"Hãy cảnh giác và không bao giờ nhân nhượng trước chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” trong phạm vi biển, đảo, được tạo ra bởi 'đường lưỡi bò' do Trung Quốc tự ý vạch ra trong Biển Đông, bất chấp luật pháp và thực tiễn quốc tế!" - TS Trần Công Trục nhấn mạnh.
Mới đây, cuốn “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” có đưa ra cụm từ “hợp tác khai thác chung”. Điều này xuất hiện một số cách hiểu khác, trong đó có một số quan điểm tỏ ra nhầm lẫn. Để có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với TS Trần Công Trục, Nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ, chủ biên cuốn sách kể trên.
Ông Trần Công Trục và cuốn sách "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông". Ảnh: Internet |
Luôn cảnh giác với cạm bẫy “gác tranh chấp cùng khai thác” của Trung Quốc
Thưa ông, trong cuốn “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” do ông làm chủ biên, có nhắc tới cụm từ “Hợp tác khai thác chung”, hiện nay đang có những cách hiểu khác nhau về cụm từ này, nhất là có những quan ngại của Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ) về việc sẽ rơi vào cạm bẫy “Gác tranh chấp cùng khai thác” của Trung Quốc. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Trước hết, chúng tôi đánh giá cao và rất hoan nghênh sự quan tâm của dư luận về vấn đề này, đặc biệt dư luận người Việt Nam ở nước ngoài, quan điểm của các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước, đối với vấn đề hệ trọng của Đất nước nói chung. Những ý kiến đó là hết sức cần thiết và rất đáng trân trọng, cần được nghiêm túc lắng nghe, nghiên cứu….
Trong số những ý kiến đó, tôi đặc biệt quan tâm đến những bình luận của Giáo sư Ngô Vĩnh Long. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ những bình luận, nhận xét, kiến nghị của giáo sư về cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”. Tôi xin thành thật cám ơn, hoan nghênh và chia sẻ những nội dung mà giáo sư đã phát biểu trong thời gian qua, đặc biệt là những bình luận, nhận xét về chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” do Đặng Tiểu Bình nêu ra năm 1982, sau đó được Trung Quốc lặp đi lặp lại, trở thành chính sách nhất quán của họ. Giáo sư đã bày tỏ sự lo ngại rằng nếu chúng ta vô tình hay hữu ý chấp nhận giải pháp này thì vô hình trung chúng ta sẽ bị sập bẫy do Trung Quốc giăng ra và sẽ mặc nhiên thừa nhận yêu sách đầy tham vọng và phi lý của Trung Quốc trong Biển Đông, biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp, tạo điều kiện cho Trung Quốc từng bước độc chiếm Biển Đông. Và, nếu đúng như vậy thì quả là vô cùng nguy hiểm, làm nguy hại cho các quyền, lợi ích của Việt Nam và làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác trong khu vực. Quả thực, đây là lời cảnh báo, là thông điệp đáng được quan tâm, lưu ý, của một nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài gửi đến chúng ta, rằng: cần phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác trước cạm bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc.
Đường biên giới lưỡi bò chiếm 80% diện tích Biển Đông do Trung Quốc tự vạch ra xuất phát từ tham vọng độc chiếm Biển Đông, không dựa vào bất cứ một quy định nào của Công ước Luật biển năm 1982, cho dù nó đã được Trung Quốc chính thức công bố, cũng sẽ không bao giờ được coi là một yêu sách hợp lý, có căn cứ khoa học để xem xét áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” trong vùng chồng lấn được tạo bởi con đường “hoang tưởng” này. |
Tuy nhiên, có lẽ ở đây có sự nhầm lẫn hoặc chưa chính xác trong việc cung cấp và phổ biến những thông tin sai so với những nội dung được đề cập trong cuốn “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” có liên quan đến vấn đề “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà Giáo sư đã tiếp nhận được trước khi có những bình luận, đánh giá nói trên. Trên dư luận, hiện đang tồn tại những đánh giá khác nhau về những kiến nghị được nêu trong “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”.
