Vụ tấn công bạo lực ở Benghazi (Libya) giết chết Đại sứ J. Christopher Stevens và một số người Mỹ khác đã bộc lộ rõ sự thất bại nặng nề của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trong những nỗ lực thu thập thông tin tình báo giữa biến động khôn lường hiện nay ở quốc gia Bắc Phi này. Trong hơn 20 người Mỹ cấp tốc sơ tán khỏi Benghazi, đã có gần chục nhân viên CIA nắm giữ vai trò do thám và thu thập thông tin về các nhóm chiến binh vũ trang đóng bên trong và bên ngoài thành phố.
Vụ tấn công chết người được đánh giá là thảm họa cho CIA và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang được khẩn trương tiến hành điều tra.
Các mục tiêu do thám của CIA ở Benghazi và miền Đông Libya bao gồm Ansar al-Sharia, nhóm chiến binh bị cáo buộc tiến hành vụ tấn công; và các thành viên của nhóm Al-Qaeda Hồi giáo Bắc Phi gọi tắt là AQIM. Vụ giết chết Đại sứ Mỹ Christopher Stevens đã thổi bùng lên sự giận dữ của người dân dẫn đến phản ứng của hàng ngàn người dân Libya đổ xuống đường phố Benghazi hôm 21/9 đòi giải giáp các nhóm chiến binh. Bản chất của các nhóm chiến binh rất khác nhau - một số tỏ ra ôn hòa, trong khi nhóm Hồi giáo như là Salafi được coi là cực kỳ bảo thủ và nhóm khác trung thành với cựu lãnh đạo Gaddafi.
Theo Frederic Wehrey - chuyên gia phân tích chính sách và tác giả bài báo "Cuộc đấu tranh cho an ninh ở miền Đông Libya", "cộng đồng Salafi cực đoan trong khu vực đang trải qua giai đoạn thay đổi quan trọng giữa mong muốn theo hướng chính trị hay là trở thành nhóm chiến binh mạnh hơn để đối đầu với nền dân chủ ở Libya". Các điệp viên CIA ở Libya có nhiệm vụ hỗ trợ quan chức nước này truy tìm những quả tên lửa vác vai và vũ khí hóa học trong các kho vũ khí của lực lượng chính quyền Gaddafi cũng như giúp huấn luyện cho cơ quan tình báo mới của Libya.
Giới chức cao cấp Mỹ thừa nhận sự thất bại của CIA ở Libya, song họ nhấn mạnh rằng thông tin vẫn còn có thể thu thập được từ những người đưa tin trên mặt đất cũng như các hệ thống nghe lén các cuộc giao tiếp điện tử qua điện thoại di động và hình ảnh do vệ tinh cung cấp. Theo một quan chức Mỹ giấu tên, điều đó có nghĩa là CIA không hoàn toàn mù tịt về những biến động ở Benghazi và miền Đông Libya. Nhưng theo người phát ngôn của CIA, Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này.
Trong thời gian đầu nổ ra cuộc cách mạng ở Libya vào tháng 2/2011, CIA bắt đầu tổ chức mạng lưới điệp viên mật ở thành phố Benghazi, trung tâm của mọi nỗ lực của phe nổi dậy nhằm lật đổ chế độ Gaddafi. Mặc dù CIA đã có sự hợp tác với Cơ quan tình báo của Libya song sự hiện diện tức thì của tình báo Mỹ cũng khiến cho một số nhân vật lãnh đạo mới cảm thấy bất ngờ.
Phó thủ tướng Mustafa Abushagour của Libya cho biết, ông chỉ biết đến một số điệp vụ tế nhị của CIA ở Benghazi sau khi xảy ra vụ tấn công giết chết Đại sứ Christopher Stevens vào hôm 11/9 vừa qua, bởi vì không lâu sau đó có khá nhiều người Mỹ xuất hiện tại sân bay thành phố để sơ tán.
Đại sứ Stevens từng làm phái viên Mỹ chịu trách nhiệm liên lạc với phe nổi dậy chống chính quyền Gaddafi ở Libya từ tháng 2/2011. Trong 21 năm làm sứ giả ngoại giao, Stevens từng đại diện nước Mỹ ở Jerusalem, Damascus, Cairo và Riyadh. Được biết, Christopher Stevens là Đại sứ Mỹ đầu tiên bị sát hại trong hơn 30 năm qua. Điều đáng nói là vụ tấn công giết chết Đại sứ Stevens xảy ra sau khi thủ lĩnh Al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri kêu gọi trả thù cho cái chết của nhân vật số 2 của nhóm khủng bố là Abu Yahya al-Libi trong một vụ không kích của Mỹ ở Pakistan vào tháng 6/2012.
Trụ sở ngoại giao của Mỹ ở Benghazi sau vụ tấn công. |
Vụ tấn công đã làm nổi lên vấn đề về bảo đảm an ninh tại các tòa nhà của người Mỹ ở Benghazi, những nơi điệp viên CIA tiến hành những sứ mạng bí mật theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, giới chức Washington cho biết thông tin về nhiệm vụ của CIA phải được giấu kín vì sự tiết lộ có thể gây nguy hiểm cho điệp viên cũng như những hoạt động khác của Mỹ trong tương lai ở Libya.
Ở Benghazi, nhiệm vụ của người Mỹ chỉ là tạm thời nên chưa được trang bị những hệ thống an ninh nghiêm ngặt cũng như sự bảo vệ chặt chẽ của quân đội. Trụ sở ngoại giao của Mỹ không có lực lượng bảo vệ vũ trang hạng nặng và không có "ngôi nhà an toàn" để bảo vệ đại sứ và nhân viên ngoại giao. Hai vệ sĩ của trụ sở ngoại giao, Tyrone S. Woods và Glen A. Doherty (cựu thành viên của đặc nhiệm Hải quân Mỹ SEAL), bị giết chết ngay bên ngoài cổng trước của tòa nhà. Vừa qua, Ngoại trưởng Hillary Clinton thông báo thành lập ban điều tra vụ tấn công dưới sự lãnh đạo của một cựu quan chức ngoại giao và cựu Thứ trưởng Ngoại giao Thomas R. Pickering.
Ngoài ra, FBI cũng đã cử một nhóm đặc vụ giỏi đến thành phố Benghazi một ngày sau khi xảy ra vụ tấn công. Theo giới chức Mỹ, cuộc điều tra của FBI sẽ gặp nhiều khó khăn do sau khi được sơ tán khỏi Libya nhiều người Mỹ hiện đã phân tán đi khắp nơi, từ châu Âu tới Mỹ. Thậm chí, đặc vụ FBI cũng chưa rõ có nhiều bằng chứng để lại tại hiện trường vụ tấn công ở Benghazi để có thể thu thập phục vụ điều tra hay không.
Các nhà điều tra và quan chức tình báo Mỹ hiện đang tập trung vào khả năng những kẻ tấn công là thành viên của AQIM, hay ít nhất cũng có sự hợp tác với nhóm chiến binh này trong hai đợt tấn công vào hai khu nhà của người Mỹ - theo Mike Rogers, lãnh đạo Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ
Thiên Minh (tổng hợp)
Theo CAND