Chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Libya và Triều Tiên theo lệnh?
Trong một cuộc phỏng vấn với tập đoàn truyền thông Jang, nhà khoa học Pakistan bị thất sủng nói: “Thủ tướng lúc đó là Mohtarma Benazir Bhutto đã cho gọi tôi tới và nói rõ tên của hai nước cần được giúp đỡ và đưa ra các chỉ thị rõ ràng về vấn đề này”.
Tuy nhiên, ông A.Q. Khan không nói rõ hai nước đó là nước nào.
Ông Khan nói rằng, lúc đó ông không có một sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp hành lệnh của thủ tướng và thực hiện các bước cần thiết để hoàn thành mệnh lệnh đó. Cuối năm 2007, bà thủ tướng bị một kẻ đánh bom liều chết sát hại.
Ông Khan cho biết: "Chắc chắn Thủ tướng biết rõ vai trò và quan hệ hợp tác với hai nước mà bà đã nói rõ tên, đối với lợi ích quốc gia của chúng tôi”.
Ông Khan cho biết, việc chuyển giao công nghệ hạt nhân không diễn ra một cách dễ dàng và có ít nhất là 800 người kiểm tra theo dõi quá trình này.
Năm 2004, ông Khan bị quản thúc tại gia và đã thừa nhận là đã điều hành một đường dây phổ biến công nghệ hạt nhân bí mật.
Đường dây này được cho là đã cung cấp công nghệ hạt nhân và cách chế tạo cho các nước, trong đó có Libya và Triều Tiên.
Trong những năm gần đây chính phủ Pakistan do Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) lãnh đạo đã giảm bớt hạn chế đối với Khan.
Khan cũng đã rút lại lời khai của mình, nói rằng ông ta bị ép phải thừa nhận đã điều hành một mạng lưới phổ biến hạt nhân trên truyền hình.
Khan nói rằng cựu thủ tướng Nawaz Sharif, người được tiếng trong vụ thử hạt nhân năm 1998 lại chính là người không sẵn sàng tiến hành các vụ thử đó. Nguyên nhân là do ông Nawaz Sharif lo sợ Mỹ bất bình và chính phủ của ông bị đe dọa.
Ẩn ức trong vụ thử hạt nhân của Pakistan
Thông qua một số trợ lý của mình, những người đồng thời là bạn với Khan, Thủ tướng Sharif cố thuyết phục nhà khoa học này giành cảm tình của quốc tế bằng việc giữ im lặng trước các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ năm 1998. “Tuy nhiên, tôi nói rõ rằng nếu ông ta làm như vậy tôi sẽ đưa toàn bộ sự thật ra công luận. Sau đó Nawaz Sharif buộc phải tiến hành vụ thử”, ông Khan cho biết.
Ông Khan cho rằng việc Sharif quyết định chậm đã tạo điều kiện cho quốc tế gây sức ép đối với Pakistan. “Nếu như ông ấy quyết định ngay để đáp trả Ấn Độ thì sẽ không có thời gian đâu để gây sức ép với Pakistan khi mà ông ta cho rằng chúng ta có thể tiến hành các vụ thử hạt nhân nửa tiếng sau khi nhận được lệnh.”
Tiết lộ bí mật về các phi vụ UAV trên lãnh thổ Pakistan
Nói về các cuộc tấn công của máy bay không người lái của Mỹ vào các khu vực bộ lạc ở Pakistan, ông Khan cho rằng các cuộc tấn công này có sự nhất trí của giới lãnh đạo chính trị và quân đội Pakistan.
Ông Khan kêu goi trang bị cho các bộ tộc tên lửa vác vai để bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ. “Lãnh đạo phải chịu trách nhiệm đối với các cuộc tấn công này trong các khu vực bộ lạc, trong khi giới quân sự cũng không thể trốn tránh trách nhiệm bởi vì họ đã thề là sẽ bảo vệ lãnh thổ và biên giơi của đất nước, nhưng lại không thực hiện lời thề của mình bằng việc ngăn chặn các cuộc không kích của máy bay không người lái vào lãnh thổ của đất nước”, ông nói.
“Không cần phải huy động không lực của Pakistan về vấn đề này. Nếu chúng ta có thể cung cấp những tên lửa vác vai tự chế tạo cho người dân bộ lạc, họ sẽ bắn rơi máy bay không người lái. Nếu nói rằng máy bay không người lái không thể bị bắn rơi là sai”, ôngng quả quyết.
Khan nói rằng, chỉ “những công dân nghèo và vô tội” đang bị sát hại trong các cuộc oanh kích của máy bay không người lái. Còn nếu bọn khủng bố bị giết thì tại sao xác của chúng không được tiết lộ cho báo chí.
Khan khẳng định Mỹ sẽ không rút khỏi Afghanistan, mà sẽ vẫn duy trì “sức mạnh thực thụ” của họ ở đó.