TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Lầu Năm Góc đánh giá chiến lược quân sự và binh lực Trung Quốc

Ngày 18/5, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố báo cáo hàng năm trước Quốc hội Mỹ về tình hình quân sự Trung Quốc. Bổ sung bằng báo cáo mật, nhưng bản báo cáo công khai cho thấy nhiều nội dung quan trọng về chiến lược chiến thuật quân sự của Trung Quốc trong hai thập kỷ đầu thế kỷ 21.

Trung Quốc có “thời cơ chiến lược”

Bản báo cáo nêu các đánh giá của ban lãnh đạo Bắc Kinh về môi trường chiến lược, trong đó Trung Quốc đang có “một thời cơ chiến lược” cần nắm bắt. Môi trường bên ngoài tương đối thuận lợi, và ít có nguy cơ chiến tranh nước lớn, có thể tránh được đối đầu trực tiếp với Mỹ và các nước lớn khác. Trung Quốc cần tập trung nắm bắt và kéo dài thời cơ chiến lược, nhằm giữ vững tăng trưởng kinh tế, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, duy trì ổn định trong nước và bảo đảm tư thế cường quốc của Trung Quốc.


Tầm bắn của các loại tên lửa chiến lược và chiến thuật Trung Quốc: phủ kín Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Úc và toàn bộ châu Á. Tên lửa xuyên lục địa DF-5 có tầm bắn trên 13.000 km

Hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc (PLA) là bộ phận cấu thành chủ yếu  của chiến lược nắm bắt “thời cơ cơ hội chiến lược” này nhằm bảo vệ “các lợi ích cốt lõi” và phục vụ việc mở rộng ảnh hưởng ngoại giao để tiếp cận thị trường, vốn, tài nguyên và mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc ra các khu vực trên thế giới…

Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự

Chương trình hiện đại hóa quân sự mang nội dung dài hạn, toàn diện nâng cao năng lực của các lực lượng vũ trang đánh thắng “các cuộc chiến tranh cục bộ (local wars) trong điều kiện tin học hóa”, hoặc các chiến dịch  quân sự khu vực cường độ cao, tin học hóa trong một thời gian ngắn. Chiến tranh cục bộ cũng được xem là “chiến tranh khu vực” (regional war).

Trung Quốc tập trung đầu tư vào các lĩnh vực quân sự cho phép các lực lượng vũ trang  Trung Quốc theo đuổi các sứ mệnh tại những khu vực trên thế giới ở cách xa Trung Quốc.

Đài Loan vẫn là sứ mệnh quan trọng nhất. Trung Quốc đại lục triển khai các biện pháp để ngăn cản hòn đảo này tuyên bố độc lập; làm thất bại sự can thiệp của bên thứ ba (Mỹ) trong trường hợp xẩy ra xung đột giữa hai bờ Eo biển. PLA triển khai 1.000-1.200 tên lửa tầm ngắn nhằm vào Đài Loan.

Lực lượng vũ trang Trung Quốc theo đuổi định hướng chiến lược “phòng ngự tích cực”, nhấn mạnh việc sử dụng các chiến dịch tấn công chính xác và đúng lúc, giành và duy trì tính chủ động, chỉ tấn công trong những điều kiện thuận lợi, chắc thắng, triệt để khai thác các yếu điểm dễ bị tổn thương nhất của đối phương.

Không loại trừ các xung đột tranh chấp biển đảo

Lãnh đạo Trung Quốc không loại trừ sẽ có  các căng thẳng hay cạnh tranh diễn ra tại Biển Biển Đônng. Các hành động của Trung Quốc năm 2011 cho thấy có sự xen lẫn giữa việc duy trì nguyên trạng, tiếp tục các nỗ lực trấn an các nước láng giềng, với việc sẵn sàng sử dụng các lực lượng bán vũ trang chấp pháp trên biển để khẳng định đòi hỏi chủ quyền. Tuy vậy, Bắc Kinh nhận thấy ngày càng khó cân bằng các lợi ích và chiến thuật như vậy: Việc bảo vệ các đòi hỏi lãnh thổ buộc Trung Quốc phải thể hiện thái độ cứng rắn, nhưng lại phải làm sao cân bằng với nhu cầu tránh gây ra  phản ứng dữ dội từ phía các nước láng giềng, nơi Trung Quốc cần duy trì môi trường thuận lợi cho phát triển trong nước.

Quan hệ quân sự Mỹ-Trung vẫn tụt hậu

Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc để có lợi cho phát triển quan hệ kinh tế và hợp tác giải quyết những thách thức toàn cầu. Mối quan hệ quân sự mạnh gồm tiếp xúc giữa các nhà lãnh đạo quân sự, trao đổi thực chất về hàng loạt vấn đề  quốc phòng và an ninh, đặc biệt trong các thời điểm rối ren và xung đột, ngăn chặn và giải quyết khủng hoảng, giảm thiểu nguy cơ một sự cố vô tình có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng lớn hơn. Tuy nhiên các quan hệ này vẫn thiếu cơ sở vững chắc.


Máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ cất cánh tại sân bay Okinawa trong nhiệm vụ phối hợp với các đồng minh của Mỹ duy trì cân bằng lực lượng tại Đông Bắc A trước sự phát triển các phương tiện chiến tranh của Trung Quốc

Bộ Quốc phòng  Mỹ khuyến khích Trung Quốc tăng tính minh bạch và cởi mở trong các vấn đề quân sự. Nhưng các tiếp xúc cấp làm việc tham vấn quốc phòng hàng năm ở mọi cấp độ, từ cấp cao tới sĩ quan sơ trung, vẫn tụt hậu so với các quan hệ song phương rộng lớn hơn.

Thực lực quân sự Trung Quốc

Lực lượng tên lửa Trung Quốc hiện có 50-75 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn 5.500 km và 5-20 tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm bắn 3.000-5.000 km. Trung Quốc thừa nhận đang phát triển tên lửa đạn đạo đối hạm DF-21D, tầm bắn hơn 1.500 km, để tấn công tàu chiến cỡ lớn, đặc biệt là tàu sân bay.

Về Hải quân, Trung Quốc duy trì 2 tàu ngầm tấn công hạt nhân và dự kiến bổ sung thêm 5 tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ ba trong những năm tới. Nước này có 48 tàu ngầm diesel, 26 tàu khu trục, 53 khinh khạm, 51 tàu vận tải, 86 tàu tuần tiễu trang bị tên lửa.

Không quân Trung Quốc có 1.570 máy bay tiêm kích, 550 máy bay ném bom và cường kích mới. Có 300 máy bay vận tải, hơn 100 máy bay do thám. Phòng không trang bị hệ thống S-300.

Lục quân Trung Quốc có 1.250.000 quân, trong đó 400.000 binh sĩ được triển khai dọc Eo biển Đài Loan. Nước này có 7.000 xe tăng và 8.000 khẩu pháo.

Trung Quốc phát triển công nghệ quân sự dựa nhiều vào khai thác công nghệ quân sự phương Tây, trước hết là của Mỹ. Báo cáo viết: “Trung Quốc được xem là thủ phạm lớn nhất thế giới trong lĩnh vực tình báo kinh tế và tình báo Trung Quốc đang đe dọa an ninh kinh tế của Mỹ”, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác, điều chỉnh lực lượng, bố phòng và quan niệm tác chiến để duy trì an ninh ổn định và an toàn tại châu Á-Thái Bình Dương./.

Lưu Việt(Gt)
Theo Tổ Quốc

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te