Căng thẳng giữa các quốc gia khu vực Đông Bắc Á
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho biết đã đến lúc xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc, sau khi xảy ra nhiều xung đột giữa hai nước về vấn đề chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Làn sóng biểu tình Nhật Bản ở Trung Quốc
đã lan rộng trên 20 tỉnh, thành phố
Sự kiện đáng tiếc hôm đầu tuần, trong đó quốc kỳ của Nhật Bản trên xe chở Đại sứ Nhật ở Bắc Kinh đã bị xé rách. Đây là sự việc nghiêm trọng, nối tiếp theo hàng loạt các cuộc tuần hành phản đối Nhật Bản đang lan rộng khắp Trung Quốc xung quanh vấn đề tranh chấp giữa hai nước trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Mô tả rằng đây là sự việc "vô cùng đáng tiếc”, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba nói rằng ông sẽ cử một Đặc phái viên tới Trung Quốc để đệ trình thư tới Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Mặc dù không đưa thêm chi tiết, nhưng ông Gemba cho biết đây là cơ hội tốt để xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc, đã trở nên lạnh nhạt do tranh chấp đảo. "Chúng ta cần phải trao đổi ý kiến về tình hình mối quan hệ Trung-Nhật, đặc trong điều kiện chung của toàn khu vực, bao gồm cả bán đảo Triều Tiên” – ông Gemba cho biết.
Tổng Thư ký Nội các Osamu Fujimura, Người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản, cho biết thêm rằng, bức thư gửi tới Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ đề cập tới việc "phát triển mối quan hệ Trung-Nhật dựa trên tầm nhìn rộng lớn”.
Mặc dù sở hữu đường dây song phương quan trọng chung của khu vực, mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bóng đen lịch sử, đặc biệt là hành động diệt chủng của quân đội Nhật trong thời chiến.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi, trong tuần trước tiết lộ rằng Nhật có thể sẽ hoãn kế hoạch mua trái phiếu của Chính phủ Hàn Quốc trong lúc đang có căng thẳng ngoại giao với Seoul. Về vấn đề với Bắc Kinh, ông Azumi bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tránh rơi vào tình trạng gây ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương.
Ngày 28-8, Sứ quán Nhật ra thông báo Đại sứ Uichiro Niwa không bị thương trong vụ việc. Theo dự kiến, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Tsuyoshi Yamaguchi sẽ tới Trung Quốc để trình bức thư của Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda gửi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Trong khi đó, Mỹ - đồng minh thân cận của Nhật Bản – cũng đưa ra phản ứng trước vụ xé cờ hôm đầu tuần, cho rằng Washington rất quan tâm tới mối quan hệ Trung-Nhật, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng bắt đầu từ đầu tháng 8, sau khi một số nhà hoạt động của Trung Quốc đã tới đảo Uotsuri, thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tất cả 14 nhà hoạt động này đã bị cảnh sát Nhật bắt giữ và sau đó trục xuất về nước để giảm căng thẳng.
Chỉ vài ngày sau đó, một số người Nhật Bản cầm quốc kỳ cũng đặt chân lên đảo này. Sự việc khiến hàng nghìn người dân Trung Quốc ở trên 20 tỉnh thành tức giận và tổ chức biểu tình trong suốt 2 tuần qua. Các doanh nghiệp, nhà hàng và xe hơi…của Nhật Bản bỗng dưng trở thành mục tiêu của nhóm người này.
Senkaku/Điếu Ngư từ lâu đã là điểm nóng căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh, do cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo và ngư trường xung quanh cũng như trữ lượng khí đốt được cho là dồi dào ở khu vực.
Một số nhà phân tích lo ngại rằng căng thẳng giữa một số quốc gia khu vực Đông-bắc Á sẽ còn tiếp diễn phức tạp, khi không có nước nào chịu nhường bước trước những lợi ích của quốc gia mình. Xung đột chồng chéo ở khu vực này cũng diễn ra trong thời điểm nhạy cảm, khi cộng đồng quốc tế còn đang hết sức quan ngại về sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và chương trình phát triển hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Khánh Duy
Theo Đại Đoàn Kết