Mặc dù đạt đến thời kỳ tốt nhất trong lịch sử, quan hệ Nga-Trung vẫn thiếu vắng tin cậy lẫn nhau.
Quan hệ Trung-Nga hiện nay “đã đạt đến độ tốt đẹp nhất chưa từng có trong lịch sử”, đó là đánh giá của Ngoại trưởng Nga Lavrov nhân dịp Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc và dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ngay trước khi đến Bắc Kinh, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh trong bài viết cho chuyên mục “Nga-Trung Quốc: Không gian hợp tác mới” của Nhân dân nhật báo, cho rằng quan hệ giữa hai nước là “mẫu mực của quan hệ kiểu mới thực sự giữa các quốc gia”. Phần đông giới học giả hai nước cùng có chung nhận định ấy. Andrey Karneev, Phó Giám đốc Viện châu Á và châu Phi Đại học Tổng hợp Moscow (MGU), trả lời phỏng vấn Báo Độc lập (Nga), cho rằng "Giai đoạn hiện nay có thể được coi là tốt nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Hai nước đang xây dựng quan hệ trên cơ sở bền vững hơn nhiều và có tính đến lợi ích của nhau”.
Trong thời kỳ trật tự thế giới bị xáo trộn và cấu trúc quyền lực tại ba khu vực “nóng” nhất trên thế giới - châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông-Bắc Phi và châu Âu - đang trong quá trình định hình đầy biến động, quan hệ Nga-Trung phát triển vững chắc tạo ra một điểm tựa quan trọng cho mỗi nước. Tuy nhiên, quan hệ Bắc Kinh-Moscow cũng như của các mạng lưới quan hệ Á-Âu không tránh khỏi chịu tác động hợp kích của các cường lực từ bên trong và bên ngoài. Quan hệ ấy vẫn chỉ tương đối “trong một thế giới rõ ràng đang thiếu vắng sự ổn định và tin cậy lẫn nhau”.
Những đồng thuận Nga-Trung
Chính sách đối ngoại Nga dưới chính quyền Putin-II (để phân biệt với Putin-I gồm 8 năm cầm quyền của ông Putin 2000-2008) dường như đã thoát khỏi sự giằng co về chiến lược giữa “hướng Đông” và “hướng Tây”. Cuộc khủng hoảng dẫn tới suy yếu nghiêm trọng của các trung tâm quyền lực phương Tây và thất bại của “cài đặt lại” quan hệ Mỹ-Nga, làm cho chính quyền Nga “hết ảo tưởng” vào quan hệ với Mỹ. Sự nổi lên của Trung Quốc như một trung tâm quyền lực kinh tế tạo một sức hút mạnh cho chính sách “hướng Đông” mới của Nga. Chuyến thăm chớp nhoáng tới Đức, Pháp và tham dự Thượng đỉnh Nga-EU, cùng chuyến thăm dài ngày hơn tới 3 nước thuộc Cộng đồng SNG và Trung Quốc và tham dự Thượng đỉnh SCO mang tính biểu tượng về một chủ nghĩa hiện thực-thực dụng mới của chính sách đối ngoại của Putin-II.
Tổng thống Vladimir Putin gặp gỡ thân mật Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong
chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên mở đầu nhiệm kỳ ba, tháng 6/2012
Hội nghị Thượng đỉnh SCO năm nay tạo cơ hội cho Nga và Trung Quốc thể hiện sức nặng của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Cả bên đều có nhu cầu mở rộng ảnh hưởng sang Afghanistan. Nhưng Trung Quốc có lẽ sẵn sàng hơn trong nỗ lực cạnh tranh với các đối thủ khác, như Ấn Độ với sự hỗ trợ của Mỹ, để lấp khoảng trống quyền lực tại đây thời hậu chiến. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai sang Bắc Kinh tham dự Hội nghị Thượng đỉnh SCO cho thấy nước Trung Á này đang tìm cách thích ứng với một cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vì địa-chính trị và nguồn tài nguyên phong phú của nước này.
Điểm mới của Thượng đỉnh SCO-2012 là những thông điệp về một liên minh tiềm ẩn phòng ngự chung chống lại mọi mưu toan từ NATO tạo bất ổn định. Theo Minh báo (HK) ngày 10/6, “SCO dần dần từ một liên minh quân sự tầm thấp đã chuyển biến thành một liên minh hợp nhất chính trị, kinh tế và quân sự”. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã “kiên quyết phản đối việc mượn bất kỳ lý do nào can thiệp nội chính các nước thành viên”.
Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tướng Trần Bỉnh Đức tuyên bố rằng hợp tác quân sự song phương là một hướng quan trọng của sự hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc và Nga. Còn Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Tướng Nikolai Makarov tuyên bố rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đáng bị chỉ trích vì chúng cũng nhằm vào những tiềm lực hạt nhân của Trung Quốc.
Tuy nhiên những ý kiến do giới truyền thông và chuyên gia Trung Quốc nêu lên về sự cần thiết chuyển hướng nhằm thiết lập các liên minh chính trị-quân sự và mặt trận chung chặt chẽ hơn giữa Nga-Trung tỏ ra thiếu thực tế. Mỹ vẫn là trọng điểm trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Cả Nga và Trung Quốc không muốn có những liên minh thực sự mang tính ràng buộc. Việc Tổng thống Putin chọn 6 nước trong đợt xuất ngoại đầu tiên (SNG, EU và Trung Quốc) là nhằm tăng thêm lòng tin và vị thế của Nga trước cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, cải thiện vị thế Nga trong cuộc cài đặt mới của quan hệ Mỹ-Nga.
Các hạn chế của quan hệ
Tuy có lợi ích chung tạo đối trọng với phương Tây, Nga và Trung Quốc vẫn tồn tại những khác biệt lợi ích dài hạn. Theo Nhật báo Hoa Nam Buổi sáng, giới phân tích cho rằng sự thiếu tin cậy của Moscow đối với Bắc Kinh trở nên sâu sắc hơn vì những phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc về kinh tế và quân sự. Một dấu hiệu về sự ngờ vực này là Nga vẫn từ chối bán các loại vũ khí tối tân cho Trung Quốc.
Cuộc tập trận SCO-2012 tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa các
quốc gia thành viên
Jean-Pierre Cabestan, đồng tác giả cuốn sách “Trung Quốc và Nga: giữa đồng thuận và ngờ vực”, lưu ý rằng liên minh Moscow-Bắc Kinh có những giới hạn. “Hai nước thể hiện các quan điểm chung hoặc một chiến lược chung về các chủ đề tương đối dễ đối với họ, thế nhưng, có rất nhiều chủ đề gây chia rẽ… nhất là giá dầu lửa và khí đốt, việc hoàn tất các đường ống dẫn dầu, cạnh tranh ở Trung Á…”.
Người ta lưu ý rằng từ nhiều năm nay, hai nước đã không ký được một thỏa thuận, theo đó, Nga cung cấp khoảng 70 tỷ m3 khí đốt hàng năm cho Trung Quốc do bất đồng về giá cả. Nga muốn Trung Quốc trả giá bằng các khách hàng châu Âu (400 USD/1.000 m3 khí đốt), song Trung Quốc chỉ muốn trả gần với mức của các nhà cung cấp khí đốt Trung Á (250 USD/1.000 m3).
Tương phản với mối quan hệ chính trị ở trình độ cao giữa hai nước, năm 2011, kim ngạch thương mại Trung-Nga chỉ đạt 83,5 tỉ USD, trong khi Trung-Mỹ là 446,7 tỉ USD, Trung Quốc-EU là 593,97 tỉ USD. Cơ cấu thương mại chưa làm Nga hài lòng, trong khi môi trường kinh doanh ở Nga gây nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Đầu tư thực tế của Trung Quốc vào Nga chỉ chiếm 4% tổng đầu tư của nước ngoài vào Nga.
Ông Putin tích cực theo đuổi ý tưởng Liên minh kinh tế Âu-Á (EAU)và tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO)nhằm đưa những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ xích lại gần nhau trong một liên minh kinh tế, phối hợp chính sách tiền tệ và khu vực thương mại bán tự do. Một khối như vậy sẽ dựng lên những hàng rào thuế quan cao hơn giữa các nước SCO, tác động trực tiếp đến thương mại của Trung Quốc với các nước Trung Á giáp giới Trung Quốc và có thể làm phức tạp thêm tiến trình phát triển hợp tác kinh tế của SCO. Vì SCO và CSTO hoạt động trên cùng một không gian địa lý, nhưng độc lập với nhau.
Trong những năm 2000, trọng tâm hoạt động của ngành ngoại giao Nga ở châu Á-Thái Bình Dương là quan hệ với Trung Quốc. Tháng 3 năm nay, ứng cử viên tổng thống Putin từng đề cập đến “tính độc lập trong chính sách đối ngoại” mới, được hiểu là giữa Nga với Trung Quốc và Mỹ./.