Biển Đông dường như đang trở thành một “chiến trường” lợi ích mới giữa hai quốc gia lớn nhất châu Á: Trung Quốc và Ấn Độ.
Trước là lợi ích của biển Đông
Va chạm giữa New Delhi và Bắc Kinh tại biển Đông khởi đầu bằng việc một tàu chiến không xác định danh tính của Trung Quốc đã yêu cầu tàu tấn công INS Airavat của Ấn Độ, khi đó đang có chuyến thăm chính thức tới Nha Trang và Hải Phòng, phải “báo danh” và giải thích sự hiện diện của mình tại khu vực ngay sau khi rời khỏi lãnh hải của Việt Nam. Sự việc trên có thể cho thấy rõ sự khó chịu của Bắc Kinh khi New Delhi bắt đầu có những hiện diện quân sự, mặc dù hạn chế tại khu vực mà Trung Quốc luôn coi là “sân nhà” của mình.
Tàu chiến INS Airavat của Ấn Độ đã có chuyến thăm Nha Trang, Hải Phòng và sau khi ra đến vùng biển quốc tế, nó đã bị Trung Quốc "làm phiền". |
Thế nhưng vụ việc sau đó dường như lại nhạy cảm hơn rất nhiều, đó là khi Ấn Độ quyết định ký kết các thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác dầu khí và năng lượng với Việt Nam. Những thỏa thuận trên được cụ thể hóa bằng việc công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) chấp nhận lời mời của thăm dò dầu khí tại các lô 127 và 128 nằm trên thềm lục địa của Việt Nam.
Các hành động của Ấn Độ không những thể hiện mong muốn nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam, quốc gia được New Delhi coi là hạt nhân trong Chính sách hướng Đông của mình, mà còn phớt lờ hoàn toàn những cảnh bảo của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng việc thăm dò và khai thác dầu khí tại các lộ 127 và 128 cần được sự “cho phép” của Trung Quốc và rằng những việc làm của Ấn Độ nếu xảy ra sẽ hoàn toàn “bất hợp pháp”. Trong tháng 6.2012, tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) gây ra căng thẳng mới bằng cách mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong thềm lục địa của Việt Nam (trong đó có lô 128). Và ngay sau đó vào ngày 18.7, một quan chức cao cấp giấu tên thuộc OVL đã khẳng định với tờ Hindustan Times của nước này rằng OVL đã nhận lời đề nghị của PetroVietnam tiếp tục thăm dò và khai thác dầu tại lô 128 ở khu vực biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam thêm hai năm nữa.
Sau là vị trí nước lớn
Sự va chạm của Ấn Độ và Trung Quốc tại biển Đông chắc chắn không chỉ liên quan đến vấn đề tài nguyên hay tự do hàng hải thông thường, nó còn liên quan đến các tranh chấp địa chiến lược cũng như vị thế nước lớn của hai cường quốc châu Á này. Ai cũng biết Trung Quốc đang khát tài nguyên đến mức nào khi họ vung tiền ra khắp nơi trên thế giới nhằm mang về nhiều nguyên liệu nhất có thể. Với một vị trí địa lý mà 80% nguồn cung năng lượng phải đi qua biển Đông và Ấn Độ Dương, Trung Quốc không còn cách nào khác phải tăng cường bảo vệ tuyến đường huyết mạch này, đồng thời tìm kiếm các con đường năng lượng khác thông qua Nga và Trung Á.
Tàu INS Ranvir (trái) của Hải quân Ấn Độ cùng hai tàu USS Fitzgerald (Mỹ) và JDS Kurama (lực lượng phòng vệ Nhật Bản) trong một cuộc tập trận chung Malabar. |
“Chuỗi ngọc trai”, một chuỗi các căn cứ quân sự trải dọc từ phía Nam lục địa Trung Hoa cho đến tận phía Đông Châu Phi dường như là giải pháp khả thi nhất lúc này. Căn cứ Tam Á, rồi đến Hoàng Sa, các căn cứ quân sự mà Trung Quốc thuê và dự tính thuê tại Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives, Pakistan hay Kenya… sẽ là những tiền đồn quan trọng giúp Bắc Kinh bảo vệ an toàn cho tuyến đường máu của mình. Thế nhưng nhìn vào có thể thấy rằng hầu hết những căn cứ quân sự này lại được đặt tại các nước Nam Á, khu vực mà Ấn Độ từ xa xưa vẫn luôn coi là khu vực ảnh hưởng truyền thống của mình.
Mối căng thẵng giữa hai bên cùng không phải chỉ mới xuất hiện gần đây. Là hai trong bốn nền văn minh cổ xưa nhất trên thế giới, sự giao thoa văn hóa đã xảy ra trong suốt chiều dài của lịch sử. Tuy nhiên điều đó không ngăn cản được tham vọng cũng như sự đối đầu, khi hai nước đã từng xảy ra chiên tranh biên giới hồi năm 1962. Bên cạnh đó, mối quan hệ hai nước bao trùm nhiều vấn đề phức tạp khác như mối quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và Pakistan, địch thủ truyền thống của Ấn Độ; vấn đề Tây Tạng; cạnh tranh kinh tế, năng lượng và các vấn đề địa chính trị như đã nói ở trên.
Ấn Độ được xem như một nền văn minh ôn hòa hơn rất nhiều so với Trung Hoa. Là cái nôi của của đạo Phật và đạo Hindu cho nên tư tưởng của người Ấn cũng hòa quyện cùng với các triết lý vị nhân sinh của Phật và các vị thánh Hindu. Các chính sách ôn hòa từ “bất bạo động” của Gandhi cho đến “không liên kết” của Jawaharlal Nehru như khẳng định thêm chân lý đó. Chính vì thế sự phát triển của Ấn Độ tỏ ra mềm mại và nhẹ nhàng hơn so với Trung Quốc. Đã từ lâu New Delhi đã không tỏ rõ mình đứng về phía nào trong tranh chấp biển Đông, nhưng việc CNOOC mời thầu lô 128 đã tạo ra một thế khó cho Ấn Đô. Cùng với sự can thiệp quá sâu của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương, việc Ấn Độ có những động thái ủng hộ Việt Nam cho thấy New Delhi cũng có khả năng làm điều tương tự, đó là hiện diện tại nơi mà Trung Quốc cho là “ao nhà” của mình. Sự gia tăng về sức mạnh tổng thể của Trung Quốc sẽ là một phép thử quan trọng cho quan điểm và vị thế của Ấn Độ tại châu Á. Liệu Ấn Độ có khả năng cân bằng với Trung Quốc hay không, và liệu họ có khả năng duy trì một sự hiện diện tương đối tại biển Đông cũng như tham gia nhiều hơn với tư cách là một nước lớn tại các điểm nóng hay không.
“Một ngọn núi không thể có hai hổ”, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ này để ám chỉ cuộc đối đầu giữa “rồng” và “voi”. Ấn Độ chắc chắn sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc đang mạnh lên về mọi mặt. Điều quan trọng ở đây là New Delhi sẽ cân bằng giữa mục tiêu và các nguồn lực của mình như thế nào.
Nguyễn Thế Phương
(Sài Gòn Tiếp Thị)