Năm 1894, hải quân Trung - Nhật có trận đánh kinh hoàng trên biển Hoàng Hải và người Trung Quốc đã thua thảm hại, dù được cho là có ưu thế tuyệt đối.
Trận hải chiến Hoàng Hải hay còn có tên khác là trận chiến sông Áp Lục, diễn ra ở cửa sông Áp Lục đổ ra biển Hoàng Hải, nơi giáp ranh giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
Tại đây, lực lượng Hải quân Nhật mới được tái thiết của Nhật Bản của Đô đốc Sukeyuki Ito đã chặn đứng được cuộc đổ bộ của lục quân Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của Hạm đội biển Bắc dưới sự chỉ huy của Đô đốc Đinh Nhữ Xương.
Về lý thuyết, Hạm đội biển Bắc được trang bị những thiết giáp hạm vô cùng hiện đại là Dingyuan và Zhenyuan, 2 con tàu mà Hải quân Nhật khi đó không có gì có thể đối đầu được.
Hạm đội hùng mạnh này của Trung Quốc cũng được trang bị những pháo thần công cỡ lớn 200 - 250 mm và có sự giúp đỡ của rất nhiều sĩ quan hải quân nước ngoài đến từ Mỹ và Anh.
Đô đốc Sukeyuki Ito, chỉ huy Hải quân Nhật trong trận chiến Hoàng hải 1894 |
Ngày 17/9/1894, 2 bên bước vào cuộc chiến quan trọng này. Với Nhật, chiến thắng đồng nghĩa với việc ngăn chặn được bước chân Trung Quốc tiến sang Triều Tiên, khi đó đang do Nhật kiểm soát phần lớn. Trong khi đó, Trung Quốc cần vượt qua được khe cửa hẹp Áp Lục để giành lại ưu thế đang dần bị mất ở Triều Tiên.
Sáng hôm đó, Hải quân Nhật Bản bắt đầu dàn đội hình "mũi tên", kì hạm Matsushima do Đô đốc Sukeyuki Ito chỉ huy. Ở phía sau là các tuần tra khác do Đô đốc Kabayama Sukenori dẫn đầu trên tàu Saikyo. Các tàu tuần dương và khinh hạm Yoshino, Takachiho, Akitsushima và Naniwa đi đầu đội hình.
Trong khi đó, Hạm đội biển Bắc của Đô đốc Đinh Nhữ Xương dẫn đầu xếp theo đội hình hàng ngang. Ở giữa là 2 thiết giáp hạm mạnh nhất của họ Dingyuan và Zhenyuan.
Các tàu khác được xếp hành quân ở 2 bên, nhưng do sự chênh lệch tốc độ và liên lạc không tốt, đội hình của Trung Quốc di chuyển rất rời rạc.
Hình ảnh vẽ lại về cuộc chiến trên biển giữa Trung - Nhật |
Vào trận, Đô đốc Sukeyuki Ito chỉ huy các khinh hạm của mình tấn công 2 cánh của Hạm đội biển Bắc. Lúc này, Đinh Nhữ Xương nhận ra, những tàu hỏa lực yếu ở 2 cánh của họ không chống trả được, thêm vào đó những tàu con này đã cản tầm bắn của Dingyuan và Zhenyuan.
Khoảng cách giữa các tàu rất gần nhau khiến cho quân Trung Quốc rơi vào thế bí, họ buộc phải dàn mỏng đội hình và chống trả từ cả 2 cánh.
Đối mặt với tình hình nguy cấp, Trung úy Ferdinand Tyler của Hải quân Hoàng gia Anh, đang có mặt trên tàu Dingyuan đã có đề nghị với Đô đốc Đinh Nhữ Xương để thay đổi đội hình nhằm đối phó với chiến thuật của Hải quân Nhật. Tuy nhiên, đô đốc họ Đinh với sự bảo thủ và hèn nhát đã không nghe theo lời khuyên và vẫn giữ chiến thuật cũ.
Thiết giáp hạm hiện đại Dingyuan của Trung Quốc |
Sau trận chiến, 2 tàu mạnh nhất của Trung Quốc là Dingyuan và Zhenyuan chỉ bị hư hại nhẹ do đứng ở giữa đội hình nhưng phải rút chạy do hết đạn dược.
Theo tài liệu của Nhật Bản, hải quân Trung Quốc đã may mắn khi kịp rút chạy, nếu không, hai chiếc tàu hiện đại nhất của họ đã vĩnh viễn vùi mình dưới đáy biển.
Hạm đội biển Bắc bị thiệt hại nặng nề, họ bị mất 850 thủy thủ và kèm theo đó là 500 người khác bị thương, đắm 5 tàu chiến và hư hại 3 tàu khác. Phía bên kia, Nhật bị hư hại 4 tàu, mất 280 thủy thủ và 200 người khác bị thương.
Trận chiến Hoàng Hải là thất bại đau đớn của Trung Quốc khi mà bước vào trận đánh họ có lợi thế hơn rất nhiều về số lượng, chất lượng tàu cũng như hệ thống đại bác cỡ lớn hiện đại. Trong khi Nhật lại là lực lượng mới tái thiết, đội hình tàu rất bình thường vào thời điểm đó.
Thiết giáp hạm Zhenyuan của Trung Quốc |
Tuy nhiên, không có điều gì là không có lí do. Hải quân Trung Quốc đã có mặt ở khu vực sông Áp Lục trước đó vài tháng nhưng rất lơ là trong việc luyện tập để chuẩn bị với sự căng thẳng của những trận đánh thực tế.
Đằng sau của tất cả chính là nạn tham nhũng trong quân đội Trung Quốc thời điểm đó. Vỏ đạn đại bác làm từ thép được thay thế bằng xi măng hoặc sứ, thuốc súng bị rút ra bán, nhồi vào đó là mùn cưa trộn với nước. Các loại đạn bị sai kích cỡ không thể sử dụng, hoặc đạn được sản xuất từ hơn 30 năm trước thì nhiều vô kể.
Thậm chí, một số khẩu pháo 250 mm còn bị các sĩ quan mang ra chợ cầm để lấy tiền tiêu. Đến khi nhận thức được sự việc, một quan chức của Trung Quốc khi đó là Li Hongzhang phải hạn chế các cuộc tập luyện để dành đạn cho trận thực chiến.
Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra đề nghị cung cấp viện trợ từ Bắc Kinh đồng thời xin trì hoãn trận chiến với Nhật cho đến lúc có đầy đủ đạn dược.
Tuy nhiên, những kẻ ngồi mát ăn bát vàng ở Bắc Kinh gọi ông là kẻ hèn nhát và gạt bỏ kiến nghị này.
Kì hạm Matsushima, tàu do Đô đốc Sukeyuki Ito chỉ huy trong trận hải chiến Hoàng hải 1894 |
Ngược lại, với kinh nghiệm hải chiến dày dặn cùng với sự chỉ duy khôn ngoan và tinh thần chiến đấu cực kì cao, Hải quân Nhật Bản dù lực lượng yếu hơn nhưng vẫn khiến cho Hạm đội biển Bắc của Trung Quốc nhận lấy thất bại cay đắng.
Hiện nay, viễn cảnh về một cuộc hải chiến giữa Trung - Nhật lại có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, theo giới phân tích quân sự quốc tế, dù có nhiều hơn về khí tài nhưng Trung Quốc vẫn chưa phải đối thủ trên biển của Nhật Bản.
Với truyền thống lâu đời qua 2 cuộc Thế chiến, tinh thần chiến đấu nghiêm túc, chuyên nghiệp, được luyện tập thường xuyên trong các cuộc tập trận, Lực lương phòng vệ biển Nhật Bản được đánh giá cao hơn hẳn so với những người bên kia chiến tuyến.
Tùng Đinh// Theo VTC