Chiến lược tái cân bằng của Mỹ đang mang lại một diện mạo mới cho tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời cạnh tranh giữa các cường quốc càng khiến cho nhiệm vụ của ASEAN trở nên phức tạp hơn.
Lời bình luận
Chính quyền Obama đã và đang tái tập trung ngoại giao và lực lượng quân sự hướng về Châu Á-Thái Bình Dương như một phần của chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ. Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ quân sự về chiều sâu với Phi-líp-pin, Mỹ đã tuyên bố vào cuối năm 2011 việc thiết lập hiện diện luân phiên 2500 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Darwin, Úc và triển khai lực lượng bốn tàu tuần duyên LCS tại Xinh-ga-po.
Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng tuyên bố rằng Mỹ triển khai 60% lực lượng hải quân tới Thái Bình Dương. Chiến lược tái cân bằng của Mỹ đang mang lại một diện mạo mới cho tranh chấp tại Biển Đông.
Chính sách của Mỹ tại Biển Đông
Theo truyền thống, Mỹ thường không sẵn sàng tham gia vào vấn đề chủ quyền tại Biển Đông. Thật vậy, nước này liên tục tuyên bố rằng những vùng lãnh thổ do Phi-líp-pin yêu sách không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp định phòng thủ chung ngày 30/8/1951 ràng buộc Mỹ và Phi-líp-pin. Mỹ chỉ tập trung ở vấn đề bảo vệ quyền tự do hàng hải và đảm bảo cho sự di chuyển của Hạm đội 7.
Song, cuộc đụng độ giữa tàu giám sát biển Impeccable của Mỹ với lực lượng hải quân Trung Quốc và các tàu tuần tra dân sự phía Nam đảo Hải Nam hồi tháng 9/2009 đã gây ra quan ngại nghiêm trọng đối với Oa-sinh-tơn. Phía Bắc Kinh lên án rằng Impeccable đang tiến hành nghiên cứu khoa học biển tại vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc trong khi hoạt động này cần phải có sự chấp thuận của nước này. Trong khi đó, Oa-sinh-tơn lập luận rằng các hoạt động của tàu giám sát là chính đáng theo nguyên tắc tự do hàng hải.
Lập trường của Mỹ tại Biển Đông đã không có nhiều thay đổi cơ bản kể từ vụ việc Impeccable. Oa-sinh-tơn vẫn không thể hiện lập trường nghiêng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền và tiếp tục hạn chế lợi ích cốt lõi ở vấn đề tự do hàng hải tại các vùng biển có tranh chấp. Hơn nữa, Mỹ ngày càng tỏ ra quan tâm tới việc Trung Quốc nâng cao năng lực hải quân và không cảm thấy yên tâm với cam kết của Trung Quốc về nguyên tắc tự do hàng hải tại các vùng biển có tranh chấp.
Ngoại giao chủ động của Mỹ
Tại Đối thoại Shangri-La năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tuyên bố rằng Oa-sinh-tơn không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền, tuy nhiên, Mỹ phản đối bất cứ hành động nào đe dọa tự do hàng hải tại Biển Đông. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hồi tháng 7/2010 đã thể hiện Mỹ có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải tại Biển Đông, điều này đã khiến Trung Quốc giận dữ. Bắc Kinh coi những bình luận của Ngoại trưởng Mỹ giống như một hành động can thiệp từ bên ngoài. Bà Clinton một lần nữa lại đề cập tới Biển Đông tại Hội nghị ARF tại Bali tháng 7/2011, khi đó, bà khuyến khích ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử về vấn đề này.
Bản thân Tổng thống Obama đã đẩy vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Bali vào tháng 11/2011. Ông đã khẳng định lại rằng Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp nhưng lợi ích của Mỹ bao gồm tự do hàng hải và thương mại không bị cản trở trong vùng biển nửa kín này. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phản ứng qua việc khẳng định nguyên tắc tự do hàng hải và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông.
Sau khi Việt Nam và In-đô-nê-xi-a nắm vai trò chủ tịch ASEAN, các nước tiếp theo giữ vai trò chủ tịch luân phiên thường niên là Cam-pu-chia, Bru-nây và My-an-ma, là các quốc gia được cho là sẽ đi theo Bắc Kinh bằng cách hạn chế tối đa việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Điều này đã từng có tiền lệ tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) được tổ chức tại Cam-pu-chia tháng 7/2012 khi các quốc gia Đông Nam Á thất bại khi không thông qua được bản tuyên bố chung do những khác biệt quan điểm về Biển Đông. Mặc dù có mặt trong Hội nghị ARF diễn ra ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN.
Phản ứng của Trung Quốc
Trung Quốc coi chiến lược tái cân bằng của Mỹ như là một nỗ lực bao vây sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc tại Châu Á. Từ quan điểm của Trung Quốc, Oa-sinh-tơn đang cố gắng bao vây Trung Quốc bằng cách tăng cường các mối quan hệ đồng minh song phương và triển khai nhiều quân lính và tiền của tới khu vực này. Đặc biệt, Mỹ đang thúc đẩy việc can thiệp ở Biển Đông, do đó can dự vào những vấn đề mà Bắc Kinh coi là song phương với các bên yêu sách Đông Nam Á. Trung Quốc cũng nhận định những hoạt động gần đây của Phi-líp-pin tại các vùng biển tranh chấp, chẳng hạn như trong vụ bãi cạn Scarborough năm 2012, chịu sự ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn.
Trung Quốc và Mỹ tìm cách ngăn chặn khả năng quân sự hóa các tranh chấp. Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn coi Biển Đông là một vấn đề cần một giải pháp ngoại giao thay vì sử dụng quân sự, và ít nhất trong thời điểm hiện nay, hai nước này đều sẵn sàng để ASEAN định hướng quá trình quản lý xung đột.
Tuy nhiên, Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh đều không đồng thuận về việc tranh chấp Biển Đông nên được bàn thảo ở cấp độ nào. Mỹ muốn vấn đề này được đặt ra tại các diễn đàn quốc tế, tuy nhiên, điều này vẫn là vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Bắc Kinh càng ngày càng quan tâm tới bất cứ các nỗ lực quốc tế hóa tranh chấp, thay vào đó, nước này muốn thảo luận các vấn đề theo kênh song phương với từng bên yêu sách Đông Nam Á yếu thế hơn. Do đó, cuộc đối đầu và cạnh tranh giữa các cường quốc tại Biển Đông càng khiến cho nhiệm vụ của ASEAN trở nên phức tạp hơn trong tương lai.
Tiến sỹ Ralf Emmers là Giáo sư liên kết và Điều phối Chương trình Chủ nghĩa đa phương và khu vực hóa tại trường Quan hệ quốc tế Rajaratnam (RSIS), Trường Đại học công nghệ Nanyang.
Theo RSIS
Hương Lan (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông