinton là một phần trong khuôn khổ chuyến công du Thái Bình Dương, trong đó có một tiêu điểm là Đông Nam Á. Một trong các mục đích quan trọng là Mỹ muốn hối thúc Trung Quốc hãy cùng với ASEAN sớm thỏa thuận về một cơ chế có thể giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Ngay khi tới Bắc Kinh ngày 4.9, Ngoại trưởng Clinton đã gặp Ngoại trưởng Dương Khiết Trì. Bà nói Washington “cam kết xây dựng một quan hệ đối tác có tính hợp tác với Trung Quốc”. Bà cũng tuyên bố, quan hệ Mỹ - Trung là bộ phận quan trọng của chính phủ Obama nhằm đẩy mạnh chính sách của Washington góp mặt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trước khi gặp ông Hồ Cẩm Đào, bà Clinton đã công khai sự bất đồng giữa hai nước trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Dương Khiết Trì. Bà nói ai cũng biết Mỹ thất vọng khi thấy Trung Quốc và Nga đã ngăn chặn các nghị quyết mạnh mẽ hơn của Liên Hiệp Quốc đối với Syria. Dương Ngoại trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, riêng về vấn đề Syria, hai nước vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách bất đồng. Vì bận rộn với tranh cử trong nước, Tổng thống Obama đã trao toàn quyền cho ngoại trưởng Clinton trong sứ mệnh tại Viễn Đông. Được biết, bên lề Thượng đỉnh APEC lần này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ vượt ra khỏi chương trình nghị sự chính thức, thảo luận thẳng thắn vào các vấn đề địa-chính trị cấp thiết, khi các nguyên thủ có cơ hội để tiến hành các cuộc gặp mặt trực tiếp.

Cả vấn đề căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN cũng vậy! Thật khó duy trì hiện trạng khi mà Trung Quốc, một mặt đồng ý sẽ tiến đến Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), nhưng mặt khác, lại khẳng định không thay đổi lập trường trong việc cưỡng chiếm hầu hết vùng biển này. Bà Clinton tuyên bố, một COC ở Biển Ðông sẽ phục vụ lợi ích của tất cả mọi quốc gia; bà cũng mạnh mẽ bác bỏ các tố giác không có cơ sở của Bắc Kinh cho rằng Mỹ có ý định kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương.

Thật ra, việc Bắc Kinh chống đối các cuộc thương thuyết đa phương trong vấn đề Biển Đông không có gì mới. Bắc Kinh chỉ ủng hộ các cuộc thương thuyết song phương, vì làm như vậy, vị thế Trung Quốc sẽ mạnh hơn nhiều so với từng nước trong ASEAN cũng tuyên bố có chủ quyền trong vùng biển này, như Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Chiếm trọn Biển Đông theo cách vừa tiệm tiến, khi nhu khi cương là phương thức “cổ điển” của Trung Quốc. Bắc Kinh không xa lạ gì với triết lý “mãnh hổ nan địch quần hồ”, do đó con cọp dữ này luôn tìm cách phá đám, chia rẽ ASEAN, ngăn cản Mỹ và các cường quốc khác “can dự” vào các nỗ lực tìm giải pháp giải quyết tranh chấp biển Đông.

Mỹ vẫn kiên trì cách tiếp cận đa phương

Việt Nam hiểu rõ thế đứng của mình trong cuộc chiến cam go và lâu dài này. Con đường duy nhất để bảo vệ được chủ quyền biển, đảo là xây dựng một Việt Nam hội tụ được nội lực toàn dân và phát huy tối đa “sức mạnh thời đại”. Rất nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực, từ Indonesia đến Nhật Bản, từẤn Độ đến Hàn Quốc… đã trở thành những đồng minh tự nhiên của Việt Nam. Động đến Biển Đông, giờ đây toàn khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương hiểu rằng Trung Quốc đang xâm phạm trắng trợn đến an ninh và lợi ích quốc gia của họ. Sẽ hiếm nước nào có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc mà lại tình nguyện chui vào cái “bẫy sập song phương” của thiên triều.

Mỹ vẫn kiên trì cách tiếp cận đa phương trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và ASEAN. Mỹ khuyến khích Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế (UNCLOS), không cho phép leo thang tranh chấp, không bắt nạt các nước nhỏ và đe dọa dùng vũ lực trên Biển Đông như bà Clinton đã tuyên bố công khai ở Bắc Kinh. Ngoại trưởng Mỹ nêu nguyện vọng muốn thúc đẩy “quan hệ đối tác có tính hợp tác” với Trung Quốc. Trong chuyến thăm lần thứ ba đến khu vực này kể từ tháng 5 năm nay, Clinton đã hối thúc các nước ASEAN thành lập một mặt trận thống nhất để đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông trong khi khẳng định lập trường kiên quyết của Mỹ là cổ súy tự do hàng hải và tiếp cận đa phương.

Hẳn nhiên là sau bao nhiêu năm hợp tác với Trung Quốc, ngoài những món lợi kinh tế đơn thuần, Mỹ thực sự đã tiếp tay cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Giờ đây có lúc Mỹ đang suy nghĩ lại về hậu quả cuối cùng đối với an ninh khu vực và chiến lược “chuyển trục” sang châu Á của mình. Nếu đi xa hơn nữa trên con đường cũ, một hai thập niên sau thì hậu quả ra sao? Lịch sử đã có bao nhiêu bài học nhãn tiền! Nếu một ngày kia Trung Quốc trở thành một siêu cường mà vẫn giữ hành vi “đại quốc tiểu nhân” thì khu vực và nhân loại liệu còn con đường để sống?

Trần Hiếu Chân
Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te