TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Báo Trung Quốc đánh giá về giá trị quân sự, kinh tế của cảng Cam Ranh

Cam Ranh cùng với rất nhiều đảo to nhỏ bao quanh tạo thành một cảng nước sâu tránh bão, luôn được hải quân của các cường quốc coi là “trung tâm dịch vụ hậu cần”. Hơn cả các căn cứ khác ở khu vực, Cảng Cam Ranh lại rất gần “các khu vực nóng” ở Biển Đông.

 cang Cam Ranh

Có lẽ cả châu Á cũng không tìm đâu được một quân cảng độc đáo như Vịnh Cam Ranh ở Việt Nam. Bán đảo Cam Ranh chạy từ Bắc xuống Nam cùng với rất nhiều đảo to nhỏ bao quanh, biến Cam Ranh thành một cảng nước sâu tránh gió.

Ngoài cửa đi vào nhỏ hẹp, Cam Ranh còn được các dãy núi cao khoảng 400 mét vây quanh, không những không bị gió mùa và bão xâm nhập, mà địa thế cao có thể khống chế cả khu vực xung quanh của Cam Ranh lại càng dễ dàng cho việc bố trí phòng thủ. Cửa vào tuy nhỏ nhưng tổng diện tích mặt nước rộng 98 Km vuông, nước sâu phổ biến ở mức 16 – 25 mét, chỗ sâu nhất đến 32 mét, có thể đồng thời đỗ khoảng 40 tàu cỡ lớn, kể cả tàu sân bay. Nếu bố trí tên lửa phòng không ở Vịnh Cam Ranh và những vị trí xung quanh Cam Ranh thì Eo biển Malắcca và Eo biển Xinhgapo sẽ đều nằm trong tầm hỏa lực của những tên lửa đó. Ngoài ra, Vịnh Cam Ranh còn có thể sử dụng để giám sát điện tử đối với các khu vực Bắc Ấn Độ Dương, Vịnh Pécxích, Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Vừa là địa thế tự nhiên, lại cận kề tuyến đường vận tải biển quốc tế, Vịnh Cam Ranh luôn được hải quân của các cường quốc coi là “trung tâm dịch vụ hậu cần”. Bắt đầu từ năm 1095, Nga Sa hoàng, Pháp, Nhật Bản đã cưỡng chiếm Cam Ranh. Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam , Mỹ đã từng chi 300 triệu USD để mở rộng Cam Ranh. Từ năm 1979, một hiệp ước cho thuê 25 năm đã khiến Vịnh Cam Ranh trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài, đồng thời là vị trí tiền duyên để Liên Xô kiềm chế Trung Quốc và tranh bá với Mỹ. Đến năm 2002 do không đủ chi phí mỗi năm trả 300 triệu tiền thuê nên Nga đã rút đi, Cam Ranh từ đó mới trở nên tĩnh lặng.

Trong khi quân cảng phá vỡ sự tĩnh lặng, thực sự mở cửa trở lại, Cam Ranh đã đem lại cho Việt Nam không chỉ tiền cho thuê lớn mà còn là con bài để cân bằng nước lớn. Trước hết là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đến thăm Vịnh Cam Ranh vào đầu tháng 6, dẫn đến đồn đoán của dư luận bên ngoài về việc quân Mỹ muốn trở lại Vịnh Cam Ranh. Gần đây nữa là trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Việt Nam đã cho Nga thành lập một cơ sở sửa chữa tàu ở cảng Cam Ranh. Một cựu quan chức ngoại giao của Trung Quốc giấu tên cho biết: “Cuộc chơi tế nhị giữa Mỹ và Nga xung quanh Cam Ranh đến nay đã không còn tiếp tục là ‘hoạt động ngầm’, mà đã tiến vào giai đoạn ‘lừa miếng nhau để đạt mục đích’”.

I- Thương cảng quốc tế mới

Năm 2005, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam lúc đó là Tề Kiến Quốc đã nhận lời mời của Ủy ban nhân dân thành phố Khánh Hòa đến thăm Vịnh Cam Ranh. Ông Tề Kiến Quốc nói: “Lúc đó, Nga vừa hoàn thành việc rút quân toàn diện, bán đảo Cam Ranh trở nên hết sức hoang vắng, cỏ dại tiêu điều. Trừ một khoảnh nhỏ giữ lại làm quân cảng, còn lại đều là cảng thương mại. Toàn bộ cảng hoang vu, chỉ thấy vài ba tàu hàng buôn bán ra vào”. Ở Cam Ranh vẫn đang sử dụng chiếc cầu do Mỹ xây dựng từ thập niên 60 thế kỷ trước, cũng có bia liệt sĩ tưởng niệm Việt – Nga (Liên Xô) mới dựng nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong thời gian quân đội Mỹ đóng tại Cam Ranh, ở đây đã có một bộ mặt phồn vinh, đến thời kỳ Liên Xô/Nga bắt đầu tiêu điều.

