Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố trên tàu Aurora sẽ có 32 chuyên gia đầy kinh nghiệm bảo quản tàu nhưng thực tế chỉ có 8 cán bộ bảo tàng không có kinh nghiệm làm việc trên tàu.
Đội tàu chiến đấu của tuần dương hạm Aurora (Rạng Đông) - biểu tượng cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại đã bị giải thể năm 2010, còn chính con tàu sau đó đã được bàn giao cho bảo tàng Hải quân.
Tháng 8/2012, các cựu binh của hạm đội đã gửi đơn đến Tổng thống Vladimir Putin đề nghị can thiệp vào số phận của tàu tuần dương, thậm chí phong cho tàu quy chế tàu của tổng thống. Theo các cựu binh, Tổng thống Nga có thể ở trên tàu nhận duyệt binh.
Putin đã giao cho Bộ trưởng quốc phòng Anatoly Serdyukov nghiên cứu các ý kiến của các chiến sĩ hải quân, ông này là người đưa ra sáng kiến biến Aurora thành bảo tàng.
Serdyukov: "Aurora còn trong biên chế Hải quân"
Trong thư trả lời, Bộ trưởng Anatoly Serdyukov trả lời mọi việc với con tàu đều ổn. “Các biện pháp tổ chức biên chế được tiến hành trong khuôn khổ hình thành bộ mặt mới của Hải quân không làm giảm vị thế của tàu tuần dương Aurora và làm mất các chức năng lịch sử của con tàu", ông Serdyukov viết trong thư.
Cũng theo bộ trưởng, tàu tuần dương được đưa vào biên chế bảo tàng Hải quân trung ương của Bộ Quốc phòng, đồng thời Aurora không bị đưa ra khỏi biên chế của Hải quân.
“Điều này phù hợp với thực tiễn đã hình thành trên thế giới, khi con tàu được hoàn toàn chuyển thành bảo tàng, giống các nước đã làm như ở Thuỵ Điển với tàu Wasa, ở Nhật Bản với tàu tuần dương và Constitution ở Mỹ.
Đồng thời, việc duy trì con tàu, đảm bảo các định mức cung cấp, công tác sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật con tàu vẫn được giao cho tư lệnh hạm đội Baltic như trước”, ông Serduykov nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố trên tàu Aurora sẽ có 32 chuyên gia đầy kinh nghiệm bảo quản tàu nhưng thực tế hiện chỉ có 8 người làm việc chẳng có kinh nghiệm nào cả. |
Thực tế trái ngược
Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Hạm đội Baltic - đơn vị trước đây được biên chế Aurora - cho biết, từ 1/8/2012, con tàu không nằm trong biên chế của hạm đội. Do đó không có cơ sở để duy trì bảo dưỡng nó.
“Cần mệnh lệnh của bộ trưởng hoặc thoả thuận với bảo tàng. Nhưng hiện chẳng có văn bản nào cả về việc này. Đơn giản là chúng tôi không có quyền đưa người và phương tiện đến một tài sản không có liên quan gì đến hạm đội”, đại diện Bộ tư lệnh Hạm đội Baltic nói.
Theo nguồn tin của Izvestia, trên tàu chỉ có 8 người làm việc. Họ là cán bộ của bảo tàng Hải quân, về phần mình, bảo tàng trực thuộc vụ giáo dục.
“Vấn đề chủ yếu của Aurora không phải là kéo cờ, mà là ở chỗ con tàu đã không còn trực thuộc hạm đội, còn biên chế của bảo tàng không có đủ chuyên gia có thể đảm bảo sức sống cho con tàu. Nếu xảy ra hoả hoạn hặc ngập nước các cán bộ bảo tàng hiện tại sẽ không thể làm được gì”, đại diện bảo tàng nói.
Bên cạnh việc giải thể đơn vị trên tàu Aurora, lịch sử kéo cờ Andrew (Cờ của Hải quân Nga) và cờ trên mũi chiến hạm cũng bị vi phạm. Hiện các học sinh (lớp 8 đến 11) của trường thiếu sinh quân hải quân Nakhimov ở phía đối diện với nơi con tàu thả neo nhận làm thủ tục này.
“Mỗi sáng 5 học viên giỏi nhất do trực ban nhà trường chỉ huy sẽ lên tàu Aurora và tiến hành lễ kéo cờ. Trong thời gian nghỉ hè chúng tôi sẽ nhờ học viên sĩ quan các trường đại học hải quân, các đơn vị quân đội. Tôi nghĩ là sẽ không có vấn đề khó khăn gì. Chính các thiếu sinh quân Nakhimov muốn tích cực sử dụng tàu tuần dương trong quá trình học tập”, Hiệu trưởng trường Nakhimov Andreev nói.
“Phần lớn các phương tiện vật chất đã không còn đáp ứng các yêu cầu hiện nay. Nhưng ở đó chúng tôi sẽ sử dụng khu thông tin, các xuồng cứu hộ, sẽ chuyển các giờ học về đánh tín hiệu bằng đèn pha lên tàu”, ông Andreev cho biết thêm.