Làn sóng biểu tình chống Nhật Bản tại Trung Quốc ngày càng nóng hơn, buộc hàng trăm tập đoàn Nhật Bản phải đình chỉ hoạt động ở Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khi hai nền kinh tế lớn nhất châu Á có sự gắn kết chặt chẽ với nhau về thương mại và đầu tư.
Nếu chiến tranh kinh tế xảy ra
Hình ảnh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tràn ngập tại các nhà ga, trạm tàu điện ngầm ở Nhật Bản, một cách để nước này nhắc nhở người dân và khẳng định chủ quyền trên các đảo này. Ảnh: Reuters |
Những tranh cãi về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vượt ra khỏi căng thẳng ngoại giao và bắt đầu tác động đến quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Các cuộc biểu tình bạo động chống Nhật Bản ở 85 tỉnh thành của Trung Quốc đã buộc nhiều nhà bán lẻ và nhà máy thuộc các tập đoàn lớn của Nhật Bản tại đây như Canon, Panasonic, Honda và Mazda phải ngừng hoạt động vài ngày. Tin tức cổ phiếu của các công ty liên quan đến doanh nghiệp Nhật Bản giảm mạnh tại các phiên giao dịch ở Hong Kong và Thượng Hải tràn ngập trên các trang tin tức ngày 16, 17.9.
Hai tờ báo có tiếng nói nhất ở Trung Quốc ngày 17.9 đồng loạt lên tiếng kêu gọi thực hiện trừng phạt kinh tế đối với Nhật Bản như một lời đáp trả trước những hành động của chính quyền Tokyo về các đảo tranh chấp. Tờ Nhân dân nhật báo đã dành hẳn một bài xã luận riêng biệt cho việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt. Với tiêu đề “Xem xét trừng phạt Nhật Bản”, tờ Nhật báo Trung Quốc viết “Nền kinh tế Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Trung Quốc áp đặt những biện pháp trừng phạt của mình. Mất mát của Trung Quốc sẽ tương đối ít”.
Trước khi Trung Quốc quyết định phát động chiến tranh kinh tế thì nước này cần đánh giá lại các con số quan trọng trong những năm qua để tránh đưa ra quyết định sai lầm. Về thương mại, đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc là Nhật Bản, với 345 tỉ USD giá trị hàng hóa qua lại năm 2011, chiếm 9% tổng thương mại Trung Quốc, nhiều hơn hẳn tổng thương mại của Trung Quốc với các nước thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi) và Vương quốc Anh cộng lại.
Về đầu tư, dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc cung cấp cho thấy năm 2011, Trung Quốc có 6,3 tỉ USD đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, và tích lũy được 69 tỉ USD đầu tư từ năm 1996. Con số tương ứng từ chính phủ Nhật Bản thậm chí còn cao hơn, 12 tỉ USD năm 2011 và 83 tỉ USD các khoản đầu tư từ năm 1996. Ngoài ra, về du lịch, Trung Quốc cũng là điểm đến số một của du khách Nhật trong năm 2011 với hơn 3,65 triệu người Nhật vượt biển đến Trung Quốc, tăng đến 50% so với thập niên trước.
Về phía Nhật Bản thì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm 21% xuất khẩu (máy móc hạng nặng và thiết bị công nghệ cao) và nhập khẩu của Nhật Bản năm 2011. Về đầu tư, Nhật Bản không phải là quốc gia thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc. Đến cuối năm 2011, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Nhật Bản chỉ dừng lại ở mức 560 triệu USD, trong khi Mỹ là 70 tỉ USD còn EU là 94 tỉ USD. Khách du lịch từ Trung Quốc sang Nhật Bản đã bắt đầu tăng trở lại trong năm 2011; chỉ trong tháng 7.2012, con số đã đạt đến 950.000 lượt, tăng 72% so với năm 2011.
Sẽ khó có thể nói ai sẽ là người chịu ảnh hưởng nhiều hơn nếu chiến tranh kinh tế thật sự xảy ra giữa hai nước. Tuy nhiên, việc cả hai nước cùng bị thiệt hại là điều có thể chắc chắn. Nếu chiến tranh kinh tế giữa hai cường quốc Châu Á nổ ra, thiệt hại không chỉ dừng lại ở phạm vi hai nước mà sẽ lan rộng sang các nước khác. Chuỗi cung ứng cho tất cả mọi thứ từ iPad đến các thiết bị di động đều phụ thuộc vào các bộ phận và vật liệu xuất khẩu qua lại giữa hai nước. Các công ty Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Đức và Thái Lan đứng giữa mối quan hệ kinh tế này nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng.
Dân Nhật biểu tình ôn hoà chống Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Thương mại với Trung Quốc: “quả banh chính trị” của Mỹ
Trong bối cảnh căng thẳng Trung - Nhật, Tổng thống Barack Obama như muốn đổ thêm một ít dầu bằng việc đệ đơn kiện ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc lên Tổ chức thương mại thế giới. Đây là lần thứ ba trong năm mà chính quyền Obama kiện Trung Quốc lên WTO, nội dung đơn kiện lần này cáo buộc Trung Quốc bảo hộ bất hợp pháp cho ngành xuất khẩu ôtô nước này với các khoản trợ cấp đến 1 tỉ USD từ năm 2009-2011.
Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần thì hành động của ông Obama được xem là xuất phát từ động cơ chính trị. Ứng viên Mitt Romney tấn công ngay, vì cho rằng đơn kiện của ông Obama “quá trễ đối với doanh nghiệp Mỹ và các gia đình trung lưu”. Trước đó, ông Romney liên tục cáo buộc tổng thống Mỹ quá mềm dẻo trước các vấn đề Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò trong tháng 6 của Wall Street Journal/NBC cho thấy 62% dân Mỹ xem Trung Quốc là kẻ thù so với 25% xem nước này là đồng minh. Lợi thế nghiêng về phía đảng Cộng hòa trong một thăm dò của Bloomberg trong tháng này: 40% cử tri thất vọng trước các chính sách thương mại với Trung Quốc của ông Obama. Giữa một Obama nỗ lực chống Trung Quốc tại WTO và một Romney luôn có giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc, các nhà vận động cho tự do hóa thương mại ngày càng lo ngại về khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Chuyên viên về an ninh Trung Quốc Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) nhận định: “Tại thời điểm chuyển tiếp quyền lực chính trị này, không nhân vật nào (ở Trung Quốc) muốn tỏ ra mềm yếu trước bất kỳ đối thủ nước ngoài nào, dù là Mỹ hay Nhật Bản”. Nhưng chắc chắn rằng Trung Quốc không mong đợi thêm một hành vi khiêu khích nào, một căng thẳng trong một thời điểm là quá đủ.
Gần như ngay lập tức sau khi ông Obama tuyên bố kế hoạch kiện Trung Quốc, nước này đã đề nghị đàm phán chính thức với Mỹ liên quan đến các nghĩa vụ phát sinh áp đặt lên lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc. “Thông qua tham vấn từ cơ chế hòa giải tranh chấp thương mại của WTO, phía Trung Quốc hi vọng Mỹ có thể sửa chữa hành động sai lầm của mình và giải quyết các quan ngại hợp lý của Trung Quốc”, phát ngôn viên Shen Danyang của Bộ Thương mại Trung Quốc nói.
Nam Liên – Khả Anh (tổng hợp)
Theo SGTT