Cuộc gặp dự kiến giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 5-9 đã bị nước chủ nhà hủy vì “những lý do lịch trình đột xuất”. Ngoài việc hủy cuộc gặp với bà Clinton, phía Trung Quốc còn hủy luôn cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và một quan chức Nga, dự kiến cũng diễn ra trong ngày 5-9. Không có lý do cụ thể nào được đưa ra cho quyết định này.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 5-9. Ảnh: THX, REUTERS
Đáp lại, theo hãng tin AP, ông Dương Khiết Trì nhắc lại lập trường của Trung Quốc sẵn sàng thảo luận về vấn đề biển Đông thông qua các cuộc đối thoại song phương. Ông cũng tỏ ra lạnh nhạt trước ý tưởng đạt được một thỏa thuận nào đó trước tháng 11. Ngoại trưởng Trung Quốc tìm cách xoa dịu nỗi lo của Mỹ và nhiều nước khác khi tuyên bố rằng sự tự do và an toàn hàng hải ở biển Đông “luôn được bảo đảm”.
Ngoài vấn đề biển Đông, hai bên cũng không thu hẹp được khoảng cách về cách thức chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria dù vẫn cam kết làm việc cùng nhau. Bà Clinton khẳng định Washington muốn xây dựng một “mối quan hệ đối tác hợp tác” với Bắc Kinh và mối quan hệ này đóng vai trò quan trọng trong chính sách tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ cũng phủ nhận những cáo buộc rằng chính sách nói trên là nhằm kiềm chế Trung Quốc và nói thêm rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama không muốn “cạnh tranh không lành mạnh”.
Thời điểm chín muồi để hoàn tất COC Hội nghị quốc tế về biển Đông lần thứ hai do Viện Nghiên cứu biển Malaysia (MIMA) tổ chức diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-9 tại thủ đô Kuala Lumpur, với sự tham dự của gần 150 học giả, chuyên gia nghiên cứu, nhà ngoại giao đến từ 20 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với chủ đề “Những phát triển địa chiến lược và triển vọng quản lý tranh chấp”, hội nghị đã tập trung vào 6 phần chính, bao gồm vấn đề tranh chấp ở biển Đông và ảnh hưởng đối với môi trường an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đánh giá tình hình địa chính trị hiện nay ở biển Đông, luật pháp quốc tế, cơ chế giải quyết tranh chấp, các giải pháp lâu dài và thảo luận nhóm về hướng giải quyết tranh chấp. Viện trưởng MIMA, Phó Chuẩn Đô đốc Ahmad Ramli, đã nhấn mạnh tranh chấp lãnh thổ và tuyên bố chủ quyền chồng lấn là nguyên nhân gây căng thẳng, đe dọa dẫn tới xung đột và đe dọa hòa bình, ổn định, đoàn kết giữa các bên có quyền lợi trong khu vực. Các đại biểu thảo luận về việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông (COC) cho rằng đây là thời điểm chín muồi để ASEAN và Trung Quốc bàn thảo với nhau nhằm sớm hoàn tất bộ quy tắc này. Theo TTXVN, các đại biểu đánh giá cao vai trò của ASEAN cho rằng ASEAN đã đi đúng hướng khi thúc đẩy xây dựng COC. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn đã đề xuất các lĩnh vực hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như các bên có liên quan để giúp ổn định khu vực, bao gồm việc hướng dẫn bổ sung để thực hiện Tuyên bố Về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); bắt đầu đối thoại về soạn thảo COC; tham gia vào đối thoại và hợp tác để thúc đẩy sự hiểu biết chung về Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và đạt được sự hài hòa trong ứng dụng và thực hiện; khuyến khích quan hệ song phương, giúp quản lý tình hình chung, bao gồm các tranh chấp lãnh thổ. Theo ông Sơn, ASEAN và Trung Quốc cần phải sẵn sàng thu hẹp khoảng cách hiểu biết về môi trường chiến lược cũng như cơ chế pháp lý để thúc đẩy hợp tác hiệu quả. Lục San |