TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Mỹ nên làm gì ở biển Đông?

Mỹ nên làm gì để không bị mất uy tín trong một cuộc tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, HDS Greeway, chủ bút chuyên mục bình luận trên tờ GlobalPost đặt vấn đề.

Các đảo, đá hầu như chỉ là những chỗ lồi lõm nhỏ xíu của bãi đá không có người sống trải dài trên 772.000 dặm ở biển Đông. Chúng mang những cái tên do các nhà vẽ bản đồ của châu Âu đặt cho, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough, dù các quốc gia châu Á đều đặt cho chúng những cái tên riêng. Chúng là những hòn đảo gây tranh cãi gay gắt nhất trên Trái đất, và mùa hè vừa qua, thế giới đã "nóng" hơn cùng những vấn đề tiềm ẩn đối với Mỹ.

Nhóm Nghiên cứu Quốc tế (ICG) uy tín cảnh báo cuộc xung đột vũ trang liên quan đến các hòn đảo và bãi cạn này có nhiều khả năng xảy ra hơn bao giờ hết, và trên thực tế, trước đây nó đã từng xảy ra...

Một số đảo san hô vòng đang gây tranh cãi rộng rãi trong tranh chấp liên quan đến Trường Sa giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei và cả Đài Loan (Trung Quốc). Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các đơn vị quân đội đồn trú của mình và tuyên bố thành lập thành phố mang tên Tam Sa, với một thị trưởng và 45 đại biểu Hội đồng Nhân dân, và đòi quyền tài phán đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và đảo Macclesfield Bank.

Việt Nam mới đây đã thông qua một đạo luật khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Philippines cũng thúc đẩy yêu sách của mình đối với bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Manila cho biết sẽ mua hàng trăm tàu và máy bay mới để bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình.

Không ai quan tâm nhiều tới các hòn đảo và bãi đá nằm rải rác này cho tới khi có thông tin cho thấy dầu và khí đốt có thể đang nằm ở ngoài khơi, và giờ đây, niềm tự hào dân tộc được nêu ra hàng đầu.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố nước này sẽ không lùi bước trước những đe dọa của Trung Quốc. "Nếu ai đó lao vào nhà bạn và nói là anh ta sở hữu nó, bạn có đồng ý không?".

Tất nhiên, bạn sẽ đồng ý nếu phải đối mặt với sức mạnh không thể chống lại được của Trung Quốc - nước cũng có quyết tâm giống như ông Aquino. Và đây chính là lúc Mỹ tham gia vào.

Mỹ trước đây không có quan điểm về việc ai sở hữu cái gì, nhưng từng nói các tranh chấp phải được giải quyết hòa bình, thông qua đối thoại thay vì dùng vũ lực. Mỹ đến nay là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất ở Thái Bình Dương, và những nước nhỏ hơn có yêu sách tại biển Đông hy vọng Hải quân Mỹ sẽ hành động như một cảnh sát khu vực, bảo vệ họ khỏi sự bắt nạt của Trung Quốc.

Giờ là lúc chính sách đặt "trọng tâm" vào Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama cần được phát huy. Nếu Mỹ khoanh tay đứng nhìn, và để Trung Quốc chiếm hữu tất cả các đảo đang tranh chấp, họ sẽ mất uy tín trong khu vực và trên thế giới. Nhưng Trung Quốc đã từ chối đàm phán về số phận các hòn đảo này, và đang tăng cường lực lượng để phô trương sức mạnh.

Cũng như trong yêu sách không thể thương lượng của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan, đây là lúc Mỹ thể hiện thái độ kiên định, cũng như sự mềm dẻo và tế nhị để đối phó với Trung Quốc. Trong trường hợp Đài Loan, Mỹ đã công nhận chỉ có một Trung Quốc, nhưng nói rằng việc tái hội nhập với đại lục sẽ phải được cả hai bên đồng thuận và không dùng vũ lực.

Trong trường hợp các yêu sách chồng lấn tại biển Đông, Mỹ nên nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận trọng tài quốc tế. Điều này sẽ không hề dễ.

Một số người, như Michael Auslin, thuộc Viện Kinh doanh Mỹ, từng nói rằng trước tiên Mỹ nên giảm bớt đối thoại quân sự "cho đến khi có câu trả lời" về việc các đơn vị của quân đội Trung Quốc nên hiện diện ở mức độ tại các đảo tranh chấp. Theo ông, Mỹ cũng nên nghĩ đến việc hoãn các cuộc đối thoại thường niên về an ninh và kinh tế với Trung Quốc.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đây sẽ là một cách tiếp cận sai lầm. Đối thoại quân đội - quân đội là thứ điều đầu tiên bị treo khi Mỹ muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc, và cách này luôn sai. Sẽ rất có ích nếu quân đội hai nước tiếp tục đối thoại, và sẽ là tự cắt vào tay mình chứ không phải là giữ thể diện, nếu ngừng cuộc đối thoại an ninh và kinh tế.

Duy trì đối thoại với Trung Quốc có lợi cho bất kỳ ai, nhằm kéo họ tham gia nhiều nhất có thể, không chỉ để đạt một thỏa thuận về biển Đông mà cả trong các điểm nhức nhối tiềm ẩn khác. Ngừng đối thoại chỉ càng là cái cớ cho những nhân vật diều hâu ở Trung Quốc lấn tới và làm yếu đi vị thế của phe bồ câu ở nước này./.

------------------
Tác giả: Châu Giang theo globalpost // Tuần Việt Nam

  • HDS Greeway là chủ bút chuyên mục bình luận trên tờ GlobalPost. Hiện ông cũng viết cho chuyên mục bình luận thường kỳ cho tờ International Herald Tribune.

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te