TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược: Liệu có làm yếu NATO?

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế Châu Âu đang ngày càng sâu rộng, việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã và đang tác động không nhỏ đến NATO và đe dọa toàn bộ hệ thống an ninh tập thể của tổ chức này.

Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược: Liệu có làm yếu NATO?

>> Trung Quốc cảnh báo chiến lược “xoay trục” của Mỹ
>> Mỹ sẽ tăng cường quân lực ở Châu Á-Thái Bình Dương
>> Mỹ sẽ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Châu Á

Đồng thời, những điều chỉnh lực lượng của Mỹ tại Châu Âu cũng sẽ có ảnh hưởng đến sự lựa chọn của các nước đang dao động giữa Châu Âu và Châu Á.

Sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ

Thực hiện kế hoạch cắt giảm tổng quân số của lực lượng vũ trang Mỹ trong những năm tiếp theo từ 570 nghìn quân như hiện nay xuống còn 490 nghìn quân, Mỹ đã quyết định giảm một nửa sự hiện diện của mình tại Châu Âu. Ngoài ra, Mỹ cũng dự định sẽ cắt giảm trong vòng 10 năm tới khoảng 8% ngân sách quốc phòng (480 tỉ USD). Theo chủ trương này, Mỹ sẽ rút khoảng 40 nghìn quân ra khỏi Châu Âu. Đối tượng cắt giảm chủ yếu tập trung vào lực lượng lục quân và các đơn vị thủy quân lục chiến.

Tại Đức, Mỹ sẽ rút hai trong số bốn lữ đoàn thuộc Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Châu Âu và cắt giảm phần lớn các nhân viên dân sự. Động thái này được coi là nhằm mục đích chuyển hướng bố trí chiến lược của Mỹ, hướng tới giảm sự cồng kềnh của quân đội, tập trung cho trang bị kỹ thuật công nghệ và làm tăng thêm tính cơ động. Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, quyết định của giới quân sự Mỹ về hạn chế sự hiện diện của mình trên lục địa Châu Âu là “một đòn giáng mạnh vào khả năng của NATO”. Đồng thời, quyết định này cũng sẽ làm suy yếu quan hệ đối tác giữa Mỹ với EU.

Những gì đang xảy ra hiện nay giống như một sự khởi đầu của cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn giữa Mỹ với Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu chiến lược của mình, Mỹ hiện đang mở rộng việc tập trung quân tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 11.2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Australia Julia Ghilard đã thảo luận kế hoạch triển khai căn cứ quân sự của Mỹ ở miền bắc nước này. Theo đó, tại thành phố Darwin - nằm cách biên giới Indonesia 820km, Mỹ sẽ bố trí đơn vị thuỷ quân lục chiến có quân số 2,5 nghìn người.

Đồng thời, lãnh đạo quân sự Mỹ cũng đang chuẩn bị cấp thêm kinh phí cho các hướng hoạt động độc lập, nghĩa là tăng thêm tiềm lực cho Bộ Chỉ huy các lực lượng tác chiến đặc biệt. Một điểm nhấn khác của kế hoạch là đẩy mạnh các thao tác quân sự trên các phương tiện an ninh mạng và chế tạo máy bay trinh sát không người lái.

Khủng hoảng trong nội bộ NATO

Các nhà phân tích nhận định rằng, sự thay đổi “véctơ” chiến lược của Mỹ hiện đang tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ thống an ninh tập thể của NATO. Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã và đang bảo đảm an ninh tại Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi để Châu Âu ổn định phát triển và tăng tiềm lực quốc phòng của họ. Nhưng nay, việc bảo đảm an ninh của Mỹ dành cho Châu Âu đang dần đi đến hồi kết.

Năm 2011, chính quyền Mỹ đã đưa ra một số tuyên bố cảnh báo rằng các đối tác Châu Âu thuộc NATO sẽ không còn cơ hội để tính toán nhiều hơn đến “thiện chí” của Mỹ, nước đang phải gồng mình thanh toán gần 75% tổng số chi phí cho các hoạt động quân sự của NATO. Theo ý kiến của Mỹ, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, các nước thành viên NATO đã không biểu lộ được tính thống nhất. Thay vì cùng chung “giải cứu” cho ngân sách quân sự NATO, các nước này đã trốn tránh theo cách riêng của họ. Phần lớn các quốc gia thành viên NATO đã biện hộ rằng do khủng hoảng kinh tế, các nước này cũng đang phải cắt giảm chi tiêu cho quốc phòng và buộc phải rút gọn đáng kể số lượng quân đội.

