TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Biển Đông: Ai tranh chấp chủ quyền biển đảo của ai?

Quyền phát hiện các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về nước Đại Việt, bắt đầu từ Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635).


Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những hành động phô trương lực lượng nhằm hù dọa các nước nhỏ ở Biển Đông bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Để biện minh cho những hành động cậy lớn hiếp bé của họ, các báo đài Trung Quốc tung ra những luận điệu nhạt nhẽo về “hợp tác cùng thắng” giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á/Biển Đông.

Trung Quốc tạo ra cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo

Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 6/7 đăng xã luận biện luận rằng những nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc đề cập đến “mối đe dọa Trung Quốc” là vô căn cứ.

Phải nói ngay rằng, các nước đối diện Biển Đông như Việt Nam có chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển của mình theo Luật biển Liên hợp quốc năm 1982, cũng như có những bề dày cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền này. Không có sự mập mờ mà Trung Quốc tạo dựng về việc giữa Trung Quốc và các nước Biển Đông “có tranh chấp chủ quyền”. Sự thật là, Trung Quốc ra sức nêu vấn đề “tranh chấp” để “hợp thức hóa tranh chấp”. Đường lưỡi bò 9 đoạn là do Trung Quốc vẽ ra, công bố lên, rồi dùng sức mạnh quân sự, bán quân sự cùng tất cả sức mạnh kinh tế họ có để cưỡng đoạt chân lý mà thôi. Đường lưỡi bò này bị phê phán, vì nó chỉ dựa vào “vùng nước lịch sử” không được luật pháp quốc tế về biển thừa nhận. Nó “liếm” vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một số nước liên quan.

Gần đây, có việc Trung Quốc gia công tìm kiếm các bằng chứng “khảo cổ học” để bảo vệ đường lưỡi bò này.


Các chiến thuyền nhà Nguyễn tạo nên quyền kiểm soát Biển Đông từ thế kỷ 17

Trung Quốc vừa công bố kế hoạch thành lập các khu bảo tồn di sản dưới nước ở quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Động thái này được phía Trung Quốc nhấn mạnh là một quyết định nhằm bảo vệ các cổ vật dưới biển khỏi nguy cơ hư hại và mất cắp. Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (HK) số ra ngày 26/6, chính quyền tỉnh Hải Nam ngày 25/6/2012 đã thông báo kế hoạch thành lập 4 khu bảo tồn di sản dọc theo các dải đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa: Đá Bắc, Đá Lồi, Đá Chim Yến và Nhóm Lưỡi Liềm Trăng Khuyết.

Nhật báo Đông phương Buổi sáng (Trung Quốc) dẫn lời Cục trưởng Cục Di vật Văn hóa tỉnh Hải Nam cho rằng sau khi thành phố Tam Sa được thành lập, với vai trò là cơ quan quản lý văn vật địa phương, Cục Di vật Văn hóa tỉnh Hải Nam sẽ phải gánh vác thêm “trọng trách trong việc bảo tồn các di sản văn vật dưới nước”.

Những vùng nước nêu trên được bao quanh Trường Sa, Hoàng Sa và Trung Sa là những khu vực chính của tuyến đường hàng hải “Con đường Tơ lụa” nối phương Tây với phương Đông từ thời cổ đại. Trong số những phát hiện của các chuyên gia nghiên cứu tại vùng biển này có một con tàu đã bị đắm cách đây 800 năm, cùng các cổ vật gốm sứ và những đồng tiền đồng. Chính quyền Hải Nam đã tổ chức tìm kiếm và nghiên cứu các di vật văn hóa ở Biển Đông từ năm 1996 đến nay. Kết quả của các cuộc tìm kiếm này là họ đã phát hiện được 122 địa điểm có cổ vật văn hóa dưới biển, thu thập được 20.000 cổ vật.
Không biết họ đã thu thập được những gì và sẽ trưng bày những gì. Nhưng dù họ có thu thập được những đồ gốm sứ của Trung Quốc hay của các nước phương Đông khác cũng không có nghĩa là Trung Quốc đã có mặt ở đó. Những cổ vật này nếu có, là do tàu thuyền phương Tây, phương Đông, thậm chí cả tàu thuyền Trung Quốc, chuyên chở qua "Con đường Tơ lụa" gặp phải bão tố chìm xuống đáy biển. Chúng nằm trong vùng biển nước nào nước đó có quyền khai thác.

Philippines cũng đã gửi các tàu nghiên cứu khảo cổ tới bãi đá ngầm Scarborough tại vị trí nằm ở vùng biển giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon. Trung Quốc đã tìm cách  ngăn chặn các hoạt động này.

Quyền phát hiện các quần đảo thuộc về Đại Việt

Người Trung Quốc làm công việc “khảo cổ” này chậm hơn người Việt Nam gần 400 năm. Từ thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), chính quyền Đàng Trong đã cử thuyền ra khai thác Hoàng Sa, Trường Sa. Nhà Tây Sơn và các vua triều Nguyễn đến tận năm 1858, khi Pháp xâm lược Việt Nam, đã thực hiện các hoạt động xác lập chủ quyền và khai thác các quần đảo này.

Quyền phát hiện các quần đảo này thuộc về nhà nước Đại Việt. Các Chúa Nguyễn cử đội thuyền tới đó hàng năm trong nhiều tháng để thu lượm các tài sản chìm đắm.


Đại Nam Nhất thống toàn đồ, vẽ năm 1838, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đầu Thư (1630 – 1653) do Đỗ Bá, tự Công Đạo, soạn, có nói về sự tồn tại của các đảo này. Tài liệu này bao gồm các bản đồ An Nam từ thế kỷ XV trong đó có tấm vẽ các quần đảo trong Biển Đông dưới tên gọi Bãi Cát Vàng và Vạn lý Trường Sa, thuộc phủ Quảng Nghĩa:

“Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vĩnh. Một lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy, có gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói cả, hàng hoá thì đều để ở nơi đó”. “Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa mười tám chiếc thuyền đến lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng, bạc, tiền tệ, súng đạn…”.

Trong nhiều tài liệu lịch sử như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí đều có nhiều đoạn ghi chép về việc các chúa Nguyễn đã cử các đội dân binh  Hoàng Sa và Bắc Hải từ đầu thế kỷ 17. Đội Hoàng Sa chuyên trách về các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa; sau này các đội Bắc Hải phụ trách việc kiểm soát và khai thác các đảo xa ở phía nam, trong đó có quần đảo Trường Sa.

Ngày 14/2 năm Thái Đức thứ 9 (1786), chính quyền Tây Sơn đã có Chỉ thị gửi cho cai đội Hoàng Sa đi thuyền ra quần đảo Hoàng Sa tác nghiệp.

Trong các thời kỳ của Triều đình nhà Nguyễn, việc thực hiện chủ quyền của nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo càng được củng cố mạnh mẽ. Các đội Hoàng Sa và Bắc Hải được cử tới hai quần đảo này làm nhiệm vụ thực hiện chủ quyền như tuần tra, dựng bia, khảo sát địa hình, vẽ bản đồ, đo đạc thủy trình, thu lượm, khai thác sản vật và cử người lưu trú trên đảo. Các sách sử chính thức của Triều Nguyễn được các học giả có tên tuổi thời đó biên soạn, xuất bản  trong một thời gian dài gần hai thế kỷ.

Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn, vẽ khoảng năm 1838, đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam. Đó là những bằng chứng lịch sử và pháp lý không cần tô vẽ, không thể chối cãi./.

Người bình luận
Theo Tổ Quốc

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te