Thiết nghĩ, để làm rõ chuyện này, tôi xin được nêu lại nguyên văn nội dung có liên quan mà “Dấu ấn Viêt Nam trên Biển Đông” đã đề cập:
Tại trang 167 của “ Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, khi đề cập đến biện pháp và lộ trình giải quyết một cách cơ bản các loại tranh chấp trên Biển Đông nhằm đẩy lùi, ngăn chặn nguy cơ xung đột tiềm ẩn trong khu vực, có đoạn đã viết:
“Trước hết, phương châm có thể áp dụng trong bối cảnh hiện nay là: “Dễ giải quyết trước, khó giải quyết sau”. Vì vậy, trước mắt chúng ta hãy tạm gác vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; tạm thời giữ nguyên hiện trạng của các bên tranh chấp trên hai quần đảo này; mỗi đảo có người ở cho phép có phạm vi biển rộng 12 hải lý bao quanh, các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, có công trình nhân tạo trên đó thì chỉ có vùng an toàn 500m bao quanh, để thực hiện quản lý, bảo vệ theo quy chế của nội thủy, lãnh hải của bên đang chiếm đóng. Ngoài phạm vi biển của các đảo, bãi cạn đó, các bên sẽ thống nhất ranh giới biển và thềm lục địa theo đúng tiêu chuẩn của Công ước Luật biển năm 1982 để xác định các khu vực chồng lấn nhằm tiến tới xác định ranh giới biển, thềm lục địa. Trong khi các bên chưa xác định ranh giới cuối cùng, có thể tính đến một giải pháp tạm thời “Hợp tác khai thác chung”(joint development) trong các vùng chồng lấn được hình thành từ những yêu sách mà các bên liên quan đã vận dụng nghiêm túc các quy định của Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp quốc”.
Đọc kỹ đoạn này, chúng ta dễ dàng nhận thấy tác giả đã đề cập đến 2 giải pháp tạm thời có thể áp dụng cho 2 loại tranh chấp khác nhau trong Biển Đông: đó là loại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và loại tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa giữa các quốc gia kế cận hay đối diện nhau ở xung quanh Biển Đông.
Giải pháp tạm thời có thể áp dụng cho loại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ mà “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” đã nêu là: “hãy tạm gác vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; tạm thời giữ nguyên hiện trạng của các bên tranh chấp trên hai quần đảo này”. Thực chất, đây chính là nguyên tắc STATUS QUO (giữ nguyên hiện trạng) đã trở thành thông lệ quốc tế và đã được vận dụng phổ biến như là một giải pháp tạm thời nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các bên liên quan có thể ngồi lại với nhau để đàm phán hòa bình giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ quốc gia trên đất liền cũng như trên các hải đảo. Xin lưu ý rằng giải pháp này không bao hàm nội dung “gác tranh chấp, cùng khai thác” và vì vậy nó không làm ảnh hưởng hay có tác động gì đến kết quả của quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Không thể có chuyện “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong vùng biển và thềm lục địa chồng lấn được tạo thành bởi cái lưỡi bò gớm ghiếc này, càng không thể có chuyện “gác tranh chấp cùng khai thác” tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi mà hiện nay đang do lực lượng vũ trang Trung Quốc chiếm đóng trái phép (toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 8 vị trí trên quần đảo Trường Sa). |
Việt Nam cũng đã từng thỏa thuận áp dụng giải pháp này trong quá trình đàm phán giải quyết các tranh chấp biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc: Năm 1991, sau khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc được khôi phục (năm 1990), trước khi mở ra các vòng đàm phán về biên giới, lãnh thổ trên đất liền, hai bên đã ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới theo nguyên tắc quản lý biên giới theo tình hình thực tế, giữ nguyên mốc giới hiện có….
Và, chính trong Tuyên bố về nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC), các bên tham gia cũng đã thỏa thuận giữ nguyên hiện trạng, không mở rộng thêm sự chiếm đóng, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình… Thực chất đó chính là nội dung của nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng” (status quo).
Đối với loại tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn, giải pháp tạm thời theo quy định của Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 là khác với nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng”, lại hoàn toàn khác với “sáng kiến” “gác tranh chấp, cùng khai thác” cuả Trung Quốc đưa ra.
Tại Điều 74 và Điều 83 của Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ, qui định về việc hoạch định ranh giới vùng Đặc quyền về kinh tế và Thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển nằm kề hoặc đối diện nhau đã ghi rõ:
“Trong khi chờ ký kết thỏa thuận nói ở khoản 1, các Quốc gia hữu quan , trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng.”(khoản 3).
Trong thực tế, vân dụng quy định này của Công ước về Luật biển năm 1982, các quốc gia ven biển đã thỏa thuận áp dụng giải pháp “hợp tác khai thác chung” (Joint-development) ở vùng Đặc quyền về kinh tế và Thềm lục địa chồng lấn, không hề có nội dung “gác tranh chấp” theo cách nói mập mờ của Trung Quốc.
Trong thực tiễn quốc tế có khá nhiều trường hợp các quốc gia ven biển đã vận dụng giải pháp tạm thời này, tất nhiên chỉ áp dụng cho vùng Đặc quyền về kinh tế và Thềm lục địa chồng lấn được hình thành bởi các yêu sách hoàn toàn căn cứ vào các quy định của Công ước của LHQ về luật biển năm 1982.