Các chuyên gia quân sự cho biết, năm 2011 Bộ Quốc phòng Anh đã công bố sẽ cắt giảm khoảng 30 nghìn quân trong vòng 10 năm. Đồng thời, Anh tuyên bố đình chỉ một số dự án quốc phòng lớn, đặc biệt là dự án đóng tàu sân bay “Ark Royal”. Tướng Davis Richards - thuộc Bộ Quốc phòng Anh, khẳng định rằng: “Các nỗ lực chính của Anh hiện tại là tập trung phục hồi nền kinh tế, vì không một quốc gia nào có thể tự bảo vệ mình nếu nó bị phá sản”.

Để biện hộ cho hành động đóng góp “hạn chế” của mình, Anh đã chỉ ra sự vỡ nợ của một số nước thành viên khác trong NATO. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Anh - ông Philippe Hamond hồi đầu năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã cáo buộc, chỉ trích cả Đức và Italia về việc không chịu nhận trách nhiệm nghĩa vụ về mình trong các hoạt động của NATO. Ông cho rằng “có quá nhiều nước thành viên NATO hiện tại đang mất khả năng thanh toán tài chính để phục vụ cho nhu cầu của NATO. Điều này đang chứng tỏ sự không sẵn sàng ủng hộ của họ cho các khả năng thích hợp và tương xứng”.

Tháng 5.2011, Tư lệnh Lực lượng vũ trang Đức đã đệ trình kế hoạch cắt giảm quân số quân đội Đức từ 220 nghìn quân hiện nay xuống còn 170 nghìn trong vài năm tới. Theo các nhà lãnh đạo Đức, quân đội của họ cần phải “nhỏ gọn hơn, ít quan liêu hơn và hiệu quả hơn”. Bên cạnh việc cắt giảm quân số, quân đội Đức dự kiến sẽ đẩy mạnh trang bị vũ khí kỹ thuật nhằm tăng tính cơ động và hiện đại. Đức cũng đã ngừng việc thực hiện các đơn đặt hàng lớn đối với sản xuất máy bay trực thăng, tàu chiến và các thiết bị quân sự khác. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Đức, từ nay đến năm 2015, các biện pháp cải cách quân đội của họ sẽ cho phép tiết kiệm khoảng 11,8 tỉ USD.

Tại Italia, việc cắt giảm ngân sách quốc phòng trong năm thứ hai đang tiếp tục được đẩy mạnh hơn. Lãnh đạo Italia mới đây đã công bố việc ngừng mua lô máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ, mặc dù đã có hợp đồng đặt hàng từ trước. Năm 2011, Hà Lan cũng đã quyết định giảm số lượng binh sĩ 12 nghìn người và 30% trong số đó là nhân viên của Bộ Tổng tham mưu. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Hans Hillen cho rằng, “vấn đề cắt giảm ngân sách quốc phòng không phải là ý muốn của Châu Âu hay của Mỹ. Nguyên nhân của nó nằm trong cuộc khủng hoảng kinh tế”.

Nhận định của giới phân tích

Các nhà phân tích nhận định rằng, sự thay đổi ưu tiên chiến lược của Mỹ có thể sẽ còn gây hậu quả nặng nề hơn cho các nước đối tác trong NATO so với nhìn nhận đánh giá bề ngoài. Mới đây, giới phân tích quân sự Mỹ đã phàn nàn rằng “chiến dịch không kích Libya của các lực lượng liên quân năm ngoái là một minh chứng cho sự thiếu khả năng, thiếu phối hợp chặt chẽ và thiếu gánh vác trách nhiệm trong NATO. Nhiều quốc gia tham gia vào chiến dịch đã nhanh chóng hết đạn dược và họ đã buộc phải khẩn cấp yêu cầu sự hỗ trợ của Mỹ. Thậm chí, các đối tác Châu Âu còn không đủ khả năng để tiếp nhiên liệu cho máy bay và tiến hành quan sát mục tiêu trên không của đối phương”.

Liên quan đến vấn đề này, Đại sứ Mỹ tại NATO - ông Ivo Daalder cũng đã đưa ra nhận xét hồi tháng 2.2012 rằng: “Nếu như trước đây, có thể tính đến việc Mỹ hỗ trợ, lấp đầy những khoảng trống nảy sinh trong phòng thủ Châu Âu, thì nay những việc làm đó đang tiến dần đến kết thúc”. Về lời nhận xét này, mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Espen Barth Eide cũng đã bày tỏ mối quan ngại thực sự vì tình hình có thể sẽ còn trầm trọng hơn, bởi những dự báo về suy giảm kinh tế trong EU tiếp tục gia tăng và có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.

Như vậy, cùng với việc chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang Châu Á - Thái Bình Dương, cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực Eurozone đang tác động, ảnh hưởng lớn đến khả năng quân sự của NATO, đến những vấn đề tồn tại và đặc biệt đang làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Mỹ với các thành viên khác trong liên minh này. Vì thế, tiềm lực quân sự của NATO bị suy giảm nghiêm trọng là điều khó tránh.

- Theo NDĐT// LĐ

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te