So với Cảng Đà Nẵng quan trọng ở miền Trung thì Cảng Cam Ranh mấy năm nay đón tiếp các tàu quân sự nước ngoài rất hạn chế. Trước đây, binh sĩ Việt Nam đóng ở các vị trí gần Cam Ranh rất đông, nay còn rất ít, chỉ còn một số biển đề tên và khẩu hiệu cũ. Phía Nam bán đảo Cam Ranh hiện nay còn có căn cứ không quân của Việt Nam . Năm 2002, khi Nga tuyên bố rút khỏi Cam Ranh, Chính phủ Việt Nam đã không chỉ một lần cho biết, tới đây Việt Nam sẽ không cho bất cứ nước nào sử dụng cảng Cam Ranh làm căn cứ quân sự. Cách xác định của Việt Nam về vị trí mới của Cam Ranh hiện nay là để Cam Ranh trở thành cảng thương mại quốc tế sầm uất. Cảng Cam Ranh đã không chỉ ghi lại lịch sử Việt Nam bị kiềm chế giữa các nước lớn, mà còn cung cấp cho Việt Nam các nguồn lực về dầu khí, du lịch và hải sản phong phú. Bãi cát ở Vịnh Cam Ranh là cát trắng, hạt mịn, có mức độ nổi tiếng nhất định trên thị trường xây dựng quốc tế. Một số bãi biển cạnh sân bay quốc tế Cam Ranh không những có nhà máy lọc cát, mà còn có những khu nghỉ mát mà các nhà đầu tư sốt sắng xây dựng.

Tháng 10/2010, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tung ra với thế giới “mối nghi ngờ Vịnh Cam Ranh”, ông nói Vịnh Cam Ranh chuẩn bị mở cửa trở lại cho các tàu quân sự nước ngoài bằng cách “thu phí”, nhưng sau đó Chính phủ Việt Nam lại giữ kín tin này. Đại sứ Tề Kiến Quốc nói “Nga vào Vịnh Cam Ranh lần này là để ‘sử dụng’ cảng này chứ không phải là ‘thuê dùng’. Việt Nam sẽ không tiếp tục cung cấp Vịnh Cam Ranh cho nước thứ ba dùng làm căn cứ quân sự, thái độ đó của Việt Nam là không thay đổi”. Xét từ góc độ của Việt Nam , dù là Mỹ, Nga hay nước nào khác, Việt Nam đều sẵn sàng mở cửa Cam Ranh cho các nước đó. Từ thuê dùng đến sử dụng, sự khác biệt về từ ngữ lại khác nhau một trời một vực, thuê dùng nghĩa là ai thuê thì người đó có đặc quyền sử dụng, còn sử dụng là có tính chất mở cửa. Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang trong thời gian thăm Nga còn đặc biệt nói rõ, Việt Nam cung cấp cơ sở trên biển cho Nga hoàn toàn không phải là căn cứ quân sự.

Để đáp lại việc Việt Nam cho Nga sử dụng cảng Cam Ranh, Nga đã cấp cho Việt Nam khoản vay 10 tỉ USD, đáp ứng nhu cầu quan trọng hàng đầu về phát triển kinh tế của Việt Nam. Tới đây hợp tác năng lượng, đặc biệt là hợp tác thăm dò dầu khí sẽ là lĩnh vực quan trọng trong quan hệ kinh tế thương mại Nga – Việt. Tháng 4/2012, Việt Nam đã ký hiệp định với Công ty công nghiệp khí đốt tự nhiên của Nga, cùng khai thác hai mỏ khí đốt tự nhiên lớn ở Biển Đông. Hai mỏ khí đốt này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở giữa đường bờ biển Việt Nam và quần đảo Trường S). Vị quan chức ngoại giao kỳ cựu không nói rõ danh tính nói trên cho biết, quyết định của Việt Nam cho Nga vào Vịnh Cam Ranh lần này, ngoài lợi ích kinh tế, Việt Nam còn tính toán điều hòa mâu thuẫn trong nước. Quan chức này nói: “Bởi nguồn gốc lịch sử phức tạp liên quan đến các nước lớn như Mỹ, Nga trước đây, nhất là trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã sử dụng Cam Ranh làm căn cứ quân sự, để lại vết thương trong lòng nhiều người Việt Nam, nếu Việt Nam đi đến quá gần với Mỹ trong vấn đề này, hiển nhiên sẽ gây tác động, dẫn đến nhưng bất bình và phản đối. Việc Nga được cho vào lại đúng thời điểm đã phát huy tác dụng cân bằng tâm lý ở một số người như vậy”.

Những vết nứt của một cuộc chiến còn để lại giữa hai nước Mỹ - Việt là trở ngại hiện thực rất lớn để nâng cao sự tin cậy lẫn nhau, dù Chính phủ hai nước có gần gũi nhau trong lập trường về một số vấn đề như tranh chấp Nam Hải, nhưng như vậy không có nghĩa là hai nước đã hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Ông Tề Kiến Quốc nói: “Việt Nam cũng có phần cần đến Mỹ. Ngoài hy vọng có được công nghệ tiên tiến của Mỹ và đầu tư nhiều hơn của Mỹ, Mỹ còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam . Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đã vượt quá 10 tỉ USD”.