Chính vì vậy mà tác giả của “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” đã nhấn mạnh trong đoạn văn trích dẫn nói trên: “…Ngoài phạm vi biển của các đảo, bãi cạn đó, các bên sẽ thống nhất ranh giới biển và thềm lục địa theo đúng tiêu chuẩn của Công ước Luật biển năm 1982 để xác định các vùng chồng lấn nhằm tiến tới xác định ranh giới biển và thềm lục địa. Trong khi các bên chưa thống nhất được ranh giới cuối cùng, có thể tính đến một giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung”(joint development) trong các vùng chồng lấn được hình thành từ những yêu sách mà các bên liên quan đã vận dụng nghiêm túc các quy định của Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp quốc”.
“Hợp tác khai thác chung” chỉ áp dụng với vùng biển chồng lấn theo Công ước Luật biển 1982.
Phải chăng, theo ý ông, việc hợp tác khai thác chung đã là giải pháp đã được áp dụng vào thực tiễn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông? Và chỉ áp dụng với vùng biển chồng lấn, không áp dụng với tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp hải đảo?
Trên thực tế, các nước trên thế giới đã từng áp dụng giải pháp này. Khi áp dụng giải pháp này, các bên đều phải tuân thủ các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình và nếu tạo ra vùng chồng lấn thì các bên liên quan đàm phán để hoạch định ranh giới trong phạm vi vùng chồng lấn đó. Trong khi đàm phán , nếu như chưa thống nhất được ranh giới cuối cùng, thì các bên có thể áp dụng giải pháp tạm thời là “hợp tác khai thác chung” các vùng biển chồng lấn.
Rõ ràng là nếu chấp nhận đề xuất của Trung Quốc, dù chỉ là trên nguyên tắc chung chung, thì chúng ta cũng sẽ mắc vào cái bẫy của Trung Quốc, sẽ đưa chúng ta vào một ván bài mà họ đã sắp sẵn hòng đạt được ý đồ chiếm đến 80% diện tích Biển Đông mà trước mắt là họ muốn biến yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý trở thành yêu sách chính thức với sự chấp thuận của các bên tranh chấp trong Biển Đông.
Trong vịnh Thái Lan, năm 1992, Việt Nam và Malaysia đã ký thỏa thuận “hợp tác khai thác chung” trong phạm vi vùng biển chồng lấn rộng 2.800 km2. Thậm chí, có vùng biển chồng lấn có liên quan giữa 3 nước như Việt Nam- Thái Lan- Malaysia rộng khoảng 875km2 trong vịnh Thái Lan cũng đã được các nước này thỏa thuận “hợp tác khai thác chung” vào năm 1971.
Vùng nước 2800 km2 chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia. Ảnh: Internet |
Trong đàm phán hoạch định ranh giới vùng Đặc quyền về kinh tế chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia, các bên cũng đã bàn đến giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung”….
Tôi xin nhấn mạnh rằng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” (joint development) chỉ được các bên thỏa thuận áp dụng cho vùng biển, thềm lục địa chồng lấn được hình thành bởi yêu sách mà các bên đã tuyệt đối tuân thủ các tiêu chuẩn theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ để đơn phương xác định. Nếu yêu sách ranh giới biển và thềm lục địa nào không dựa vào các tiêu chuẩn của Công ước Luật biển năm 1982 thì đương nhiên không được xem xét để áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” có giá trị thực tiễn và tiến bộ này.
Đường biên giới lưỡi bò chiếm 80% diện tích Biển Đông do Trung Quốc tự vạch ra xuất phát từ tham vọng độc chiếm Biển Đông, không dựa vào bất cứ một quy định nào của Công ước Luật biển năm 1982, cho dù nó đã được Trung Quốc chính thức công bố, cũng sẽ không bao giờ được coi là một yêu sách hơp lý, có căn cứ khoa học để xem xét áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” trong vùng chồng lấn được tạo bởi con đường “hoang tưởng” này. Tất nhiên, không thể có chuyện “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong vùng biển và thềm lục địa chồng lấn được tạo thành bởi cái lưỡi bò gớm ghiếc này, càng không thể có chuyện “gác tranh chấp cùng khai thác” tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi mà hiện nay đang do lực lượng vũ trang Trung Quốc chiếm đóng trái phép (toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 8 vị trí trên quần đảo Trường Sa).
Tôi rất đồng tình với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, các học giả, nhà nghiên cứu và các độc giả khác trong và ngoài nước muốn gửi đến những ai đang đảm đương trọng trách, trực tiếp hay gián tiếp, đấu tranh bảo vệ và gìn giữ chủ quyền, các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông một thông điệp ngắn gọn rằng: Hãy cảnh giác và không bao giờ nhân nhượng trước chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” trong phạm vi biển, đảo, được tạo ra bởi “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự ý vạch ra trong Biển Đông, bất chấp luật pháp và thực tiễn quốc tế! |
Trong “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” chúng tôi cũng đã phân tích khá đầy đủ bản chất của chủ trương “Gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc. Tại chương IV, phần II, điểm vii, đã phân tích:
“(Trung Quốc) Thúc ép mạnh mẽ các nươc trong khu vực thực hiện chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác”. Trung Quốc cho rằng đề xuất này thể hiện thiện chí to lớn của phía Trung Quốc, có cơ sở pháp lý (biện pháp tạm thời đối với vùng chồng lấn thềm lục địa), không đụng chạm đến quan điểm của mỗi bên về vấn đề chủ quyền, có tính xây dựng, thực tế và tính khả thi nhất, tạo điều kiện cho các bên khai thác tài nguyên phát triển kinh tế , tăng cường quan hệ hữu nghị , hợp tác cũng như góp phần giữ gìn môi trường hòa bình và ổn định trên biển. Triển khai “gác tranh chấp cùng khai thác”, Trung Quốc vừa nhằm duy trì và củng cố yêu sách chủ quyền, tranh chiếm được tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giữ được bộ mặt “hòa bình”, tranh thủ dư luận, tăng cường ảnh hưởng chinh trị đối với khu vực, hạn chế vai trò của các cường quốc khác. Thực chất, ngoài khu vực Trường Sa, các khu vực Trung Quốc muốn “ cùng khai thác” với các nước liên quan đều là các khu vực nằm trong phạm vi vùng Đặc quyền về kinh tế, Thềm lục địa của các nước có tiềm năng dầu khí. Do vậy, đề xuất “gác tranh chấp cung khai thác” này của Trung Quốc không thể chấp nhận được trong vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của các nước khác theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982”.
Rõ ràng là nếu chấp nhận đề xuất của Trung Quốc, dù chỉ là trên nguyên tắc chung chung, thì chúng ta cũng sẽ mắc vào cái bẫy của Trung Quốc, sẽ đưa chúng ta vào một ván bài mà họ đã sắp sẵn hòng đạt được ý đồ chiếm đến 80% diện tích Biển Đông mà trước mắt là họ muốn biến yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý trở thành yêu sách chính thức với sự chấp thuận của các bên tranh chấp trong Biển Đông. Nếu được như vậy là Trung Quốc đã “biến hóa” một yêu sách đơn phương vô lý, hoang tưởng, thiếu cơ sở, trở thành một yêu sách được các bên mặc nhiên thừa nhận.
Như vậy, có thể nói “hợp tác khai thác chung” là chỉ được áp dụng với vùng biển chồng lấn trên cơ sở Công ước Luật biển 1982 chứ không áp dụng với vùng mà do một bên nào đó tự nghĩ ra và yêu sách?
Đúng như vậy. “Hợp tác khai thác chung” chỉ là giải pháp tạm thời được áp dụng trong trường hợp các quốc gia ven biển liên quan khi tiến hành đàm phán hoạch định ranh giới vùng Đặc quyền về kinh tế và Thềm lục địa chồng lấn có liên quan , chứ không thể áp dụng cho khu vực lãnh thổ có tranh chấp, như quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và càng không thể áp dụng cho vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” vô lý, hoang tưởng của Trung Quốc.
Đọc kỹ cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, thấy ông phân biệt rất rõ cụm từ “Hợp tác khai thác chung” và âm mưu “gác tranh chấp cùng khai thác” của Trung Quốc. Phải chăng ông cũng đã lường trước được sự nhầm lẫn giữa 2 cụm từ này?
Quan điểm của tôi là phải luôn cảnh giác và không bao giờ chấp nhận âm mưu “gác tranh chấp cùng khai thác” của Trung Quốc. Trong cuốn sách này, tôi cũng đã viết rất rõ về từng giai đoạn trong kế hoạch triển khai thực hiện âm mưu của Trung Quốc. Nếu không cảnh giác và tỉnh táo trong khi phát biểu, đàm phán, thỏa thuận với Trung Quốc thì dễ mắc cạm bẫy của Trung Quốc. Từ đó, họ sẽ khai thác những sơ hở có thể xảy ra trong bất kỳ một diễn đàn nào để kiên trì đòi chấp thuận yêu sách vô lý của mình.
Tôi rất đồng tình với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, các học giả, nhà nghiên cứu và các độc giả khác trong và ngoài nước muốn gửi đến những ai đang đảm đương trọng trách, trực tiếp hay gián tiếp, đấu tranh bảo vệ và gìn giữ chủ quyền, các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông một thông điệp ngắn gọn rằng: Hãy cảnh giác và không bao giờ nhân nhượng trước chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” trong phạm vi biển, đảo, được tạo ra bởi “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự ý vạch ra trong Biển Đông, bất chấp luật pháp và thực tiễn quốc tế!
Xin chân thành cảm ơn ông!
HỒNG CHUYÊN
Theo Infonet