II- Ngoài lợi ích kinh tế

Từ lúc Nga tuyên bố không tiếp tục sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh cho đến nay trở lại Cam Ranh, thời gian vừa đúng 10 năm, người quyết định cũng vẫn là Tổng thống Putin.

Tháng 1/2002, Bộ Ngoại giao Nga cho biết sau năm 2004 Nga sẽ không tiếp tục sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam . Khi đó đúng vào thời điểm Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu. Đối với Nga lúc đó, chiến lược quân sự của Nga thu hẹp lại, giá trị quân sự ở căn cứ Cam Ranh cũng giảm đi, trong nước kinh tế lại khó khăn, không đủ tiền để tiếp tục thuê. Mặt khác, Việt Nam có kế hoạch sẽ chuyển hóa Vịnh Cam Ranh dùng vào mục đích dân sự, vì thế không ngừng gây sức ép với Nga, yêu cầu Nga rút quân. Với áp lực cả trong lẫn ngoài, Nga quyết định rút quân về nước.

Thời gian qua đi tình hình cũng thay đổi, Putin trở lại trên cương vị Tổng thống, thực lực quốc gia được khôi phục, Nga từng bước mở rộng trở lại sự hiện diện quân sự của mình trên toàn cầu, khu vực Đông Á kinh tế phát triển nhanh cũng là một trong những điểm mà Nga quan tâm. Học giả Chử Hạo, phụ trách vấn đề Việt Nam thuộc Ban nghiên cứu Nam Á, Đông Nam Á và châu Đại Dương, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, nói “Mỹ lớn tiếng tuyên bố trở lại châu Á – Thái Bình Dương cũng làm cho Nga cảm thấy áp lực, Nga cũng cần quan tâm tăng cường sự hiện diện của họ ở Đông Nam Á”.

Quan chức ngoại giao giấu tên cũng cho hay Cảng Cam Ranh có thể được coi là trận chiến gặp gỡ tương đối ôn hòa trong chiến lược “trở lại” Đông Nam Á mà cả Mỹ và Nga cùng thi hành. “Có điều trận chiến này đã bày ngửa trên bàn”. So với sự vội vàng đồn đoán của dư luận bên ngoài do quyết định của Việt Nam tuyên bố để cho Nga được xây dựng cơ sở sửa chữa tàu ở cảng Cam Ranh, những làn sóng dư luận nổi lên hơn hai tháng trước đây khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đến thăm Vịnh Cam Ranh cũng “chỉ hơn chứ không kém”.

Ngày 3/6, Panetta bắt đầu chuyến thăm Việt Nam ba ngày, chặng đầu tiên là đến thị sát tàu tiếp tế USNS Richard E. Byrd của Hải quân Mỹ đang đậu ở Cam Ranh. Trong khi thị sát, Panetta đã phát biểu một cách đầy hàm ý rằng Mỹ hy vọng hợp tác với Việt Nam trong vấn đề biển, tàu hải quân Mỹ thăm Vịnh Cam Ranh là một phần quan trọng của sự hợp tác này, Mỹ đã thấy được ở đây tiềm năng hợp tác rất lớn trong tương lai. Panetta nói: “Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam rất phức tạp, nhưng chúng ta không nên bị lịch sử làm gò bó”. Sau chiến tranh Việt Nam , Panetta là quan chức cấp cao nhất trong Chính phủ Mỹ đến thăm Cam Ranh. Cách đây hơn 40 năm, vào năm 1966, Tổng thống Mỹ khi đó là Lyndon B. Johnson cũng đã đến thăm nơi này. Báo chí Mỹ đã nói “ai chiếm được Vịnh Cam Ranh người đó sẽ chiếm được một nửa Trung Quốc, có thể kiểm soát được tuyến đường giao thông vận tải Á – Âu, có được địa vị bá quyền kinh tế thế giới, vì thế Mỹ phải chiến thắng Nga, Hải quân Mỹ phải đóng được ở Vịnh Cam Ranh”.

Trò chơi cân bằng giữa các nước lớn là cách chơi nhất quán của Việt Nam . Khi chơi con bài Cam Ranh, ngoài tìm kiếm lợi ích kinh tế, Việt Nam sẽ không quên mượn việc đó để làm được cả việc khác. Các nước lớn muốn tiến vào Vịnh Cam Ranh không chỉ có Mỹ và Nga mà cả Nhật Bản và Ấn Độ cũng đầy hào hứng. Theo quan chức ngoại giao kỳ cựu nói trên, “Nước lớn tiến vào Vịnh Cam Ranh càng nhiều, Việt Nam đương nhiên cảm thấy lực của mình sẽ càng đầy đủ hơn khi chạy đua với Trung Quốc trong vấn đề Nam Hải”. Tất cả các căn cứ Changi ở Xinhgapo, Yokosuka ở Nhật Bản, Busan ở Hàn Quốc, Apra ở Guam đều không gần được “khu vực nóng” Biển Đông như Vịnh Cam Ranh. Từ Cam Ranh đến quần đảo Trường Sa chỉ khoảng 600 Km./.

Theo Tạp chí “Tuần tin tức Trung Quốc” (ngày 20/8)
Nhật Linh (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te